Thôn Đồng Lách (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là một trong những khu vực có địa thế đặc biệt nhất tỉnh Thanh Hóa. Nằm phía tây nam và cách trung tâm huyện hơn 15 km, cuộc sống người dân gần như biệt lập với bên ngoài.
Để vào được thôn, phải vượt qua một quãng đường dài với nhiều ngọn núi cao vút. Nhìn từ trên cao, Đồng Lách được bao bọc bởi các dãy vách núi đá hiểm trở tạo dáng giống một thung lũng.
Đến đây vào chiều muộn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh cả trăm người dân lũ lượt kéo nhau đi xem nhờ tivi - hình ảnh thường thấy ở hầu hết các địa phương cách đây hơn 20 năm.
“Về Đồng Lách, du khách như đang được lùi về quá khứ. Sống lại ký ức tuổi thơ những năm 90 của thế kỷ trước”, một cán bộ địa phương cho biết.
Ngay từ 18h hằng ngày, hàng chục người dân đã có mặt theo dõi các chương trình. "Tầm 19h, cả sân sẽ chật kín người xem", ông Vi Văn Luân - Trưởng thôn Đồng Lách cho biết. Ảnh: Duy Cảnh. |
Là gia đình duy nhất trong thôn sở hữu chiếc tivi màu đời cũ, anh Phạm Văn Xuân (40 tuổi) chia sẻ, cách đây ba năm, trong lần xuống trung tâm huyện chơi, anh thấy nhà nào cũng có điện, tivi nên nảy sinh ý định mua một chiếc.
Sau khi bàn bạc với vợ chắt góp được hơn 2 triệu đồng, anh nhờ bạn bè mua một tivi màu cũ. Việc sắm tivi ban đầu chỉ nhằm phục vụ người thân trong gia đình. Dần dà, thấy hàng xóm có tivi, bà con trong làng kéo đến nhờ mở xem các chương trình.
Từ khi mua được tivi đến nay, mỗi tối gia đình anh Xuân tiếp cả trăm người dân đến đứng, ngồi khắp sân vườn xem phim.
"Cả người già lẫn trẻ em thích theo dõi chương trình tivi đến nỗi có thể bỏ ăn, bỏ ngủ chứ nhất định không chịu bỏ một buổi xem nào", anh Xuân kể và cho biết, với người dân địa phương khác, xem tivi là chuyện bình thường, nhưng với người dân thôn Đồng Lách thì khác bởi cả làng vẫn không có điện.
Không giàu có hơn hàng xóm, để có nguồn điện mở được tivi, ông Xuân đã tận dụng chiếc máy cày nổ máy tạo nguồn điện.
“Chiếc máy cày ban ngày phục vụ bà con trong thôn làm đồng ruộng. Tối đến, nó đóng vai một trạm phát điện suốt mấy năm nay”, chủ nhà vui vẻ nói. Tuy không bắt buộc phải đóng góp tiền phí xem, người dân vẫn ý thức tự thu gom mỗi hộ vài nghìn đồng nhờ ông Xuân mua dầu chạy máy phát.
Khi máy móc hỏng hoặc hết nhiên liệu chạy, vợ chồng ông Xuân luôn chủ động bỏ tiền túi ra để kịp phục vụ nhu cầu của hàng xóm. Người đàn ông 40 tuổi này chia sẻ, bà con quanh nhà đa phần đều thuộc dân tộc thiểu số, gắn bó bao đời nay nên không hề tính toán thiệt hơn.
Nán lại thôn cùng bà con đến nhà ông Xuân xem một chương trình phim truyện lúc 19h, bầu không khí xung quanh toát lên vẻ thân thiện, yên bình của một vùng quê nghèo. Từ người già đến trẻ nhỏ ngồi bệt dưới nền đất mắt chăm chú nhìn tivi. Thanh niên làng đứng tụm năm tụm ba ngay phía sau. Mỗi khi tivi phát đoạn phim hấp dẫn, người dân lại vỗ tay tán thưởng.
Được chủ nhà ưu tiên dành một chiếc ghế nhỏ ngồi xem, cụ Tìn (80 tuổi) chia sẻ, cả cuộc đời cụ sống quanh quẩn trong thôn và chưa bao giờ được đi thăm đó đây. “Qua tivi, chúng tôi thấy chốn thành thị thật to lớn, điện sáng, đường đẹp. Bà con trong thôn trông mong một ngày cuộc sống được đổi thay. Khi có điện lưới, các gia đình sẽ tự sản xuất phát triển kinh tế đi lên”, cụ Tìn nói.
Ông Xuân đứng bên chiếc máy cày - phương tiện phát điện phục vụ bà con trong thôn. Ảnh: Duy Cảnh. |
Chia sẻ về dự định tương lai, vợ chồng ông Xuân cho biết, gia đình sẽ cố gắng lao động, tích góp tiền mua tivi mới phục vụ bà con. “Gia đình nghèo khó, làm quanh năm chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà. Chiếc tivi cũ lâu ngày cũng sắp hỏng, tôi sẽ cố dành dụm tiền để mua cái mới”, ông Xuân cho hay.
Ông Lê Hồng Quế - Quyền chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết, Đồng Lách có tổng cộng 108 hộ dân sinh sống, với 600 nhân khẩu, tất cả đều là người dân tộc Thái di cư từ nơi khác đến. "Đây là vùng duy nhất huyện Tĩnh Gia tập trung đồng bào dân tộc thiểu số đến cư trú", ông Quế cho hay.
Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm tới 98%. Bà con mưu sinh dựa hoàn toàn vào nông nghiệp. Dù cư trú tại đây hàng trăm năm, người dân Đồng Lách hiện vẫn chưa có điện lưới sinh hoạt.
Vị Quyền chủ tịch xã khẳng định, thôn Đồng Lách chỉ tồn tại duy nhất 1 tivi còn sử dụng. Giải thích điều này, ông Quế cho hay, do người dân chưa được cung cấp điện lưới sinh hoạt. "Dù rất muốn mua sắm tivi nhưng không có điện nên bà con đành chịu", ông Quế nói.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo xã Tân Trường đang thúc giục ngành điện lực đầu tư sớm kéo đường dây điện đến với bà con thôn Đồng Lách.
"Tất cả các thôn làng trong xã đều đã có điện. Riêng Đồng Lách do địa thế đặc biệt khó khăn nên chưa có", ông Quế cho hay.