Ngày 28/5, hàng trăm người dân đổ xô về thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm lễ cúng cá "Ông" cầu tài lộc, may mắn.
Người dân vây quanh cá "Ông" bơi vào bờ biển Lệ Thủy, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn) kiệt sức. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UND xã Bình Trị, cho hay trong lúc thả lưới ở vùng biển Lệ Thủy, ngư dân địa phương phát hiện cá "Ông" rẽ sóng từ ngoài khơi bơi chậm về phía gần bờ. Cá dài hơn 2,2 m, nặng hơn 200 kg, toàn thân và đầu tròn.
Ngư dân làng chài nơi đây hay gọi loài cá này là "Ông Chuông". "Nhiều ngư dân mất nhiều giờ nỗ lực cứu hộ đưa cá "Ông" ra trở lại biển nhưng không thành nên khiêng lên lăng Vạn chờ an táng", ông Thính nói.
Liên tục hai ngày qua, hàng trăm người dân ở các địa phương lân cận về làng chài Lệ Thủy tín ngưỡng cúng tế cá "Ông" cầu tài lộc, phiên biển bội thu. Đến chiều 28/5, con cá trên vẫn thở yếu ớt.
Cá "Ông" nặng hơn 200 kg, thân và đầu tròn giống hình quả chuông dạt vào bờ biển Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó, chiều ngày 27/5, cá "Ông" dài 2,5 m, nặng hơn 300 kg kiệt sức dạt vào bờ biển thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (cùng huyện Bình Sơn), sau đó chết được người dân an táng theo phong tục của địa phương.
Trước hiện tượng cá "Ông" liên tục dạt vào bờ biển Quảng Ngãi, tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, lý giải loài cá lớn này sống ở vùng biển xứ lạnh. Khi bị tác động biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng lên nên cá phải bơi di chuyển tránh nóng. Trong quá trình di cư, loài cá này lạc vùng biển nhiệt đới ở miền Trung Việt Nam thiếu nguồn thức ăn dẫn đến kiệt sức dạt vào bờ chết.
Vùng biển Lệ Thủy, xã Bình Trị(huyện Bình Sơn), nơi "cá Ông" bơi vào bờ kiệt sức. Ảnh: Google Maps. |