Trước đây, tại các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Lộc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có rất nhiều cơ sở sản xuất cá sặc rằn (hay còn gọi là cá bổi) khô. Sản phẩm mang thương hiệu cá khô bổi U Minh được chế biến từ cá sặc rằn nhằm cung ứng cho các đầu mối để tiêu thụ ra thị trường. Tuy nhiên, gần đây, lượng cá bổi “bơi ngược” từ vùng trên như An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ về nhiều. Điều đó khiến cho nguồn cung dư thừa mạnh. Nhiều người đứng ngồi không yên vì sản phẩm tồn đọng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), chủ cơ sở sản xuất cá bổi khô chia sẻ: “Năm trước lượng cá bổi làm ra bao nhiêu, tiêu thụ được bấy nhiêu. Thậm chí chúng tôi còn thiếu hàng cung ứng cho các đầu mối. Năm nay, không hiểu sao giá cá giảm sâu. Các đầu mối tiêu thụ đều không mặn mà với cá bổi khô địa phương mà nhiều người còn lắc đầu từ chối luôn khi chúng tôi gọi điện chào hàng”.
Giá cá sặc rằn giảm mạnh, người nuôi thua lỗ. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Nhiều chủ cơ sở sản xuất cá bổi nhỏ lẻ tại các địa phương ở Cà Mau cũng cho biết, nguyên nhân giá giảm mạnh là nguồn cung nhiều. Trong khi đặc sản khô cá sặc rằn ở địa phương đang dư thừa, một số thương nhân thu mua các ở vùng trên với giá rẻ, về sấy khô, nhái thương hiệu nổi tiếng để xuất đi, làm biến động giá cả. Không ít cơ sở sản xuất, do không thể cạnh tranh đã sản xuất cầm chừng hoặc ngưng hoạt động. Trong khi đó, lượng cá đã đến thời gian thu hoạch, tồn đọng lại trong dân còn nhiều mà họ không thể bán.
Người nuôi điêu đứng vì khô sặc rằn
Nhiều hộ dân không bán được cá cho thương lái địa phương đã lên thị trấn hay thành phố nơi có các cơ sở lớn để tìm đầu ra. Tuy nhiên, nhiều chỗ, thương lái lắc đầu không mua. Có nơi nói giá dưới “đáy ao” khiến cho người dân nuôi cá dằn lòng bán mà không biết kêu ai.
Anh Nguyễn Văn Khuyến, một người nuôi cá sặc rằn tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã nhiều năm nay cho biết, hiện giá cá loại 8 con/kg chỉ còn 45.000 đồng/kg, giảm khoảng 25.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước. Loại 6 con/kg giá hơn 60.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Ông Trần Văn Khoát, hộ dân có gần 1 ha nuôi cá sặc rằn thâm canh bức xúc chia sẻ, cá phải nuôi 8 tháng mới có thể thu hoạch. Bởi lẽ, tính chất thổ nhưỡng, đất đai tại vùng này khiến cá chậm lớn - yếu tố khiến đặc sản này có điểm đặc trưng là dai, ngon hơn các vùng khác. Trong khi đó người dân vùng trên chỉ nuôi 4 - 5 tháng là thu hoạch nên không tốn công, tiền thức ăn. Do đó, họ sẽ bán rẻ hơn.
Ngoài ra, người nuôi cá tại đây không thể bán quá lỗ do giá thức ăn tăng mạnh. Năm trước, giá mỗi kg thức ăn chỉ khoảng 12.000 đến 13.000 đồng, năm nay tăng lên tới 16.000 đến 17.000 đồng. Tính sơ qua, 1 kg cá đến khi thu hoạch mất 2,5 kg thức ăn. Các chi phí khác như cải tạo ao đầm, thuê công chăm sóc đều cao hơn năm trước.
Nhiều cơ sở sản xuất khô bổi chạy theo lợi nhuận mà quên nguồn cá địa phương. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo tìm hiểu của Zing.vn, vùng nuôi cá sặc rằn của tỉnh Cà Mau tập trung chủ yếu ở vùng ngọt hóa thuộc các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và TP. Cà Mau. Số liệu thống kê của Chi cục nuôi trồng Thủy sản Cà Mau trong năm 2014 về vùng nuôi là 245 ha. Huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích nuôi cá sặc rằn lớn nhất tỉnh với khoảng gần 200 ha thả nuôi.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cho biết, cá bổi được nuôi ở vùng đất bị nhiễm phèn mặn, môi trường nước không được ngọt như các vùng trên. Chính vì vậy con cá chậm lớn hơn, thịt dai hơn, thơm ngon hơn ở các nơi khác. Khô bổi địa phương từ lâu đã khẳng định được tên tuổi, được người tiêu dùng rộng khắp biết đến với thương hiệu cá khôi bổi vùng U Minh.
Còn theo ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội thủy sản Cà Mau: “Cá sặc rằn là loại dễ nuôi. Tuy nhiên, vốn đầu tư khá lớn và đầu ra rất khó khăn nên quan điểm của chúng tôi là không khuyến khích nuôi. Chúng tôi đang đề xuất quy hoạch lại vùng nuôi bền vững, đặc biệt chú trọng tìm đối tác đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.