Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca sĩ Uyên Linh - con mèo sinh ban đêm

Nữ ca sĩ cho rằng mình là một con mèo ưa sự thanh tịnh, cảnh vẻ nhưng sâu bên trong là máu đi kiếm ăn ban đêm, là dòng máu dịch chuyển và tâm hồn trẻ mãi không già.

Sách 1987+: 30 chưa phải là Tết là những câu chuyện về tuổi 30, về những suy tư, trăn trở khi đã “tam thập nhi lập”. Trải qua 30 năm, cuộc đời đã quật ngã họ nhiều lần, theo cách này hay cách khác. Nhưng tất cả đều đứng lên, làm chủ chính mình.

Được sự đồng ý của đại diện nhóm tác giả, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Dưới đây, ca sĩ Uyên Linh kể về hành trình 30 năm, từ thời khắc sinh ra, thanh xuân làm đủ việc kiếm tiền, thành công từ Việt Nam Idol, và tuổi 30 chín chắn.

Tuoi 30 cua Uyen Linh anh 1
Ca sĩ Uyên Linh - tranh của họa sĩ Đặng Hồng Quân.

Từng sang Quảng Châu "đánh hàng", bưng bê, làm đủ nghề kiếm tiền

Cho đến bây giờ, tôi biết mình không thuộc về năm 1987 mà là 1988, đồng thời tôi vẫn chắc chắn mình là một cô gái tuổi Mèo. Tôi sinh ra vào ngày cùng tháng tận, giờ chót bét của năm 1987 nhưng đi học lại cùng lứa với các bạn 1988. Nhưng đằng nào thì ban đêm, chuột đang hoạt động mạnh và mèo theo bản năng - luôn bận rộn về đêm. Người ta thường nói những ai sinh ra trong khoảng thời gian giữa trưa hoặc giữa đêm là những người rất quyết đoán và tự quyết định cuộc đời mình, thích gì là sẽ lao đi làm cho bằng được. 

Bố từng kể rằng khi tôi chào đời ở bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), tôi nặng chỉ 2,6kg và đen thui, bé như cái phích nước Liên Xô. Trước đó, mẹ tôi đau đẻ tới hai ngày, hai đêm thì tôi mới chịu tòi ra, gần lúc chuyển giao giữa năm 1987 sang 1988. Không thể chắc chắn được tôi cất tiếng khóc là trước hay sau giao thừa, sau này đi xem thầy cũng không thể bói ra nổi giờ sinh chính xác của tôi. Bởi nếu tính theo ngày hôm trước thì tính cách và số phận của tôi không giống theo Tử vi, nhưng tính theo ngày hôm sau thì nhân dáng lại không giống như Tử vi thể hiện. 

Khi tôi được y tá đưa đi tắm, mẹ đã ngủ thiếp đi vì quá mệt mỏi sau hai ngày “vật lộn”. Bố kể lại lần đầu gặp tôi là lúc tôi vừa được tắm xong. Tóc tôi rất nhiều, y tá rửa tóc không sạch, vẫn còn vương mùi máu nên lúc đặt nằm bên cạnh mẹ (đang ngủ say), một đàn kiến vàng bu đầy trên đầu tôi. Bố nói lúc vừa nhìn thấy, bỗng chợt nổi da gà, cảm giác rùng rợn nhưng cũng thấy rất đẹp vì đàn kiến như đang tạo thành chiếc vương miện quanh đầu tôi. Trong cơn hoang mang xen lẫn thảng thốt, bố đã nghĩ: “Con bé này chắc là ghê gớm lắm đây”. Mẹ tôi kể, trẻ sơ sinh mà không hề khóc, đến nỗi hàng xóm nếu không thấy tã phơi trong sân thì không biết nhà có em bé.

Từ nhỏ, tôi đã tự làm mọi thứ theo ý mình, rất bướng, rất quyết liệt. Lên hai tuổi, tôi tự xúc cơm ăn, cầm thìa (muỗng) bằng tay trái và cứ thế ngoáy bát cơm văng vung vãi. Trước đó, chín tháng tuổi, mẹ đã cho tôi đi nhà trẻ vì nhà khó khăn nên đành như vậy. Mẹ tôi là giáo viên, giờ nghỉ trưa tranh thủ chạy sang nhà trẻ cho tôi bú. Tôi chỉ bú sữa mẹ, nhất định là sữa mẹ. Mẹ tôi nói: “con Linh nó bú sữa khiếp khủng, nó cắn, nó nhay, hỏng hết cả ti”. Giờ đây mỗi lần nhớ lại lời mẹ, tôi yêu mẹ hơn bất cứ điều gì trên đời này, tôi yêu những người phụ nữ.

Sau thời ấu thơ và niên thiếu ở TP. Hồ Chí Minh bên gia đình, năm 2006, khi tròn 18 tuổi, tôi ra Hà Nội học đại học và trải nghiệm những năm tháng hình thành nhân cách tại đây. Tính tôi thích tiêu xài, cái tính này không hiểu từ đâu mà có? Mà đó là từ bé, đã hay lén lấy quần áo và phấn son của mẹ ra chơi hàng tiếng đồng hồ trong lúc bố mẹ đi vắng. Về sau nặng hơn nữa, cứ về đêm giả vờ học bài, bố mẹ đi ngủ là lại trang điểm xong ngắm nghía mình trong gương. Tôi thích mua sắm đồ con gái, phấn son, mỹ phẩm, nước hoa, quần áo, giày dép đẹp, luôn luôn có nhu cầu xài tiền nhưng không muốn xin gia đình vì bố mẹ tôi cũng chẳng dư dả gì. 

Quãng đời sinh viên, tôi cố gắng kiếm tiền bằng nhiều công việc. Đi làm gia sư được 50.000 đồng một tiếng là tôi thấy không ổn rồi, chuyển sang làm bưng bê, chạy bàn ở quán cà phê được một triệu rưỡi một tháng. Vẫn chưa ổn, tôi nghĩ ngay đến buôn bán. Người ta nói “Phi thương bất phú” là vậy. Và có một cách nữa để có tiền tiêu, đó là thi đấu thể thao (hồi cấp III tôi hay thi đấu Cờ Vua) hoặc thi ca hát.

Thời sinh viên, tôi đi theo các bạn thi ca hát rất nhiều, giải 500.000 đồng cũng thi, giải Karaoke Hội chợ vài triệu lại càng phải đi thi. Tôi tham gia vô số các cuộc thi hát Sinh viên, từ những cuộc nhỏ tới những cuộc lớn. Thi chưa được giải năm nay thì tới năm sau tôi lại thi tiếp. Sinh viên là tỷ phú thời gian mà. May mắn cho tôi là nhờ có âm nhạc, quãng đời sinh viên của tôi đẹp và xanh như ngọc bích.

Tôi, từ 10 tuổi, đã biết rõ mình yêu ca hát nhưng cái cảm giác đam mê sân khấu lại đến rất muộn. Tôi cứ nghĩ mình sẽ làm giáo viên giống bố mẹ mình, hoặc học Ngoại giao xong thì sẽ ra làm nghề gì đấy liên quan. Thì cứ la cà theo các bạn đi hát như vậy, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng kiếm một công việc đem lại thu nhập cho bản thân. Cuối năm thứ hai đại học, tôi giành giải đặc biệt cuộc thi hát tiếng Anh đình đám nhất Hà Nội lúc bấy giờ là Let’s Get Loud, với phần thưởng là một chiếc xe máy. Tôi bán xe máy đi lấy tiền mặt, đãi các bạn ăn uống tơi bời, xong sau có được chút tiền dư (thực ra đối với sinh viên là rất nhiều) góp vốn cùng một chị bạn để mở cửa hàng kinh doanh quần áo.

Trong suốt hai năm, tôi đi sang Bằng Tường và Quảng Châu ở Trung Quốc liên tục để “đánh hàng” về buôn, lời lãi gì tính sau nhưng thực sự từ lúc đó, tôi thấy mình sống có trách nhiệm với đồng tiền. Vừa bán quần áo, tôi vừa tranh thủ bưng bê bên quán cà phê đối diện, từ kim chỉ vá may đến lau chùi quét dọn, đến pha đồ uống rồi sổ sách tiền nong, cuối cùng mới là hát. Tôi hát ở ngôi quán nhỏ, khi khách đã thưa vắng, có anh chủ quán và các bạn của anh bên tiếng đàn guitar vụng về. Quãng thời gian sống ở Hà Nội là cả một trời kỷ niệm. Tôi cảm ơn số phận đưa tôi đi xa như vậy, xa cha mẹ lúc 18 tuổi để đến một nơi dẫu chung tiếng nói nhưng hoàn toàn khác biệt văn hóa, khác biệt trong trí óc 18 tuổi của tôi. 

Nhớ có lần tôi và chị bạn đang ôm một đống hàng từ bên Bằng Tường chuẩn bị về thì ngày hôm đó là Quốc khánh Trung Quốc, giao thông hai bên mắc kẹt nên chúng tôi buộc phải thuê nhà nghỉ ở lại biên giới. Đêm hôm ấy ở cái nhà nghỉ ẩm mốc, hai chị em còn gặp ma. Tôi thì ngủ say như chết không biết gì nhưng nghe chị bạn kể lại là đang đêm, chiếc ghế tự nhiên như bị ai di chuyển ra giữa phòng. Tôi nghe mà sợ, nhớ mãi đến sau này... Sau hai năm kinh doanh quần áo, đến lúc tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì sang tên, nhượng lại cửa hàng cho người khác.

Mùa hè năm 2010, trong lúc đang thực tập ở Vụ Văn hóa đối ngoại & UNESCO, tôi ghi danh và tới thử giọng ở Vietnam Idol mùa thứ ba - cuộc thi tôi từng tham dự vào năm 2007 nhưng trượt từ vòng “gửi xe”. Lần này, không ngờ tôi cứ tiến sâu dần từ vòng loại đến bán kết, Top 10 rồi sau đó trong đêm chung kết Gala tối 25.12.2010, tôi được xướng tên trở thành “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”. Đó là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi tính cho tới thời điểm này.

Mọi thứ xoay chuyển 180 độ. Tôi đã đi thi vô vàn cuộc thi, thất bại nhiều lần và ngay ở Vietnam Idol, tôi cũng từng là một trong số hàng nghìn người bị loại. Nhưng có điều gì đó trong sâu thẳm trái tim đã không cho phép tôi bỏ cuộc, vượt qua giới hạn của bản thân để tiếp tục giấc mơ của mình và đã đạt được điều khao khát.

Đạt được giấc mơ cũng là lúc tôi phải trả giá ít nhiều, vấp phải nhiều sự hiểu lầm, bạn bè, người quen rơi rụng. Đó là bài học đầu tiên về Con Người mà tôi được biết.

Hai ngày sau khi trở thành quán quân, tôi chạy sô miết mải, cứ mỗi ngày đều đặn hai-ba ca trong hơn một tháng trước Tết 2011. Đến Tết được tạm ngưng, nghỉ 10 ngày thì tôi lăn ra ngủ, giống như mất xác, sập nguồn và không biết trời đất là gì. Tuổi 23, lần đầu tôi mới thực sự biết mùi kiếm tiền phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt thế nào. Mặc dù một thân một mình đi “buôn hàng” ở Quảng Châu với vốn tiếng Hoa bập bõm, tôi tưởng là ghê gớm rồi. Nhưng phải đến khi đối mặt với vô vàn giấy tờ, hợp đồng lao động, với trách nhiệm, với đền bù, tôi mới thực sự hiểu thế nào là kiếm sống. Nhưng, may mắn thay, và hạnh phúc hơn cả là tôi có thể kiếm sống dựa trên đam mê lớn nhất của mình, dù không phải là không có lúc mệt mỏi. 

