Nhận định của Elee Griffin, một trong những nhà phát triển nền tảng xuất bản Substack, rằng “không ai mua sách” đã dấy lên nhiều lo ngại, theo trang Currentpub.
Theo dữ liệu từ vụ kiện chống độc quyền của Penguin Random House (PRH) và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), Elee Griffin đã nhận định: 5 nhà xuất bản lớn nhất thế giới (Big Five gồm PRH, S&S, HarperCollins, Hachette và Macmillan) đã chi phần lớn ngân sách cho việc ứng trước tiền bản quyền và lợi nhuận cho những người nổi tiếng lớn như Britney Spears hay các tác giả ăn khách như James Patterson.
Bên cạnh đó, họ cũng đẩy mạnh việc bán Kinh thánh, tác phẩm được gọi là ăn khách nhất mọi thời đại, cùng những đầu sách tên tuổi lớn như Chúa tể những chiếc nhẫn hay sách dành cho trẻ em như Chú sâu háu ăn. Đây là hai dạng doanh thu chính của ngành xuất bản và cung cấp kinh phí cho các tác phẩm “phù phiếm” khác (những cuốn sách không kiếm được tiền và chỉ bán được không tới 1.000 bản).
Những số liệu đáng lo ngại
Elee Griffin cho hay đội ngũ của DOJ đã thu thập dữ liệu về 58.000 đầu sách được xuất bản trong một năm và phát hiện ra rằng 90% trong số đó bán được chưa tới 2.000 bản và 50% trong số đó chỉ bán được chưa tới 10 bản. Tuy nhiên, có một điều cần chú ý là diễn giải dữ liệu của Elee tính cả sách tự xuất bản và sách do các đơn vị truyền thống xuất bản.
Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu, Kristen McLean, nhà phân tích hàng đầu của đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu cho ngành xuất bản BookScan, đã tự mình phân tích các con số của DOJ, tập trung vào hoạt động của các nhà xuất bản và cho rằng tình hình doanh thu của ngành xuất bản không quá nghiêm trọng như Elee đánh giá.
Theo bà Kristen, chưa đến 15% (không phải 50% như Elee đưa ra) tác phẩm bán được ít hơn 10 bản. Đánh giá cụ thể dữ liệu bán hàng của gần 46.000 đầu sách mới từ các công ty xuất bản Big Five, cùng với một số công ty xuất bản lớn khác (Scholastic, Disney, Abrams, Sourcebooks và Wiley), McLean cũng đưa ra kết luận tích cực hơn. Theo đó, có 14,7% (6.701 cuốn sách) bán dưới 10 bản. Con số lớn nhất là 51,4% (23.419 tác phẩm) bán được từ 12 đến 999 bản và con số nhỏ nhất là 0,4% (163 cuốn sách) bán được 100.000 bản trở lên.
Những con số này không quá tích cực, tuy nhiên, không hoàn toàn đại diện cho hoạt động của ngành xuất bản. Theo bà Kristen, doanh số bán các đầu sách cũ chiếm khoảng 70% doanh thu của nhà xuất bản, trong khi những con số trên chỉ là doanh thu của 12 tháng và không đại diện cho tổng lượng sách bán được trong suốt vòng đời của tác phẩm.
Các lỗ hổng của ngành xuất bản
Đầu tiên là việc Elee tính cả các cuốn sách được tự xuất bản và đây chính là nguồn gốc của phần lớn đầu sách có doanh thu rất thấp. Là một mảng mới phát triển và doanh thu còn thấp, các nền tảng tự xuất bản chưa mang lại nhiều lợi ích cho các tác giả và ngành xuất bản nói chung. Chưa có nhiều tác giả như Bronze Age Pervert, người ra mắt sách tự xuất bản năm 2018 về lịch sử Hy Lạp và rất ăn khách.
Tiếp đó, xuất bản học thuật vẫn chưa thể sinh lợi. Dù vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nhưng ngành xuất bản vẫn chưa tìm ra cách để đưa các tác phẩm học thuật đến gần công chúng hơn. Ngay cả một số cuốn sách học thuật được các nhà xuất bản đại học hàng đầu ra mắt cũng cũng chỉ bán được 100 bản. Và đây cũng là một lý do xuất bản học thuật (phần lớn do các nhà xuất bản đại học chịu trách nhiệm) vẫn chủ yếu mang tính phi lợi nhuận.
Trong bối cảnh khó có thể mang lại doanh thu, các nhà xuất bản đại học vẫn hướng tới xuất bản những tác phẩm tiên tiến nhằm thúc đẩy kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn, dù có thể không được đại đa số người dân quan tâm.
Với ngành công nghiệp xuất bản, họ thực sự là những tổ chức phi lợi nhuận khi vẫn tiếp tục xuất bản rất nhiều đầu sách thua lỗ.
Trong khi có rất nhiều đầu sách cung cấp kiến thức hay không được nhiều độc giả đón đọc thì không thể phủ nhận việc không phải tất cả sách bán chạy nhất đều là các cuốn sách đáng viết và đọc. Ngoài nội dung hay, một cuốn sách có thể nổi tiếng nhờ nhiều điều khác như tác giả, các quảng cáo, đầu đề, hình bìa, hoàn cảnh xuất bản….
Và thực tế là có không ít cuốn sách được độc giả mua về nhưng thậm chí chưa từng được họ mở ra. Do đó, việc tìm ra cách đưa những cuốn sách đáng đọc tới độc giả vẫn tiếp tục là bài toán của toàn ngành xuất bản.
Thêm vào đó, trong giới xuất bản hiện tại vẫn tồn tại khái niệm “frontlist” và “backlist”, chỉ những cuốn sách mới được xuất bản trong năm hiện tại và những cuốn sách được xuất bản năm trước đó nhưng vẫn đang được bán. Các tác phẩm thuộc hai danh sách này sẽ được nhận sự quan tâm khác nhau của đơn vị xuất bản.
Tuy nhiên, 1 năm không phải là khoảng thời gian quá dài để đánh giá hiệu quả doanh thu của một cuốn sách. Ví dụ, trong giáo dục đại học, những cuốn sách được sử dụng phổ biến trong lớp học chủ yếu nằm trong “backlist”. Một phần lý do là các giáo viên phải đọc và thẩm định chất lượng các tác phẩm mới trước khi quyết định giới thiệu cho sinh viên. Và thực tế này cũng cho thấy có nhiều cuốn sách vẫn lặng lẽ đến với độc giả từ năm này qua năm khác.
Như vậy, những số liệu đánh giá hiệu quả kinh doanh của ngành xuất bản trên có thể chưa thực sự phản ánh đúng thực tế, rằng ngành xuất bản không kém hấp dẫn đến vậy và không phải “không có ai mua sách”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn có nhiều hạn chế cần cải thiện để các tác phẩm tốt nhưng chưa được chú ý đến với độc giả dễ dàng hơn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng