Phỏng vấn
MiA đã gia nhập showbiz gần 10 năm, từng ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc và tham gia không ít chương trình giúp phô diễn tài năng thanh nhạc. Nhưng cũng như Anh Tú, tên tuổi nữ ca sĩ sinh năm 1991 chỉ thực sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả khi xuất hiện trong Rap Việt với vai trò hát hỗ trợ.
Zing đã trò chuyện với MiA về cơ duyên đến với Rap Việt. Cô cũng chia sẻ thêm về con đường làm nghệ thuật cũng như cuộc sống, tình cảm cá nhân.
King of Rap thuần hip hop hơn, Rap Việt có tính giải trí
- Nhờ Rap Việt, giọng hát của chị được khán giả đại chúng biết đến và yêu mến nhiều hơn?
- Trước khi bắt đầu quay khoảng nửa tháng, nhà sản xuất mời tôi tham gia Rap Việt và khẳng định: “Chương trình sẽ hot, em tham gia nhé”. Khi ấy, tôi tự hỏi sao họ dám chắc đến thế, từ trước tới nay khán giả có nghe rap và hip hop đâu. Vậy mà show lại nổi thật, ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Tôi chỉ nhận được demo nhạc trước khi ghi hình 2 ngày. Từ trước tới nay, tôi học thuộc lời rất kém, để học thuộc lời của những ca khúc tiếng Việt cũng có nhiều gian truân. Không rõ khán giả có nghe ra không, nhưng khi biểu diễn ở Rap Việt, có nhiều chỗ tôi quên lời. Những đoạn tôi đột nhiên hát nhỏ lại chính là khi tôi quên lời. Tôi còn nhờ thí sinh hát phụ vào nếu thấy tôi đột nhiên quên lời.
Ca sĩ MiA thừa nhận nhiều lần quên lời khi hát hỗ trợ trong Rap Việt. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Chị thích nhất điều gì khi đến với Rap Việt?
- Tôi thích Lăng LD. Tôi từng hợp tác một lần và rất thích giọng đọc rap của cậu ấy. Trước đây, tôi thường nghe rap của miền Bắc hơn, Lăng LD và Suboi là hai rapper giọng miền nam duy nhất tôi yêu thích. Nếu khán giả chú ý, lúc hát phụ cho Lăng LD, tôi hưng phấn và nhảy nhót nhiều hơn hẳn vì có chút quý mến từ ngoài đời. Về huấn luyện viên, tôi thích Suboi và mong có cơ hội hợp tác với chị.
- "Thời tới cản không kịp" là ý kiến nhận định về rap nói riêng và văn hóa hip hop hiện nay. Chị nghĩ sao?
- Tôi cũng là người theo đuổi hip hop lâu năm, từng làm trưởng nhóm nhảy. Trước kia, tôi luôn tin rằng rồi sẽ có một ngày hip hop trỗi dậy. Bây giờ, hip hop nói chung và rap nói riêng được nhiều người biết tới, được đón nhận, tôi tự hào lắm.
Tôi theo đuổi vũ đạo hip hop cũng mười mấy năm rồi, đó là thời không ai quan tâm, thậm chí ghét bỏ thứ văn hóa ngoại nhập ấy. Bố tôi cũng nói: "Con 'chơi' hip hop sớm quá, sao không đợi tới giờ mới 'chơi'?". Nghe bố nói tôi cũng hơi buồn. Vì tôi cũng từng theo đuổi như các anh chị, nhưng tôi không kiên trì, bền bỉ được như người khác.
Khi ghi hình Rap Việt, tôi thích lắm, chỉ muốn nhào xuống sân khấu để hát, rap và "quẩy" cùng các bạn. Nhưng có lẽ tôi già quá rồi (cười). Nói thật nhé, khi vô tình nghe được nhạc sôi động, tôi cũng không hào hứng lắm. Nhưng nếu nghe thấy nhạc hip hop, tôi không thể kìm chế được, cả người cứ lắc lư theo nhịp nhạc. "Máu hip hop" vẫn chảy rần rần trong người tôi đấy.
- Là người yêu rap, yêu hip hop nhiều năm, chị nghĩ sao khi khán giả luôn so sánh hai chương trình Rap Việt và King of Rap, cho rằng bên này hơn, bên kia kém?
- Nói về chất lượng thí sinh, các rapper xuất hiện trong King of Rap và Rap Việt đều giỏi. Ai không đủ tốt đều bị loại từ vòng ngoài rồi. Huấn luyện viên của hai chương trình đều là người có nhiều kinh nghiệm, là những tên tuổi “cây đa cây đề” trong giới rapper. Vì vậy, nếu nói về chất lượng chuyên môn, khó có thể so sánh bên nào hay hơn, giỏi hơn. Cái khác nhau giữa hai show là thông điệp và cách truyền tải văn hóa hip hop mà thôi.
