Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca tử vong cao hơn tổng 3 nước hàng xóm, Thụy Điển đổi chiến lược

Chính phủ Thụy Điển đang soạn dự luật cho phép “biện pháp quyết liệt” chống Covid-19, giữa lo ngại chiến lược cầm chừng của nước này sẽ gây tử vong cao hơn các nước Bắc Âu khác.

Thụy Điển - nơi rạp phim vẫn mở, quán cà phê vẫn đông khách giữa dịch Trong khi các nước châu Âu áp dụng lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân ở nhà vì dịch Covid-19, Thụy Điển vẫn cho phép rạp chiếu phim, phòng gym và quán rượu hoạt động bình thường.

Đan Mạch và Na Uy đã ra lệnh phong tỏa nghiêm khắc, đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học và các cửa hàng không cần thiết. Phần Lan thậm chí đã phong tỏa khu vực đô thị chính xung quanh Helsinki.

Nhưng người Thụy Điển vẫn có thể đi mua sắm, đi ăn nhà hàng, cắt tóc, và trẻ em dưới 16 vẫn đi học, theo Guardian.

Tờ báo Politiken của Đan Mạch giật tít “Thụy Điển có nghiêm túc chống virus corona hay không?”, tóm gọn những tranh luận đã diễn ra ở châu Âu nhiều tuần nay, bắt nguồn từ sự chần chừ tại Anh với các bình luận về “miễn dịch bầy đàn” từ những quan chức cao cấp.

thuy dien nguoc dong the gioi anh 1

Ở Stockholm ngày 4/4, người dân vẫn có thể ra ngoài mua sắm, đi nhà hàng. Trẻ em vẫn có thể đi học. Ảnh: AFP.

Thụy Điển có theo đuổi miễn dịch bầy đàn?

Ngày 5/4, Thụy Điển có thêm 401 ca tử vong do Covid-19, tăng 8% so với ngày trước đó, và lớn hơn tổng số của ba nước Bắc Âu còn lại. Tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân của Thụy Điển là 37, cao hơn Đan Mạch (28), Na Uy (12) và Phần Lan (4,5).

Theo dự luật đang được soạn thảo, chính phủ sẽ phải tham vấn Quốc hội trước khi có các biện pháp ứng phó khẩn cấp, chẳng hạn đóng cửa sân bay hay bến xe buýt, hay hạn chế tụ tập, theo đài quốc gia SVT.

New York Times bình luận rằng không thể nói Thụy Điển đang coi nhẹ sự trầm trọng của đại dịch. Các lãnh đạo và giới chức y tế nước này vẫn thường nhắc về rửa tay, duy trì khoảng cách, và bảo vệ người trên 70 tuổi.

Nhưng nhìn qua cửa kính các quán café của thủ đô Stockholm, và các nhóm hai người hoặc hơn vẫn điềm nhiên thưởng thức đồ ăn thức uống. Các sân chơi vẫn tràn ngập tiếng la hét của lũ trẻ. Nhà hàng, phòng tập, trung tâm mua sắm, sân trượt tuyết có vắng đi, nhưng vẫn có khách, theo New York Times.

thuy dien nguoc dong the gioi anh 2

Khu Old Town của thủ đô Stockholm. Ảnh: AFP.

Anders Tegnell, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của chính phủ, nói chiến lược chống virus corona ở nước này hiện là giảm tốc độ lây nhiễm để hệ thống y tế không bị quá tải. Ông cho rằng việc cộng đồng có miễn dịch cũng là điều quan trọng.

Nhưng ông phủ nhận Thụy Điển đang muốn tạo “miễn dịch bầy đàn” một cách nhanh chóng - chiến lược mà dường như Anh và Hà Lan muốn theo đuổi, để rồi con số thương vong dự đoán quá lớn buộc hai nước này phải đổi hướng.

Dù vậy, ông Tegnell cũng nói miễn dịch bầy đàn “không mâu thuẫn” với mục tiêu của Thụy Điển.

“Điều quan trọng là phải có chính sách duy trì được trong thời gian dài hơn”, ông nói với Guardian. “Buộc người dân ở nhà sẽ không kéo dài được lâu. Sớm muộn mọi người cũng sẽ ra ngoài”.

Đường đồ thị số ca nhiễm mới ở Thụy Điển đang “trở nên dốc hơn”, nhưng nhìn chung vẫn khá phẳng, ông Tegnell khẳng định.

Lo ngại đang gia tăng đối với những người cao tuổi, sau khi 1/3 số viện dưỡng lão ghi nhận ca nhiễm, theo Guardian.

Thủ tướng Stefan Löfven đang muốn dựa vào sự tự giác của công dân, đề nghị họ ở nhà nếu ốm hoặc trên 70 tuổi, thay vì ra lệnh cấm đi lại.

