Ngay khi nghe tin TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, chị Kiều Thị Hồng Vân (tên thân mật là Nàng Mây, 32 tuổi) một mình lái xe trong đêm từ Đắk Lắk tới Sài Gòn với “hành lý” là 500 kg rau củ, hoa quả nhà trồng. Chị gửi xe tải thêm 1 tấn bí và 100 kg chuối để tặng cho bà con vùng dịch.
“Sài Gòn là nơi tôi học tập, làm việc và gắn bó 14 năm thanh xuân trước khi trở về quê hương lập nghiệp. Nhiều người ngăn cản khi biết tôi lao vào tâm dịch lúc này nhưng tôi không bỏ Sài Gòn được”, chị nói với Zing.
Tại chung cư ở TP Thủ Đức, mỗi ngày, chị Mây cùng 2 người bạn vận chuyển khoảng 500 kg rau củ, hoa quả từ tầng 19 xuống, chất lên xe để đi tặng cho mọi người.
Chỉ trong vòng 4 ngày, 1,5 tấn rau củ chị Mây mang từ Đắk Lắk xuống đã được phân phát hết. Sau đó, chị vét sạch tiền trong túi và được người thân, bạn bè đóng góp thêm để tiếp tục mua thực phẩm.
Từ lực lượng y, bác sĩ, chốt dân phòng đến bà con khó khăn ở khu vực bị giăng dây phong tỏa, cứ nghe tin ở đâu cần, chị Mây lại gửi tặng đồ ăn cho họ.
Chị tự vận chuyển một phần thực phẩm và nhờ lực lượng hỗ trợ ở các phường tới lấy vì họ nắm rõ thông tin về những nơi đang thiếu thốn.
“Mình nhờ gia đình ở Đắk Lắk gõ cửa từng nhà để thu mua các loại củ quả có thể dự trữ được lâu như bầu, bí, cà rốt, khoai tây, măng, bắp, sả, chuối. Rau ăn lá thì nhiều và rất rẻ nhưng mình không mua vì khi vận chuyển về Sài Gòn mất 18-20 tiếng lại hư hỏng gần hết”, chị nói.
Biết chị Mây và bạn bè làm việc thiện, những ngày qua, nhiều người gửi thêm nông sản “cây nhà lá vườn” như dứa, chanh, thanh long từ khắp nơi để nhờ chị gửi tặng bà con ở TP.HCM.
“Mấy ngày qua có mệt, nhưng lời cảm ơn thì không đếm hết được. Mình thấy người dân Việt Nam đều có tinh thần nghĩa hiệp, hào phóng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ai cũng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau khi khó khăn”, chị Mây chia sẻ.
Tình làng nghĩa xóm
Từ khi có Chỉ thị 16, bà con ở quanh xóm trọ của Đào Phương (25 tuổi, quận Gò Vấp) khá lo lắng. Mọi người dặn nhau mua thêm đồ ăn trữ ở nhà để hạn chế ra ngoài.
“Từ bữa dịch ở nhà, cả xóm trọ mình thành ra quen biết hết nhờ chia nhau đồ ăn”, cô nói với Zing.
Hàng xóm ở cạnh phòng Phương là nhân viên siêu thị. Chị hỏi Phương cần đồ gì sẽ mua giúp để cô đỡ phải ra ngoài. Một buổi tối, chị bất ngờ cầm sang cho Phương chục trứng gà, vài hũ mì tôm, 5 lon cá hộp và nhất định không lấy tiền.
Vài hôm trước, cô hàng xóm của Phương có người quen cho bịch củ cải nên đem chia mỗi nhà một chút. Chủ nhà trọ có người thân ở Hóc Môn gửi rau lên cũng cho phòng Phương một túi to, đến nay chưa ăn hết.
Còn nhiều người khác đem cho nước ngọt, đồ ăn vặt, sữa chua tự làm mà cô gái 25 tuổi không thể nhớ hết.
Ấm lòng trước tình làng nghĩa xóm trong hoạn nạn, Phương và bạn cùng phòng cũng san sẻ cho mọi người những món quà dù không nhiều về vật chất nhưng quý ở tấm lòng.
“Chị ở cùng phòng mình được người nhà gửi cho lố mì tôm, sữa tươi nhưng hai chị em cũng mua sẵn trước rồi nên mang chia cho hàng xóm mỗi nhà một chút. Bữa nay, bạn chị ấy bán rau đay nhà trồng 10.000 đồng/ký. Chị ấy mua 8 kg rồi chia cho mấy nhà xung quanh hết. Hai chị em chỉ giữ lại nửa kg ăn dần”, Phương kể.
Cô nói thêm: “Mọi người nói dịch bệnh khó mua đồ, thiếu đồ ăn nhưng quanh nhà trọ mình, mọi người cứ chia nhau từng xíu vậy là đủ bữa rồi. Tình cảm đi lên lắm”.
Khi dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM, Ngân Hà (28 tuổi, quận Bình Thạnh) khó mua đồ ăn vì khu cô ở vốn là chợ lớn, không có siêu thị. Biết chuyện, đồng nghiệp, bạn bè của Hà ở nhiều nơi trong thành phố liên tục hỏi thăm, hỏi cô thiếu đồ gì sẽ tìm cách tiếp tế.
Hôm 14/7, khi trứng trở nên khan hiếm do nhu cầu tăng đột biến, Hà được đồng nghiệp gửi tặng 30 quả từ huyện Nhà Bè. Cô cũng được mọi người gửi ship cho củ quả, bịch kim chi, hộp bưởi, bó sả… đến chốt phong tỏa ở ngay cửa nhà.
Bình thường ở nhà không nấu ăn, bạn thân của Hà ở phường Đa Kao (quận 1) loay hoay vì dịch vụ ship đồ ăn về nhà ngừng hoạt động. Bên cạnh chia sẻ lương thực, thực phẩm, cô cũng chỉ cho người bạn cách nấu vài món đơn giản để vượt qua thời gian giãn cách xã hội.
Hà kể thêm bạn của em gái cô trước khi vào bệnh viện sinh còn cố tiếp tế cho một quả bầu, 6 quả trứng.
San sẻ cho ai cần hơn
Trong khi ngồi bất lực với việc đặt rau online hôm 16/7, Minh Thư (24 tuổi, quận Phú Nhuận) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp nói cô mang rổ xuống lấy đồ.
“Anh ấy bình thường ship sữa cho khách hàng, còn mùa này chuyển qua ship rau. Hôm đó, anh ấy đi phát rau từ thiện, tiện đường nên tặng mình bịch xà lách, trái mướp, củ sắn, 3 cọng măng tây, 2 củ khoai lang, 3 quả chanh, 2 gói tàu hũ để nấu canh. Mình vừa mừng, vừa cảm động lắm”, Thư nói với Zing.
Khi đồng nghiệp muốn cho thêm chút khoai, sắn, Thư từ chối vì đã lấy đủ, muốn để lại cho anh.
“Anh ấy xua tay, nói đây là rau củ được mấy cô, chú hàng xóm thương cho. Anh thấy đủ ăn rồi nên đem đi cho ai cần hơn”, cô nói.
Xúc động trước món quà bất ngờ từ đồng nghiệp, Thư đăng câu chuyện nhỏ lên mạng với hy vọng lan tỏa điều tốt đẹp về sự sẻ chia của người dân TP.HCM trong dịch.
Cách đây khoảng một tuần, chung cư nơi Ngọc Lam (25 tuổi, quận 7) đang ở bị giăng dây phong tỏa do có F0 là nhân viên lễ tân. Vừa dọn đến chưa đầy 3 tháng, Lam có phần lo lắng vì chưa quen biết ai.
Ngay khi biết tin, cha mẹ ở Kiên Giang quyết định gửi cho Lam đồ cứu trợ. Ngoài rau củ, mẹ cô còn gửi thêm những món đồ mang vị quê hương mà con gái thích như cá chả chiên, tép xào sả nghệ, keo muối tiêu, bột bánh xèo, nước mắm, trà, ớt, thịt vịt, cá kèm rau sống… Tất cả đều được bọc, đóng thùng cẩn thận.
Sau khi gửi xe, cứ vài ba tiếng, ba Lam lại gọi hỏi “đồ tới chưa”, “khui thùng chưa”, “đồ có hư gì không”... vì lo tình hình đi lại khó khăn, đồ không đến được tận nơi hay sợ con gái ra ngoài nguy hiểm.
Đã hơn 3 tháng không về nhà, Lam bật khóc ngay khi nhận được thùng đồ từ gia đình.
Biết người bạn ở quận 8 bị kẹt lại Sài Gòn do dịch và thiếu đồ ăn, Lam sẵn sàng chia cho ít đồ.
“Ở quê mình đang bùng dịch nên hôm nay mẹ tranh thủ đi mua đồ gửi lên thêm. Thường nhà xe sẽ gửi ship đến chốt phong tỏa dưới chung cư rồi mình xuống lấy. Tiền ship mình cũng chuyển khoản để hạn chế tiếp xúc. Những ngày này, mình ăn uống tiết kiệm vì không biết lần sau ba mẹ còn gửi được nữa không. Hy vọng trụ được qua mùa dịch này”, Lam nói.