Theo Financial Times, các công ty như Royal Pharma, Healthcare Royal Partners và Blackstone Life Sciences đang tìm cách bán bản quyền đối với các loại thuốc đã được phê duyệt hoặc đang ở giai đoạn cuối trước khi cấp phép.
Clarke Futch, Giám đốc điều hành Healthcare Royal Partners, cho biết các yêu cầu bán bản quyền mà các công ty công nghệ sinh học nhận được đã tăng 50% kể từ quý II năm nay.
“Tiền lãi đã tăng lên rất nhiều. Các công ty có vốn hóa thị trường 2-5 tỷ USD đang rất quan tâm đến việc mua bản quyền hơn nhiều so với 12-24 tháng trước”.
Chỉ số S&P XBI của các công ty dược đã giảm 41% kể từ tháng 11, sau khi định giá tăng vọt trong đại dịch Covid-19. Theo ngân hàng Torreya, thị trường nợ tư nhân, gồm các khoản nợ mạo hiểm và phí bản quyền, đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty công nghệ sinh học phải bán bản quyền vì kinh tế suy thoái. Ảnh: Financial Times. |
Pablo Legorreta, Giám đốc điều hành của Royal Pharma, nói với Financial Times: “Áp lực lên giá cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học có thể là cơ hội với các đối tác bản quyền”.
Vào tháng 5, Royal đã tăng mục tiêu huy động vốn lên 10-12 tỷ USD trong 5 năm tới, so với mục tiêu trước đó là 7 tỷ USD đặt ra trong năm ngoái.
Trong hợp đồng phí bản quyền, công ty công nghệ sinh học sẽ bán quyền thu tiền từ một sản phẩm hợp tác với một công ty dược phẩm lớn. Còn hợp đồng bản quyền "tổng hợp" bao gồm quyền bán sản phẩm đó trong tương lai mà công ty sẽ đưa ra thị trường.
Royal Pharma có các hợp đồng bản quyền tổng hợp với các công ty bao gồm Biohaven, được Pfizer mua lại trong năm nay và Immunomedics, được Gilead mua vào năm 2020.
Bản quyền tổng hợp là một cơ hội để công ty phát triển. Nó chỉ chiếm 2% số vốn mà các công ty công nghệ sinh học huy động được trong 5 năm qua, nhưng Legoretta cho biết nó sẽ là một phần cốt lõi trong cấu trúc vốn của công ty.
Nick Galakatos, Chủ tịch Blackstone Life Sciences, cũng cho biết việc bán bản quyền ngày càng được quan tâm vì nguồn vốn từ cộng đồng đã giảm đáng kể.
“Nhu cầu về vốn tăng lên vì nghiên cứu diễn ra liên tục. Dù thị trường bị rung chuyển bởi bất ổn kinh tế toàn cầu, các nghiên cứu vẫn tiếp tục tại Oxford, Cambridge, MIT hoặc Harvard".
Antoine Papiernik, Chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm Sofinnova Partners, cho biết chiến lược này “rất tốt” cho các công ty không có cơ hội hợp tác với các hãng dược phẩm lớn và muốn đưa sản phẩm của họ được đưa ra thị trường.
"Các công ty có thể mất cơ hội sở hữu, nhưng đổi lại là được trả trước tiền mặt", Antoine Papiernik cho hay.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế