Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả thế giới chịu hậu quả nếu xung đột nổ ra trên Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Bloomberg rằng cả thế giới, chứ không chỉ những nền kinh tế trong khu vực, sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường nếu xung đột trên Biển Đông bùng nổ.

Ngày 30/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 5 tháng đầu năm 2014 và vụ việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết: Kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng hơn 5,4%. Tình hình 5 tháng đầu năm 2014 đang trong chiều hướng phát triển tích cực, theo đúng mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát đã được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại tệ tăng cao, xuất khẩu tăng mạnh khoảng 16%, dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: chinhphu.vn

Về câu hỏi liên quan đến việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng và việc Chính phủ Việt Nam có xem xét việc tăng phần trăm sở hữu của người nước ngoài  đối với doanh nghiệp Việt Nam cao hơn tỷ lệ 49% hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa các thị trường, trong đó có thị trường tài chính, ngân hàng theo lộ trình thích hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và điều kiện cụ thể của nền kinh tế Việt Nam”.

Liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Hành động của Trung Quốc vừa qua đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình. Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Đề cập tới quan điểm, cách thức đấu tranh bảo vệ chủ  quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:  “Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này”.

Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoa trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên Biển Đông.

Khoảng 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển qua Biển Đông, chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột, dòng hàng hóa khổng lồ sẽ gián đoạn và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Trả lời câu hỏi về quan hệ  hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Các quốc gia hợp tác kinh tế với nhau đều trên cơ sở kinh tế thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam với Trung Quốc cũng như vậy. Đến giờ này quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Trung Quốc nhìn chung vẫn đang diễn ra bình thường. Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, đã tác động đến một vài lĩnh vực của kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó thích hợp”. 

http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-tra-loi-phong-van-hang-tin-Bloomberg-Hoa-Ky/200643.vgp

Theo chinhphu.vn

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm