Các cấp độ tàn phá của động đất
Động đất là một trong những thiên tai ngày càng trở nên phổ biến, nhưng lại không có cách nào để dự đoán. Đây chính là "cơn thịnh nộ của tự nhiên" mà con người sợ hãi nhất hiện nay.
>>Động đất mạnh 7 độ richter ở Mexico
>>Những trận động đất, sóng thần mạnh nhất trong 100 năm qua
Mặc dù rất nhiều tiền của được đổ vào việc giám sát và nghiên cứu động đất, nhưng dường như con người vẫn chưa thể làm cách nào để tránh được hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm này. Việc duy nhất mà các nhà khoa học hiện thời có thể làm là đo mức độ dư chấn, cảnh báo sóng thần và đánh giá thiệt hại thiên tai, cho dù chưa hoàn toàn chính xác.
Theo Trung tâm khảo sát địa chất Mỹ, mỗi năm có khoảng 1,3 triệu trận động đất có cường độ từ 2,0 đến 2,9 độ richter xảy ra trên khắp thế giới. Tính trung bình, sẽ có khoảng 1.000 trận động đất có cường độ như trên xảy ra mỗi ngày. Trong khi đó, số lượng trận động đất có cường độ từ 1,0 đến 1,9 độ richter còn xảy ra nhiều hơn, khoảng 8.000 trận mỗi ngày. Tuy nhiên, những trận động đất này thường có tác động rất nhỏ, nên con người không thể cảm nhận thấy.
Động đất có cường độ từ 3,0 đến 3,9 độ richter xảy ra ít hơn, với khoảng 130.000 trận/năm. Trên thang bảng đo độ, những trận động đất cường độ tương tự sẽ không tạo ra những thay đổi quá lớn. Động đất ở cấp độ này cũng khó có khả năng gây ảnh hưởng tới cuộc sống con người.
Cũng theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, những trận động đất có cường độ từ 4,0 đến 4,9 độ richter xảy ra với tần suất trung bình 13.000 lần mỗi năm. Động đất ở cường độ này đã bắt đầu gây tác động đến cuộc sống của con người, làm đổ vỡ đồ đạc và những công trình không bền vững. Con người có thể cảm nhận thấy rung lắc khi địa chấn xảy ra.
Những trận động đất có cường độ từ 5,0 đến 5,9 độ richter xảy ra với khoảng 800 lần/năm. Động đất nằm trong khoảng này sẽ gây tác động trực tiếp tới những ngôi nhà có kết cấu không vững chắc, và có thể cướp đi sinh mạng con người bởi sức rung lắc tương đối mạnh của địa chấn gây đổ sập.
Những trận động đất có cường độ 6,0 đến 6,9 độ richter xảy ra mỗi năm khoảng từ 120 đến 134 lần. Những hậu quả của hiện tượng địa chấn này gây ra được đánh giá là nghiêm trọng và gây nguy hại tới tính mạng con người. Năm 1995, trận động đất có cường độ 6,9 độ richter xảy ra ở Kobe (Nhật Bản) đã cướp đi sinh mạng của 5.500 thường dân. Một trận động đất khác có cường độ 6,9 độ richter xảy ra năm 1989 tại California (Mỹ) cũng đã cướp đi sinh mạng của 63 người.
Động đất có cường độ 7,0 đến 7,9 độ richter xảy ra với tần suất khoảng 17-18 trận/năm. Những cơn địa chấn có cường độ nằm trong khoảng này được đánh giá là rất nghiêm trọng, bởi những thiệt hại to lớn mà chúng gây ra. Năm 1948, một trận động đất có cường độ 7,3 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 110.000 người ở Ashgabat, Liên Xô cũ.
Khoảng từ 70.000 đến 100.000 người cũng đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,2 độ richter năm 1908 tại Messina, Italy. Trận động đất mạnh 7,6 độ richter năm 2005 ở Pakistan đã làm 86.000 người chết, trong khi 3.000 người khác cũng bỏ mạng tại San Francisco, California (Mỹ) năm 1906 trong một trận động đất mạnh 7,8 độ richter.
Động đất có cường độ từ 8 độ richter trở nên xảy ra với tần suất một lần mỗi năm. Hiện chưa thể xác định được cường độ tối đa của động đất, nhưng mức độ cao nhất mà con người ghi nhận được là trận động đất mạnh 9,5 độ richter ở Chile vào tháng 5/1960.
Những trận động đất có cường độ này sẽ gây ra sức tàn phá kinh hoàng, kèm theo hiện tượng thiên nhiên khác là sóng thần đối với các khu vực ven biển, nếu tâm chấn nằm ngoài khơi. Trận động đất 9,0 độ richter kèm theo sóng thần xảy ra giữa Ấn Độ Dương năm 2004 đã tạo ra những con sóng khổng lồ ập vào đảo Sumatra của Indonesia và các quốc gia ven biển bên phía châu Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người, trong đó có nhiều du khách.
Trận động đất kèm theo sóng thần hôm 11/3/2011 ập vào Nhật Bản cũng đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ngoài hơn 20.000 người chết và mất tích, thảm họa kép còn phá hủy hàng triệu ngôi nhà và gây ra sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, khiến thế giới bàng hoàng lo ngại.
Trịnh Duy
Theo infonet.vn