Nhiều người lựa chọn bia kèm đồ ăn nhẹ trong lúc theo dõi bóng đá. Ảnh minh họa: Huệ Lâm. |
Vòng 1/8 World Cup 2022 sắp diễn ra, chuỗi ngày thật sự phải thức đến sáng để theo dõi những trận đấu nảy lửa mới chính thức bắt đầu khi hầu hết trận cầu đều rơi vào 22h và 2h.
Theo khảo sát của Zing, dưới đây là 3 loại thức uống đồng hành cùng người hâm mộ trong suốt những trận bóng. Theo các chuyên gia, những đồ uống này dù đều có tác dụng "góp" vui và tăng tỉnh táo nhưng không nên tiêu thụ chúng hàng ngày.
Bia
Quang Khôi (35 tuổi, nhân viên quảng cáo tại TP.HCM)
Lịch làm việc dày đặc nên tôi thường xem các trận vào khoảng 20h-22h. Tuy nhiên, một số trận có những đội chơi mạnh và ngang sức với nhau cũng như được dự đoán sẽ là trận đấu gay cấn thì tôi sẽ cố gắng thức xem, như trận Anh với Mỹ.
Tôi thường đi xem World Cup một mình tại vài quán bia gần nhà vì không khí náo nhiệt ở đó khiến tôi hào hứng hơn cũng như có thể nghe mọi người bàn luận về bóng đá. Lúc này tôi sẽ gọi một ly bia để vừa uống vừa xem.
Vì đã ăn no trước ở nhà, khi đến quán tôi cũng chỉ uống bia và ít khi gọi thêm đồ ăn vặt”, anh Khôi chia sẻ.
Anh Khôi thường gọi bia khi xem bóng đá nhưng ít khi gọi đồ ăn nhẹ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Thú thật, tôi không quá cuồng bóng đá mà thích tính bất ngờ và hấp dẫn của nó. Nếu phải thức lúc 23h hay đến tận 2h để xem bóng đá thì hôm sau tôi e là rất khó đi làm đúng giờ. Bên cạnh đó, tinh thần làm việc cũng không được tốt do thiếu ngủ.
Trong lúc nghỉ giải lao hoặc lúc phát lại một số cảnh sút bóng, tôi sẽ tranh thủ giải quyết công việc hoặc sắp xếp lịch trình cho ngày mai.
Chuyên gia khuyên gì:
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rượu bia là nhóm thức uống khá được ưa chuộng trong các cuộc vui. Những thức uống này thường được khuyến nghị dùng với lượng vừa đủ nhưng vừa xem đá bóng vừa uống rất khó kiểm soát được liều lượng sử dụng. Cơ quan như gan, thận, não, tim, hệ tiêu hóa... đều phải chịu gánh nặng từ lượng cồn khổng lồ này. Uống quá nhiều rượu có thể khiến bạn bị rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng gan, thận, đau dạ dày...
Ngoài ra, rượu bia cũng chứa khá nhiều calories. Một cốc bia khoảng 350 ml có thể chứa khoảng 150 calories. Một lượng khoảng 40 ml rượu cũng có thể chứa tới 100 calories. Điều đáng lo ngại đây là nguồn calorie rỗng, chúng sẽ được chuyển hóa thành mỡ.
Ngoài ra, ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cho hay nhu cầu khuyến nghị đơn vị cồn/ngày đối với nam giới là không quá 2 đơn vị cồn/ ngày, nữ không quá 1 đơn vị cồn/ngày, trong đó 300 ml/ đơn vị. Theo đó, nam giới chỉ nên uống tối đa không quá 2 lon/ngày, nữ giới không uống quá 1 lon/ngày. 1 lon bia có năng lượng tương đương 150 calories, gần bằng lượng calories trong một bát cơm. Do vậy, nếu ăn cơm xong uống bia sẽ tăng calories, dẫn đến tình trạng thừa cân.
Nước tăng lực
Lê Khánh (22 tuổi, kỹ sư phần mềm tại TP.HCM)
Thức khuya xem bóng đá với mình không thể thiếu mì gói và nước tăng lực. Bình thường công việc của mình thường xuyên phải thức khuya nên hầu như mình luôn có nước tăng lực và mỳ gói ở trong nhà để “cứu đói” mỗi đêm.
Trước đây, mình uống nước tăng lực là để thức khuya chạy deadline, còn hiện tại mình uống nước tăng lực phần nhiều là do thói quen hoặc cho vui miệng. Bình thường, hôm nào thức khuya mình mới uống nước tăng lực. Đợt này mùa World Cup, mình lại uống nhiều hơn. Vài tuần rồi cứ vài hôm lại có một trận đá lúc 2h sáng, mình lại ăn mỳ và uống nước tăng lực. Dù biết buổi đêm ăn nhiều đồ ăn không nhiều chất dinh dưỡng như mì gói và nhiều đường như nước tăng lực, mình vẫn sẽ nạp chúng như một thói quen lâu ngày.
Uống nước tăng lực nhưng mình vẫn ngủ nghỉ bình thường, giấc ngủ của mình không bị ảnh hưởng mấy. Mình đoán là do uống lâu ngày nên cơ thể đã thích ứng được. Ngoài ra, tạng người mình khó tăng cân nên với mình uống nước tăng lực thường xuyên cũng không khiến cân nặng mình thay đổi.
Chuyên gia khuyên gì:
Theo BS Hùng, nước tăng lực chứa nhiều đường và có 2 thành phần caffein và taurin giúp tỉnh táo. Theo đó, mỗi lon nước tăng lực chứa khoảng 30-50g đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết. Lượng đường này thậm chí còn cao hơn tổng lượng đường hấp thu nhanh cơ thể cho phép thu nạp mỗi ngày. Vì thế, BS Hùng khuyến cáo mọi người chỉ nên uống nước tăng lực với tần suất thấp để tránh gặp nguy cơ bị tiểu đường.
Cà phê
Bảo An (30 tuổi, nhân viên ngân hàng tại TP.HCM)
Là một người đam mê bóng đá, tôi sẵn sàng thức đến 1-2h sáng để xem trận đấu của đội mình thích. Thông thường, tôi xem một mình ở nhà bằng laptop, hôm nào vui thì có bạn rủ ra quán cùng uống cà phê cùng ngồi xem.
Không cần cà phê để thức khuya, tôi chọn uống cà phê là do thói quen. Bình thường, tôi không uống đồ ngọt, chỉ uống cà phê đen nên ra quán cứ theo thói quen gọi cà phê đen uống. Tuy nhiên, uống buổi ngày thì không sao nhưng uống cà phê đêm tôi hay bị tim đập nhanh và khó ngủ nên tôi phải để tan đá rồi mới uống để cà phê bớt đậm, tránh mất ngủ. Thêm nữa, thỉnh thoảng tôi mới ra quán uống như vậy, uống quá nhiều cà phê vào ban đêm dễ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Đi cà phê như vậy nhiều hôm về nhà tôi phải trằn trọc một lúc mới ngủ được. Gần đây, khi ra quán tôi không còn gọi cà phê nữa mà gọi nước lọc hoặc trà gừng. Tôi nghĩ uống trà gừng ấm bụng, đêm về cũng dễ ngủ hơn.
Chuyên gia khuyên gì:
Theo BS Hùng, mỗi ngày chỉ nên uống 1-3 ly trà hoặc cà phê do đây là loại đồ uống gây đào thải canxi và kẽm qua đường bài tiết. Ngoài ra, trà và cà phê không nên được nạp vào cơ thể trong khung giờ gần giấc ngủ vì caffein trong 2 loại đồ uống này có thể ở trong cơ thể tới 8 giờ, dễ gây loạn giấc ngủ hoặc giấc ngủ không sâu. Ngoài ra trong trà có chất phytate, chất này có thể tạo phức với canxi và sắt, khiến cơ thể giảm hấp thu 2 chất này.
Đọc gì không chết?
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.