Cá sấu, hà mã, rắn rết lũ lượt ‘thăm nhà’ vì lũ lụt
Các loài động vật hoang dã, nguy hiểm như cá sấu, rắn và hà mã cùng nhau kéo vào tận nhà tại các khu dân cư ở miền Trung Nigeria sau khi khu vực này bị lũ lụt tàn phá, BBC dẫn lời những người dân địa phương cho hay.
Cá sấu, hà mã, rắn rết cư trú trong nhà và các khu dân cư ở miền Trung Nigeria sau khi khu vực này bị lũ lụt tàn phá. |
Giới chức địa phương cho hay, các loài động vật hoang dã, nguy hiểm bò lên từ những dòng sông tràn nước do lũ lụt.
“Sáng nay, nước lũ vẫn ngập đến thắt lưng của tôi. Nhưng điều đáng ngại là đang có một con hà mã ở trong nhà tôi. Tôi cầu cho nó nhanh chóng rời khỏi đây”, Wuese Jirake, một cư dân bang Benue cho biết.
Ngoài ra, ông Wuese Jirake cũng hy vọng chính quyền sẽ giúp người dân đối phó với thảm họa này. “Nếu có bất kỳ cách nào đó để giải quyết vấn đề này, chính quyền cần phải tiến hành ngay để giúp đỡ người dân. Chúng tôi không biết phải làm thế nào để đuổi hết chúng đi”, ông Wuese Jirake nhấn mạnh.
“Hiện nay, cá sấu, rắn cũng như nhiều động vật hoang dã, nguy hiểm khác đến theo dòng nước lũ đang sống trong những ngôi nhà dân. Vì thế, nếu người dân quay trở về nhà, họ sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm”, ông Abdussalam Muhammad, một quan chức quản lý thiên tai trong khu vực xác nhận chuyện nhiều động vật nguy hiểm đang sống trong khu dân cư.
Do đó, ông Muhammad kêu gọi người dân không trở về nhà vội mà hãy chờ khi nước lũ rút. Khi đó, khả năng những loài động vật trên cũng quay về với môi sinh của chúng.
Những ngôi nhà lụp xụp ở miền Trung Nigeria chìm trong nước lũ. |
BBC cho biết, ở các thành phố và làng mạc của các bang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt khác ở miền Trung Nigeria, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Các trận mưa như trút nước đã khiến cả khu vực miền Trung Nigeria chìm trong lũ lụt những ngày gần đây. Trận lũ lụt đang hoành hành tại đây được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo Hội chữ thập đỏ Nigeria, 64.000 người dân nước này đã phải sơ tán, bị mất nhà cửa và lâm vào tình trạng vô gia cư vì lũ lụt. Trong khi đó, 148 người tại 21 bang đã thiệt mạng và gần như toàn bộ đất canh tác trong khu vực cũng bị hủy hoại.
Phương Đăng
Theo Infonet