Tuoi 30 cua Uyen Linh anh 2
Với Uyên Linh, tuổi 30 là lúc phụ nữ đến độ nồng nàn, sâu lắng nhất định.

Lời cảm ơn âm nhạc

Năm 2017, trước khi tròn 30 tuổi, tôi ra mắt album thứ ba - Portrait - sau ba năm chuẩn bị, tương đương với trên dưới 1.000 ngày kể từ lúc phát hành album thứ hai, Ước sao ta chưa gặp nhau. Đây cũng là năm mà tôi “bay” dữ dội nhất, gần như tháng nào cũng đi biểu diễn, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... hay giữa các tỉnh ở Việt Nam. Trên từng cây số, tôi đều mang theo những bản thu âm và đi tới đâu thì ngồi một mình, cắm tai nghe, và nghe đi nghe lại những bài hát nhỏ bé của mình, ở những khung cảnh khác nhau. Càng nghe nhiều, tôi càng muốn hát giản đơn hơn, rồi nảy ra được nhiều ý tưởng và may mắn nhất là tôi tìm thấy một cách HÁT thật là “Uyên Linh”.

Tôi tin âm nhạc là thứ chẳng thể vội vàng được, cũng không giả vờ được. Ví dụ như với một người, ta cần chung sống nhiều năm thì mới biết được nhiều khía cạnh của người đó, và rồi quan trọng là ta biết nhiều nhưng không hề bớt yêu đi mà chỉ ngày càng hiểu và giao tiếp tốt hơn với người ấy. Với âm nhạc cũng như vậy. Yêu - cũng phải học cách yêu và nuôi dưỡng.

Cuối tháng 11.2017, tôi ra mắt album trong niềm hãnh diện và tự hào rất lớn. Portrait được khán giả đón nhận, đồng nghiệp khen ngợi dù tất nhiên có chừng mực. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc là được mọi người nhiệt tình góp ý. Lên máy bay ngồi cạnh anh Tùng Dương, tôi được nghe cảm nhận thẳng thắn của đàn anh về cách hát. Anh Quang Linh cũng đi nghe tôi hát phòng trà và về gọi điện thoại rất lâu để nhận xét, góp ý. Và còn nhiều người bạn nhạc sĩ, trước nay thấy họ nghiêm túc, kín kẽ, vậy mà gặp tôi cũng nở nụ cười ngợi khen. Tôi thực sự hạnh phúc. Tôi thấy quả thực âm nhạc đã khiến mọi người như xích lại gần nhau hơn. Ngày trước có hai ca khúc Let the Music Heal Your Soul (Hãy để âm nhạc hàn gắn tâm hồn bạn) và Thank you for the music (Lời cảm ơn âm nhạc) khi dịch ra nghe có vẻ “sến” nhưng khi điều đó xảy ra với chính bản thân mình, tôi thấy nó đơn giản đúng là như vậy. 

Tôi nghĩ với mỗi người, độ tuổi từ 23 đến 27 là giai đoạn sung sức nhất, tươi trẻ nhất, luôn muốn cống hiến thật nhiều bằng tất cả nguồn năng lượng mình có. Nhưng thực sự mà nói, tôi nhận ra tuổi 30 là độ tuổi đẹp nhất vì ta có thể cảm nhận cuộc sống rõ đến từng lỗ-chân-lông. Con người ta, hay nói rõ hơn chút là phụ nữ, khi đó sẽ có một độ nồng nàn, sâu lắng nhất định.

Tôi hoàn toàn hiểu là trong âm nhạc, mọi người thích những gương mặt mới, Fresh, phong cách trẻ trung sôi động, nhưng tôi nghĩ vẫn còn rất đông khán giả khi nghe nhạc, họ muốn tìm thấy sự nồng nàn, đậm đà. Thôi thì tùy tai và tùy cách mà mỗi ca sĩ muốn thể hiện. Bản thân tôi luôn quan niệm, luôn muốn mình hát ở mức độ vừa phải, không khô khan nhưng cũng không ủy mị. Không phải cứ buồn là khóc, nước mắt lưng tròng, không phải cứ giận dữ là la hét, hay nhớ một người là phải gào lên nhớ điên cuồng. Nhiều khi tình cảm mình để trong lòng và thể hiện theo một cách khác, tình cảm kín đáo đôi khi lại rất sâu nặng, có thể đau đớn nhưng lại là nỗi buồn Con Người tuyệt đẹp.