“Toàn bộ hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm của chúng tôi là dựa vào sự tự giác. Hệ thống tiêm chủng hoàn toàn tự nguyện, và chúng tôi đạt tỷ lệ tiêm chủng 98%”, ông Tegnell giải thích thêm.

Dù vậy, dữ liệu mạng di động cho thấy số người tới nơi công cộng ở Thụy Điển đã tăng lên, trái với xu hướng giảm ở các nước châu Âu khác.

thuy dien nguoc dong the gioi anh 3

Ở Phần Lan, việc chống dịch đang diễn ra gấp rút hơn. Trong ảnh, nhân viên một tiệm thuốc đội mũ có kính chắn. Ảnh: AP.

Chỉ trích từ giới chuyên gia

Chiến lược chống dịch của Thụy Điển đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia y tế nước này.

“Stockholm đang ngày càng nguy cấp”, Stefan Hanson, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói với Guardian. “Có nguy cơ số ca sẽ tăng nhanh khiến bệnh viện quá tải. Việc lựa chọn điều trị ai có thể sẽ phải dựa vào tuổi”.

Nguyên nhân của điều này là do “chính sách khó hiểu, thiếu rõ ràng. Không có mục tiêu chính xác, ngoài bảo vệ người trên 70 tuổi và tạo khoảng cách xã hội”, ông nói thêm.

Cacilia Söderberg-Nauclér, giáo sư về sinh bệnh học vi khuẩn, và là một trong 2.300 chuyên gia đã ký thư ngỏ gửi chính phủ kêu gọi các biện pháp mạnh hơn nhằm bảo vệ hệ thống y tế, nói chính phủ “không còn lựa chọn nào” và nên phong tỏa Stockholm.

“Chúng ta phải làm chủ tình hình”, giáo sư Söderberg-Nauclér nói. “Chưa ai thử chiến lược đó, sao Thụy Điển lại là người đi đầu, mà không có sự đồng thuận của người dân”.

Sten Linnarsson, giáo sư Viện Karolinska của Thụy Điển, nói “những chính sách hiện tại đang thiếu các chứng cứ khoa học”, và so sánh như thể để cho đám cháy trong bếp tiếp tục cháy với dự định sẽ dập lửa sau. “Tất nhiên, có nguy cơ là đám cháy sẽ thiêu rụi cả căn nhà”.

Trong một bức thư gửi tờ báo Thụy Điển Dagens Nyheter, một nhóm 14 nhà khoa học cũng đặt câu hỏi vì sao Thụy Điển đang theo đuổi chiến lược hiện tại dù cả châu Âu, bao gồm cả Anh, đã chọn cách phong tỏa nghiêm khắc.

Thủ tướng Stefan Löfven thừa nhận Thụy Điển đối mặt với hàng nghìn ca tử vong, và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều tháng, chứ không chỉ vài tuần.

“Chúng ta đã chọn chính sách kéo dài đường đồ thị dịch bệnh, để dịch bệnh không tăng quá sốc, vì hệ thống y tế không thể gánh được”, ông nói. “Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiều ca nặng hơn và sẽ cần điều trị tích cực, chúng ta sẽ có nhiều ca tử vong hơn. Chúng ta sẽ có số thương vong lên tới hàng nghìn”.

Một số người dân Thụy Điển cảm thấy lưỡng lự trước chiến lược của chính phủ. Chẳng hạn, Elisabeth Hatlam, một chủ khách sạn, cảm thấy may mắn vì khách sạn của bà vẫn có thể mở. Nhưng bà không an tâm khi 6 người con của mình vẫn đi học giữa đại dịch.

“Đối với chúng tôi, việc đóng cửa hoàn toàn là một thảm họa”, bà nói với New York Times. “Nhưng tôi lo rằng Thụy Điển tới lúc nào đó cũng sẽ bùng nổ (số ca nhiễm). Tôi cảm thấy mình đang sống trong một cuộc thí nghiệm khổng lồ, và tôi chưa bao giờ được hỏi là có muốn tham gia thí nghiệm đó không”.

Báo chí châu Âu ngạc nhiên về hiệu quả chống dịch của Việt Nam Báo chí châu Âu ngạc nhiên vì hệ thống y tế của Việt Nam còn xa mới được hiện đại và rộng khắp như ở châu Âu, ngân sách y tế eo hẹp hơn, vậy mà lại đang chống dịch hiệu quả hơn.

Thụy Điển bất ngờ 'bẻ lái', dừng ngược chiều thế giới trong đại dịch

Thụy Điển là một trong số ít quốc gia châu Âu chưa thực hiện các biện pháp phong tỏa để chống Covid-19 lây lan. Chính phủ nước này đang yêu cầu các quyền lực khẩn cấp để thay đổi.

Thụy Điển ngược dòng thế giới giữa đại dịch

Tại Thụy Điển, các khu trượt tuyết mở, nhà hàng tấp nập và trung tâm thương mại tràn ngập người mua sắm. Dường như không có mấy thay đổi trong xã hội so với trước đại dịch.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm