Cô Katie Gooch và đứa con trai 3 tuổi của mình đang chơi búng đá trên dòng sông gần nhà tại Richmond. Một người mẹ khác cùng đứa con nhỏ đứng cách đó không đầy 2 m. Không một đứa trẻ nào đeo khẩu trang. Và chẳng có ai buồn để tâm đến chuyện đó. Điều đó dường như có nghĩa là Gooch và người mẹ kia tin tưởng nhau.
"Trong 2 phút", Gooch nhớ lại, "cô ấy quay sang tôi và hỏi 'Cô có biết cái nhóm Facebook bí mật này không?'".
Đó là một nhóm hơn 20.000 bà mẹ trên toàn thế giới. Giống như 2 người lạ này, họ tin rằng trường học nên mở lại vào mùa thu tới với các hướng dẫn trực tiếp, bất chấp những rủi ro do virus corona gây ra.
Cách đó hơn 1.000 km, Mary Gail Lowery đang câu cá với cháu trai ở Tuscaloosa, bang Alabama. Bà có đeo khẩu trang, nhưng chỉ trong các cửa hàng và chỉ đeo "theo đúng trách nhiệm", bởi bà cho rằng khẩu trang không phải biện pháp hữu ích để chống lại Covid-19.
"Tôi không tin những gì tôi nghe thấy", bà Lowery cho hay. "Tôi đã tự nghiên cứu và kiểm tra các thông tin".
Bà Lowery đã kiểm tra và nhận thấy sự ủng hộ cho lập trường đó từ Chuck Woolery, người dẫn chương trình "Love Connection", "Wheel of Forturne" và "Scrabble" trong 3 thập kỷ.
Nên đặt niềm tin vào đâu?
Một người đàn ông kiểm tra điện thoại khi đứng cạnh biển khuyến khích người dân giữ khoảng cách xã hội. Ảnh: Apu Gomes. |
Hơn 4 tháng sau khi virus xuất hiện, người Mỹ đang chìm ngập trong "biển" thông tin, và rất khó để biết nên tin vào đâu giữa những lời khuyên không nhất quán. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump và một số trợ lý hàng đầu của ông cũng nghi ngờ về hướng dẫn khoa học của chính phủ.
Nhiều người đã quyết định tự tìm ra một cách sống an toàn cho mình, thay vì nghe theo những lời chỉ dẫn đó.
Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng như vậy, nhiều người lựa chọn tin vào các khuyến nghị của cha mẹ, khoa học, truyền thông, các quan chức y tế địa phương, người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các chuyên gia "tự phong", hay các nhà hoạt động chính trị.
Còn trong trường hợp của Lowery, bà chọn tin vào một nghệ sĩ giải trí trên truyền hình.
Trong khi đó, ông Woolery đã xoá tài khoản Twitter của mình, sau khi thông báo rằng con trai ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Woolery cũng không trả lời các yêu cầu bình luận, theo Washington Post.
Về phần mình, bà Lowery cũng lục lọi khắp các bài đăng trên Twitter và Facebook để tìm các bác sĩ có quan điểm có vẻ phù hợp với bà, chẳng hạn như người nào đó cho rằng khẩu trang không bảo vệ người dùng hiệu quả trong việc chống lại virus.
Không chỉ Lowery, mà khá nhiều người tìm kiếm sự thỏa mãn bằng cách tìm kiếm các chuyên gia đồng ý với niềm tin vốn có của mình, Ross McKinney Jr., giám đốc khoa học của Hiệp hội các trường Cao đẳng Y tế của Mỹ cho biết.
Trong bối cảnh nhiễu loạn khi có quá nhiều luồng thông tin chồng chéo như thế này, người ta rất dễ bối rối và thường sẽ chọn tin những gì mà họ muốn tin, theo Washington Post.
Sự nhiễu loạn thông tin trong đại dịch lần này dường như tệ hơn rất nhiều so với những đại dịch trước. Khi SARS xảy ra vào năm 2003 và H1N1 xảy ra vào năm 2009, người ta theo dõi các chuyên gia và lắng nghe hướng dẫn từ CDC - những người có uy tín và hiểu biết.
Bây giờ, giữa sự thiếu chắn chắc về cách virus hoạt động, sự phân cực chính trị mạnh mẽ và sự chê bai đối với chuyên môn trong nhiều lĩnh vực, người dân cảm thấy lạc lõng và không biết cách đánh giá rủi ro.
Lấp đầy khoảng trống
Để lấp đầy khoảng trống do những mâu thuẫn từ chính phủ, các tổ chức y tế và các nhà khoa học đã đưa ra công bố hướng dẫn của riêng họ.
Chẳng hạn, hiệp hội Y khoa Texas đưa ra một biểu đồ xếp hạng rủi ro của 37 hoạt động hàng ngày, từ rủi ro thấp khi mở lá thư và nhận thức ăn giao hàng, cho đến những rủi ro cao khi đến quán bar.
Chính phủ liên bang không đưa ra một chỉ đạo rõ ràng nào. Số lượng người thiệt mạng vì virus tại Mỹ khiến người dân hoang mang rằng liệu những chuyên gia có thực sự hiểu những gì họ đang nói.
Một người đàn ông đeo khẩu trang khi đang bơi trên biển Miami. Ảnh: Bloomberg. |
Jessica Sandfort, một bà mẹ 2 con ở Vancouver, đã phát hiện những bài đăng trên Twitter của Andy Slavitt vào đầu tháng 3 và ấn tượng bởi những thông tin đó. Slavitt từng điều hành chương trình Trợ cấp y tế và Bảo hiểm y tế dưới thời ông Obama, và là người sẵn sàng chỉ trích những phản ứng chậm trễ của chính phủ hiện tại với virus.
"Thực sự rất khan hiếm thông tin từ Nhà Trắng", Sandfort nói. "Vì vậy những hiểu biết sâu sắc của Andy đã giúp lấp đầy những khoảng trống đó. Ông ấy đã nói chuyện với các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để thu thập thông tin về mọi thứ, từ phát triển vaccine đến phân phối thực phẩm".
"Chúng ta đang trong một cuộc cách mạng trong cách tiếp nhận thông tin. Và đại dịch đã đến chính xác trong thời điểm này", ông McKinney - giám đốc khoa học của Hiệp hội các trường Cao đẳng Y tế của Mỹ, nhận định.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại Mỹ đã vượt mốc 4 triệu hôm 23/7, sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ngày 21/1, theo thống kê của đại học Johns Hopkins.
Số ca nhiễm của Mỹ lên tới mốc 1 triệu sau 98 ngày, nhưng chỉ mất 16 ngày để tăng từ 3 triệu lên 4 triệu ca.