Chẳng hạn, một người chưa từng tìm hiểu về hip hop, không biết rap là gì, họ có thể sẽ hứng thú với Rap Việt hơn. Chương trình có pha lẫn tính chất giải trí, dễ hiểu và cảm nhận hơn một chút. Trong khi đó, King of Rap mang đậm tinh thần rap ở thế giới underground. Ngoài đời, rapper battle (đối đầu) với nhau ra sao, tranh tài thế nào thì King of Rap truyền tải nguyên vẹn như vậy. Nhưng khán giả có thể thấy khó hiểu với format của show.
Tôi cho rằng bộ tứ huấn luyện viên của King of Rap vốn hoạt động trong môi trường thuần hip hop hơn, ít đụng chạm tới showbiz. Họ vẫn mang theo những đặc trưng của nghệ sĩ underground. Trong khi đó, huấn luyện viên của Rap Việt, trừ Wowy, thì đều tham gia showbiz. Họ phổ biến với khán giả đại chúng hơn. Nhưng nói gì thì nói, huấn luyện viên của hai bên đều tài giỏi, khó so bì.
Nữ ca sĩ cho rằng King of Rap đậm màu sắc hip hop, trong khi đó, Rap Việt có pha lẫn tính giải trí. Ảnh: Bá Ngọc. |
"Bố mẹ đầu tư cho tôi để theo nghề hát"
- 10 năm theo đuổi nghề hát không được chú ý nhiều bằng hát 10 ca khúc trong một game show, chị có chạnh lòng?
- Có chứ. Nhiều khi nhìn đồng nghiệp có thành tựu nhất định trong nghề, tôi cũng buồn. Cái tôi thiếu là bài hit. Ca sĩ nào cũng nên có ít nhất một bản hit, nhưng có lẽ do gu âm nhạc, điều tôi theo đuổi không phù hợp với thị hiếu khán giả chăng?
Trước Tết, tôi đã mua sẵn 10 bài ballad để phát hành dần. Nhưng vì dịch bệnh, mọi kế hoạch phải hoãn lại. Lúc ấy, có thời gian nên tôi rẽ hướng sang kinh doanh.
Nhưng tôi không phải kiểu ca sĩ hát không được thì chuyển sang kinh doanh. Chẳng qua số tiền tôi bỏ ra để đầu tư sản phẩm nhiều mà thu lại thì ít. Nên tôi nghĩ mình phải có thêm nghề tay trái để phụ thêm vào nghề chính là ca sĩ. Có tiền mới có thể nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.
- Chị vừa thừa nhận đã đầu tư rất nhiều cho âm nhạc nhưng không thu lại được. Vậy trước khi tự kinh doanh, chị xoay xở thế nào để có kinh tế duy trì sự nghiệp?
- Xưa nay, tôi làm nghệ thuật không phải vì tiền. Gia đình tôi chu cấp cho tôi rất nhiều. Thực ra, tôi cũng kiếm ra tiền, nhưng không biết cách giữ. Tôi thích gì mua đó, kiếm được bao nhiêu lại bỏ hết vào những khoản đầu tư không tên cho nghề nên không có của ăn của để. Vậy nên, làm sản phẩm mà thiếu tiền, tôi lại được bố mẹ giúp.
Từ lúc tôi làm nghệ sĩ tới nay, trong 10 năm, bố mẹ đã đầu tư cho tôi khoảng 20 tỷ đồng. Tới khi dịch bệnh xảy ra, tôi nhận ra công việc của bố mẹ cũng bị trì trệ. Tôi quyết định phải tự làm gì đó, không thể phung phí và phụ thuộc bố mẹ mãi được.
- Chia sẻ của chị có thể gây ra ý kiến trái chiều, đặc biệt khi chị thẳng thắn tiết lộ khoản tiền gia đình trợ cấp để theo đuổi nghệ thuật.
- Khoản tiền ấy thực ra không quá "khủng" với một số người, nhưng đúng là rất lớn với gia đình tôi vì đó là khoản tiền bố mẹ đã làm lụng cả đời mới có được. Thực ra, do bố mẹ thương tôi quá.
Khi còn nhỏ, tôi hay mặc đồ thụng, nhảy hip hop lộn người, cắt kéo, xoay đầu… Đều là động tác dễ chấn thương nên bố mẹ không hài lòng. Bố mẹ lấy kéo cắt hết quần áo thụng và nói nếu tôi vẫn còn tập nhảy sẽ từ mặt, thậm chí bắt tôi lấy chồng để không đi nhảy nữa.
Thế là tôi xin bố mẹ cho làm ca sĩ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đi hát mới có thể tiếp tục theo đuổi đam mê vũ đạo. Ban đầu, bố mẹ cũng không đồng ý nên tôi bỏ nhà đi bụi. Tôi vào chùa ngồi suốt một đêm, thậm chí chắp tay cầu nguyện: “Cho con làm ca sĩ để được đi nhảy hip hop”.
