CNBC dẫn lời ông Euben Paracuelles, Trưởng bộ phận ASEAN tại Công ty tài chính Nomura, nhận định: "Thái Lan tương đối thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, nhưng biểu tình có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế".
Người biểu tình kêu gọi chính phủ soạn thảo hiến pháp mới dựa trên ý nguyện của người dân, ngừng trừng phạt những người phản đối chính phủ, giải tán Quốc hội và chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Hôm 24/9, Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu hoãn sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của người biểu tình đến tháng 11. Quyết định này khiến những người biểu tình nổi giận. Hơn 1.000 người đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội để yêu cầu sửa đổi Hiến pháp.
Theo ông Paracuelles, lịch sử cho thấy bất ổn chính trị có xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, nhất là tác động đối với tâm lý kinh doanh và chi tiêu cho đầu tư. Nó thậm chí còn tác động tới các chính sách tài khóa quan trọng.
Những người biểu tình kêu gọi chính phủ soạn thảo hiến pháp mới dựa trên ý nguyện của người dân. Ảnh: Getty Images. |
Nomura dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ sụt giảm 7,6% trong năm nay. Con số dự báo mà Ngân hàng Trung ương Thái Lan đưa ra là 7,8%, theo dữ liệu mới nhất trên trang web.
Theo ông Paracuelles tại Nomura, vấn đề cấu trúc cản trở nền kinh tế Thái Lan từ trước dịch Covid-19. Chẳng hạn, nước này phụ thuộc rất lớn vào ngành du lịch. Điều đó có thể gây ra tác động lan tỏa đến phần còn lại của nền kinh tế trong nước vốn đã lao đao vì già hóa dân số và thiếu năng lực cạnh tranh.
Chính phủ Thái Lan vẫn còn khá nhiều dư địa tài chính nhưng vấn đề nằm ở việc thực hiện. "Trong năm tài chính hiện tại, chính phủ Thái Lan chỉ lên kế hoạch chi tiêu 45% trên tổng số 60% ngân sách phân bổ từ quỹ vay, khoảng 1.000 tỷ baht (31,63 tỷ USD)", nhà kinh tế tại Nomura bình luận.
Trong bối cảnh bất ổn chính trị, chính phủ Thái Lan có thể sử dụng các biện pháp dân túy để xoa dịu những người biểu tình. Tuy nhiên, rất khó để nói về tính hiệu quả vào thời điểm này, theo ông Paracuelles.