Trước cuộc trò chuyện với Zing.vn, Jin Ju đính chính thông tin cô là thực tập sinh lâu năm của một công ty giải trí Hàn Quốc. Thực tế, chính công ty này đã liên hệ mời Jin Ju về. Jin Ju không qua quá trình thực tập mà được đẩy ngay lên vị trí ca sĩ solo và được sản xuất MV đầu tay Giả vờ nói yêu em đi.
Ở tuổi 24, Jin Ju trở thành giọng ca gốc Hàn Quốc thứ 3 được dư luận Việt Nam chú ý, trước đó là Hari Won và Han Sara. Về kỹ năng thanh nhạc, cô được đánh giá cao hơn Hari Won. Về sự chững chạc, cô có lợi thế hơn Han Sara.
Đau khổ khi bị nói "không là gì ở Hàn Quốc nên mới đến Việt Nam"
- Là ca sĩ Hàn Quốc hiếm hoi hoạt động ở Vpop, chị chuẩn bị những gì ngoài việc học tiếng Việt 4 năm?
- Thực ra đây là hiểu lầm phổ biến về tôi. Nhiều người nói tôi sang Việt Nam là để làm ca sĩ, để được nổi tiếng. Tôi cũng rất đau khổ khi nghe người ta nói. Thực ra tôi học tiếng Việt và sang Việt Nam sống trước hết vì yêu văn hóa, con người Việt Nam.
Nếu tôi chỉ muốn làm ca sĩ và nổi tiếng thì tôi phải học thanh nhạc trước khi học tiếng Việt chứ? Và tôi sẽ phải đi thi tuyển, sẽ trở thành thực tập sinh của một công ty giải trí Hàn Quốc.
"Nếu tôi sang Việt Nam vì muốn làm ca sĩ nổi tiếng thì tôi phải học thanh nhạc trước khi học tiếng Việt chứ?". |
Nhưng điều đó không hề có. Khi ở Hàn Quốc, tôi chỉ học tiếng Việt theo chương trình của Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc chứ không hề làm thực tập sinh ở đâu cả.
Thêm nữa, khi sang Việt Nam và tham gia chương trình Ca sĩ giấu mặt, tôi cũng được chú ý và trở nên nổi tiếng. Đáng lẽ nếu muốn thành sao thì tôi phải tận dụng sự nổi tiếng lúc đó để bật lên chứ. Nhưng lúc đó tôi vẫn là sinh viên, việc học quan trọng nên tôi chọn học tiếp.
- Làm ca sĩ cũng đâu có gì xấu, tại sao chị phải đau khổ vì lời nói đó?
- Vì trong suốt 2 năm qua, nhiều người lấy lý do đó để chửi tôi. Họ nói rằng: “Jin Ju ở Hàn Quốc không là gì cả, thấy thị trường ở Việt Nam dễ nên sang đây làm ca sĩ cho dễ nổi tiếng chứ gì?”.
Tôi buồn vì nhiều người Việt Nam hoài nghi chuyện tôi yêu tiếng Việt. Nếu yêu một người nào đó, người ta đâu cần phải nói lý do. Đó là tình yêu mà. Tôi cũng không cần lý do để yêu một ngôn ngữ hay một đất nước.
- Chị có kỷ niệm nào đáng nhớ với Việt Nam hay tiếng Việt?
- Trước khi học tiếng, tôi có một người bạn cũ từng sống ở Việt Nam 20 năm. Hồi tôi còn nhỏ, người bạn đó thường đến chơi và kể cho tôi về văn hóa Việt Nam, mang theo những món quà từ Việt Nam. Món quà đầu tiên tôi được tặng là bức tranh vẽ người con gái Việt Nam mặc áo dài và đội nón.
Ở Hàn Quốc, có rất nhiều quán ăn Việt Nam. Tôi thường xuyên đi ăn phở với mẹ và thấy rất ngon.
Đến thời học cấp 3, tôi có chuyến đi tình nguyện đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Tôi quyết định sẽ học ngôn ngữ của một trong các quốc gia này.
Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định chọn Việt Nam. Khi học rồi, tôi cũng có ý định sẽ sang Việt Nam sống và làm việc, có thể là cho một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Lúc đó, tôi chưa hề có ý định làm ca sĩ.
- Có tin chị học rất giỏi tiếng Việt và đạt số điểm thi rất cao. Chị học tập như thế nào để có kết quả đó?
- Khi thi tốt nghiệp đại học, chúng tôi phải thi tiếng Việt. Tôi đạt số điểm cao nhất, là 870/900 điểm. Ban đầu, khi mới vào đại học, tôi từng muốn từ bỏ vì tiếng Việt rất khó.
Tôi nói, nghe, viết đều không được. Tôi từng nghĩ “tiếng Việt không dành cho mình”. Để khắc phục, tôi đi du học ngắn hạn ở Sài Gòn trong 5 tháng nhưng vẫn không khá hơn.
Sau khi suy tính, tôi nhận ra rằng học một ngôn ngữ là mình phải cảm thấy thú vị chứ không được chán chường. Vì thế, tôi bắt đầu tập hát các ca khúc tiếng Việt để vừa vui, vừa biết thêm nhiều từ vựng.
13 tuổi nặng 60 kg, tôi bị bạn bè gọi là “con heo”
- Cuộc sống của chị ở Hàn Quốc có nhiều áp lực như vậy không?
- Nhiều người nghĩ tôi ở Hàn Quốc không thành công được nên mới sang đây. Nhưng tôi biết mình dù có ở đâu thì vẫn thành công thôi. Tôi rất tự tin. Chỉ có điều, ước mơ của tôi là sống và làm việc ở nước ngoài, chứ tôi không hề sợ xã hội Hàn Quốc.
- Thế còn chuyện phân biệt thứ hạng ở xã hội Hàn Quốc hiện nay?
- Điều đó thì có. Gia đình tôi cũng coi trọng chuyện học. Từ khi tôi còn nhỏ, nếu không được điểm cao, bố mẹ sẽ la. Tôi biết điều đó cũng tốt cho mình nên luôn học chăm chỉ và đứng đầu lớp.
Trường đại học của tôi cũng là nơi các học sinh giỏi mới vào được. Bố mẹ cũng hứa rằng sau khi vào đại học, bố mẹ sẽ không can thiệp gì cả.
"Tôi rất tự tin. Tôi biết mình dù ở Hàn Quốc hay Việt Nam thì vẫn sẽ thành công". |
Còn khi ở đại học, tôi nhận thấy các bạn sinh viên khác đã bắt đầu xin việc từ năm thứ nhất. Họ làm thực tập sinh, học thêm những ngôn ngữ khác. Đối với tôi, điều đó không thể gọi là hạnh phúc. Nó có thể tốt cho mình nhưng trong lòng không có sự thoải mái và tự do.
- Yêu cầu về ngoại hình ở Hàn Quốc cũng rất lớn, nhất là đối với các cô gái trẻ. Chị vượt qua chuyện đó như thế nào?
- Năm 13 tuổi, tôi rất mập. Tôi nặng 60 kg và cao 1,53 m. Những người bạn nam trong lớp chửi tôi là “con heo kia”. Họ luôn luôn gọi tôi là con heo. Mỗi lần đi học về, tôi đều khóc. Sau đó tôi bắt đầu ăn kiêng. Mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa, mỗi bữa chỉ ăn một thìa nhỏ xíu. Nhờ đó tôi giảm được 10 ký, trở thành một người hơi hơi đẹp (cười).
Đến lúc đó, khi tôi gặp lại những người bạn nam từng gọi tôi là con heo, thì họ lại tỏ tình với tôi. Tôi từ chối và bước đi. Tận bây giờ, từ “con heo” đối với tôi luôn nặng nề. Ai gọi tôi là “con heo”, tôi đều bực bội.
"Người ta đặt tiêu chuẩn rất cao với nghệ sĩ, góc mặt nào cũng phải rất xuất sắc. Mà như thế thì phẫu thuật thẩm mỹ mới đáp ứng được". |
- Đến bây giờ, những lời chê về ngoại hình có còn quấy rầy chị không?
- Có. Bây giờ tôi cũng tăng cân một chút so với khi tham gia Ca sĩ giấu mặt. Nhiều người nhận xét “Sao dạo này mập vậy?”, “Béo lên rồi”… Tôi thấy hơi áp lực. Vì thực ra, người tôi bên ngoài không mập nhưng khi lên hình lại rất mập.
Dù áp lực, tôi không buồn hay đau khổ như trước, vì tôi biết sức khỏe là quan trọng nhất.
- Chị có cân nhắc chuyện phẫu thuật thẩm mỹ?
- Ở Hàn Quốc, đa số ca sĩ thần tượng đều phẫu thuật thẩm mỹ. Và không chỉ ca sĩ thần tượng, người bình thường cũng vậy. Các bạn bè của tôi cũng đều làm nhưng trông rất tự nhiên.
Riêng tôi, tôi không thể phẫu thuật thẩm mỹ vì có làn da rất nhạy cảm, rất dễ để lại sẹo. Bố mẹ tôi cũng không đồng ý. Thế nên tôi chưa bao giờ phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhiều người, ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, đều chê tôi: “Ca sĩ gì mà xấu như con khỉ”, “Con gái Hàn Quốc mà sao xấu thế?”. Vì khi mình là nghệ sĩ, người ta đặt tiêu chuẩn rất cao, góc mặt nào cũng phải xuất sắc. Mà để có sự xuất sắc đó, đa phần là phẫu thuật thẩm mỹ mới đáp ứng được.
Tôi từng buồn vì những lời đó nhưng bây giờ thì không sao. Vì tôi thấy mình chưa phẫu thuật mà đã trông như thế này thì tự cảm thấy cũng OK (cười).
Được công ty chọn vì hiểu con người và văn hóa Việt Nam
- Cuộc sống ở Việt Nam có giúp chị bớt áp lực so với ở Hàn Quốc?
- Cuộc sống ở đây dĩ nhiên là thoải mái hơn. Hàn Quốc hồi xưa, mọi người rất giàu tình cảm. Nhưng càng phát triển, người Hàn Quốc dần đánh mất tình cảm dành cho nhau. Ở Việt Nam, mọi người vẫn giàu tình cảm.
Sang đây, tôi được nhiều người bạn Việt Nam chào đón như gia đình nên rất thích. Tôi yêu món ăn Việt Nam còn hơn các món ăn Hàn Quốc. Khi sống ở Sài Gòn, tuần nào tôi cũng được ăn phở và cơm sườn nên thấy vui.
Có một chuyện vui vui là khi mới sang Việt Nam, tôi đi taxi thì mù đường nên bị “chém” nhiều. Còn bây giờ, trông tôi giống con gái Việt Nam, đôi khi lại thạo đường hơn tài xế do biết dùng Google Maps nên không còn bị “chém” nữa.
"Càng phát triển, người Hàn Quốc dần đánh mất tình cảm dành cho nhau. Ở Việt Nam, mọi người vẫn rất giàu tình cảm". |
- Chị được công ty mời về với tư cách ca sĩ solo, không cần qua thực tập và được ra mắt tại Việt Nam luôn. Đó là sự khởi đầu thuận lợi so với những thực tập sinh. Vì sao chị được ưu ái như vậy?
- Tôi ký với công ty hợp đồng nghệ sĩ chứ không phải hợp đồng thực tập sinh. Công ty đã vào Việt Nam khoảng 3 năm rồi, trước đây không “nuôi” nghệ sĩ mà chỉ làm chương trình giải trí. Nhưng anh CEO rất thích thị trường Việt Nam và muốn “nuôi” nghệ sĩ mà chưa tìm được người phù hợp. Đúng lúc đó thì tìm được tôi.
Tôi là người có thể nói tiếng Hàn và tiếng Việt, lại biết hát, anh CEO rất thích hình ảnh và giọng hát của tôi. Nhưng ban đầu, khi anh đề nghị, tôi chưa đồng ý. Lúc đó tôi không có ý định làm ca sĩ và cũng chưa tin tưởng khi mới gặp lần đầu.
"Tôi giỏi tiếng Việt và hiểu được con người, văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ mình có đủ tố chất để công ty đánh giá cao". |
Các thực tập sinh khác thì không được như vậy. Muốn vào công ty họ cũng phải cạnh tranh. Muốn ra mắt cũng phải cạnh tranh. Và khi ra mắt rồi, không có nghĩa là chắc chắn thành công, vẫn phải tiếp tục cạnh tranh. Còn tôi không phải cạnh tranh với ai và được ra mắt sớm.
Nên nhiều người nói: “Jin Ju sướng, chẳng cần cố gắng gì mà được ra mắt dễ vậy. Thị trường Việt Nam dễ quá hay sao?”. Tôi không nghĩ vậy. Tôi đã dành 4 năm học tiếng Việt ở Hàn Quốc. Tôi hiểu được con người và văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ mình có đủ tố chất để công ty đánh giá cao.