Hồi đó ngang bướng như vậy, giờ tôi thay đổi rồi. Tôi hay suy nghĩ về việc bố mẹ lo cho mình nhiều quá mà mình chẳng làm được gì cho hai người. Giờ làm gì tôi cũng nghĩ tới bố mẹ đầu tiên.
Giọng ca sinh năm 1991 tiết lộ gia đình đã chu cấp cho cô 20 tỷ đồng để theo đuổi nghề hát. Ảnh: Bá Ngọc. |
Không muốn bị ép buộc sinh con
- Nguyên nhân của sự thay đổi trên là gì, là sự trưởng thành một cách tự nhiên theo tuổi tác hay do chị đã kết hôn nên hiểu rõ suy nghĩ của bố mẹ hơn?
- Tôi nghĩ có lẽ do kết hôn nên tôi trưởng thành hơn. Trước kia, tôi chưa gặp người đàn ông nào khiến bản thân cảm thấy phải trưởng thành. Tới khi yêu chồng, tôi nhận ra mình muốn làm người phụ nữ của gia đình rồi (cười). Tôi thay đổi rất nhiều từ sau khi kết hôn.
Chồng cho tôi cảm giác an toàn, được bảo vệ. Ở ngoài, tôi hơi “đàn ông”, nói chuyện lớn tiếng. Nhưng ở gần chồng, tôi như con mèo con, thích làm nũng. Từ lúc yêu nhau tới giờ, chồng luôn nắm chặt tay tôi mỗi lần đi cạnh nhau. Khi sang đường, làn xe lao tới ở bên nào, chồng sẽ đứng chắn ở bên đó.
- Nhưng chính chị từng lên talk show và tâm sự rằng bản thân chưa sẵn sàng làm mẹ, làm vợ?
- Đúng là tôi từng tuyên bố không muốn sinh con. Tôi ít khi nhìn thấy chồng nổi nóng, nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện sinh con anh sẽ nổi cáu.
Mỗi lần tôi đề cập có thể không sinh con, chỉ sống với nhau tới cuối đời được không, chồng đều im lặng. Tôi biết làm mẹ là thiên chức tuyệt vời của người phụ nữ, nhưng hiện nay tôi chưa sẵn sàng.
Thực ra, chúng tôi chưa thỏa hiệp được vấn đề con cái. Tôi cứ hẹn lần hẹn lữa, chồng không hẳn giận, nhưng anh buồn tôi nhiều.
- Gia đình hai bên phản ứng thế nào khi chị tuyên bố không sinh con?
- Thực ra, ban đầu, đúng là tôi không hề muốn sinh con thật. Tôi không thể chống lại ý kiến của cả đại gia đình hai bên nội, ngoại. Sau đó, nhìn chồng buồn, tôi suy nghĩ lại và giải thích với anh rằng tôi chỉ không muốn sinh con ngay, chứ không phải tuyệt đối không sinh.
Tôi vẫn còn phân vân, bởi tôi không muốn sinh con chỉ vì người khác đặt áp lực lên mình. Luôn có người nói tôi sinh con vào năm nay sẽ may mắn, sinh con để nhà chồng yêu thương hơn… Tôi sẽ sinh con khi nào chính tôi thấy muốn làm mẹ.
Tôi nghĩ nếu sẵn sàng làm mẹ, bất cứ chuyện gì xảy ra tôi cũng sẽ không buồn rầu hay trách cứ ai. Nhưng nếu tôi sinh con theo mong muốn của người khác, chẳng may lúc con quấy khóc hay bị bệnh mà tôi không dỗ được, có thể tôi sẽ nảy sinh suy nghĩ là tại người này, tại người kia tôi mới lâm vào cảnh ấy. Thậm chí, có thể trách lây sang cả con.
MiA cho biết cô không muốn sinh con chỉ vì bị gia đình ép buộc. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Chồng đã làm gì khiến chị thay đổi quyết định ban đầu, đồng ý sinh con vào một thời điểm nào đó?
- Một lần, hai vợ chồng cãi nhau vì bất đồng ý kiến, tôi tức quá nên ném nhẫn cưới xuống sàn xe hơi. Lúc đó, tôi cố tình ném trong xe để lát sau tìm lại được thôi. Nhưng chẳng may, nhẫn lại lọt vào khe thông gió.
Lúc nhẫn rơi, nét mặt chồng trở nên khủng khiếp, anh muốn dỡ tung chiếc xe để tìm lại nhẫn cưới. Tôi chưa bao giờ thấy chồng giận dữ đến thế.
Ngay lúc đó, tôi nhận ra chồng trân trọng chiếc nhẫn, cũng chính là trân trọng cuộc hôn nhân của chúng tôi tới nhường nào. Tình yêu của chồng luôn khiến tôi mềm lòng. Và đó là khi tôi quyết định sẽ sinh con cho anh ấy.