Tôi thấy độ tuổi 30 tuyệt vời bởi khi đó, mình luôn biết bản thân muốn điều gì. Cảm xúc đôi khi có thể đi lạc nhưng tới tầm tuổi ấy, ta sẽ biết nghĩ cho người đối diện nhiều hơn một chút.

Hàng năm cứ càng gần đến Tết, tôi chạy sô rất nhiều, đi hát cho sự kiện, tiệc tùng nhưng đêm Giáng sinh khi tuổi 30 gần kề, tôi đã tự thưởng cho mình đêm nhạc In the Spotlight ở Hà Nội. Đó là một chương trình mà tôi tham gia với vai trò khách mời, lên góp vui vài bài, “mặc váy dài quét sân khấu” là chính rồi lại đi xuống làm một khán giả, ngồi xem ba đàn anh mà tôi vẫn đùa là “các ông tai to mặt lớn” gồm Tùng Dương, Trọng Tấn, Tấn Minh biểu diễn. Tôi không phải chạy hộc tốc từ điểm diễn này sang điểm diễn khác đến mức mặc nguyên đồ diễn ngồi xe máy di chuyển cho đỡ kẹt xe. Rất lâu rồi, tôi mới có được cảm giác ngồi thưởng thức âm nhạc thực sự. 

Dịp Tết nguyên đán năm nay, tôi cũng sẽ dành thời gian trọn vẹn cho bố mẹ. Giờ đây, khi kiểm soát được nguồn tài chính, tôi biết vun vén cho gia đình hơn. Ngày xưa khi mới đi hát, bao nhiêu tiền kiếm được là tôi xài bấy nhiêu nhưng nay thì những cái nhỏ nhặt, lặt vặt tôi đã có thể cắt đi được. Thấy bố mẹ ngày càng lớn tuổi, tôi lại càng muốn gần gũi, đưa ông bà đi du lịch nhiều hơn. Gia đình nào chả có vấn đề hiện hữu, quan trọng là mỗi thành viên có ý thức vun vén cho gia đình được trọn vẹn hơn và hơn nữa thôi.

Năm 2018, tôi của tuổi 30 sẽ vẫn tiếp tục làm việc ở Việt Nam, tiếp tục đam mê lớn nhất của bản thân. Có thể tôi sẽ “tăng tốc” hơn một chút. Có thể thôi. Và nếu không có gì thay đổi thì tới tháng 4/2019, ở tuổi 31, tôi sẽ đi du học. 

Tôi chưa biết sẽ đi đâu, học gì, chỉ tính toán là đến lúc đó cứ xách balô lên và đi. Tôi sẽ bán xe, bán nhà và đưa hết tiền cho bố mẹ. Sau đó, tôi sẽ dành nửa năm để học một thứ ngôn ngữ mới, ở một đất nước xa lạ. Tôi nghĩ nửa năm là khoảng thời gian thích hợp để trải nghiệm cuộc sống ở một nơi mới, để tìm hiểu văn hóa nơi đó và khám phá thêm về những khía cạnh khác của bản thân mình. Hy vọng cuộc đời tới khi ấy vẫn sẽ cho tôi sự quyết đoán và tự chủ. Tôi vẫn là một con mèo ưa sự thanh tịnh, cảnh vẻ nhưng sâu bên trong là máu đi kiếm ăn ban đêm, là dòng máu dịch chuyển và tâm hồn trẻ mãi không già.

30 chưa phải là Tết

30 chưa phải là Tết! Nhưng chắc chắn đó luôn là ngày vui nhất của mỗi dịp Tết.

Trích sách "1987+"

Bạn có thể quan tâm