Làng nghề không mặn mà với cây cảnh
Mươi năm trước, hàng trăm hộ dân của các làng nghề cây cảnh như Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu đều lấy cây cảnh làm đầu. Người dân tận dụng đất để trồng những vườn cây truyền thống như sanh, lộc vừng, cau vua, vạn tuế… Đã có những tỷ phú, triệu phú nổi lên nhờ những cây cảnh bán được với giá tiền trăm, thậm chỉ cả tỷ đồng.
Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim của cây cảnh đã qua, khi tư thương Trung Quốc không còn sang Việt Nam săn lùng, mua cây cảnh. Các công trình, dự án bất động sản trong nước ở thời kỳ chạm đáy đã làm phá sản nhiều đại gia bất động sản. Thú chơi tao nhã của những đại gia sẵn sàng bỏ cả tỷ đồng để mua một tác phẩm cây cảnh về chơi cũng theo đó suy vi.
Nghề cây rơi vào cơn bĩ cực. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh phá sản, vì vay vốn ngân hàng đầu tư vào cây, vốn bị đóng băng không hẹn ngày giải thoát.
Ông Phạm Ngọc Tiến (xã Nam Thắng, huyện Nam Trực) bỏ hoang 3 thổ vườn tương đương gần một mẫu đất. Trước, gia đình với năm nhân công, ông phải mượn thêm người chăm bón, dọn cỏ vườn… cho những vườn sanh, vạn tuế. Cây cảnh mất giá, không có người mua, ông bỏ hoang vườn tược quay sang làm nấm.
“Cơn vận hạn” của các làng nghề dễ lý giải. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng cam chịu.
Làng nghề đổi tên thành… làng đinh lăng
Về xã Hải Toàn, Hải Hậu, không ai không biết gia đình anh Nguyễn Ngọc Lành là đại lý thu mua đinh lăng lớn nhất nhiều năm nay.
Một năm, anh Lành thu gom hàng trăm tấn đinh lăng tươi, bao gồm cả củ, thân, cành lá. Một hệ thống máy thái, máy sấy… được anh Lành đầu tư để sơ chế, trước khi bán cho các đối tác.
Giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân lá tại Hải Hậu giao động 20.000-25.000 đồng/kg. Mỗi ngày, hàng trăm người đi thu gom từ các nhà dân, mang đến đổ mối cho các điểm đại lý thu mua đinh lăng như gia đình anh Lành.
Cây đinh lăng trước kia chỉ được coi là cây cảnh, được trồng tự phát, vậy nên chỉ sau vài tháng thu mua đều bị gom hết. Những vườn cây cảnh tiền tỷ nhanh chóng bị chặt bỏ để thay thế thành những vườn đinh lăng rộng bạt ngàn, hứa hẹn cho một nguồn thu chắc chắn.
Theo khảo sát của chị Nguyễn Thị Hậu, Chuyên gia dự án Greenplan của Công ty CP Traphaco, diện tích các vườn trồng đinh lăng tự phát của huyện Hải Hậu gần 200 ha; ở huyện Nghĩa Hưng khoảng 100 ha.
Riêng xã Hải Toàn (huyện Hải Hậu), thời điểm hiện tại có gần 150 hộ trồng đinh lăng với diện tích 20 ha, cho sản lượng khoảng 200 tấn đinh lăng khô một năm.
Ông Lâm Văn Tinh, xóm 10 xã Hải Hà (huyện Hải Hậu), một trong rất nhiều hộ chặt bỏ cây cảnh để trông đinh lăng, cho biết: cây đinh lăng rất dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít. Khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt.
Nếu trồng một sào, 3 năm sau cho thu nhập 150-170 triệu đồng. Trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi một năm cho thu nhập ròng 19-21 triệu đồng (tương đương mỗi năm 520-580 triệu đồng/ha). Vì vậy, trồng và chế biến đinh lăng đang được xem là “nền kinh tế xanh” của địa phương.
Đơn vị “hậu thuẫn” đảm bảo đầu ra cho người trồng đinh lăng là Công ty Cổ phần Traphaco. Một năm, Traphaco thu mua hàng trăm ngàn tấn đinh lăng sấy khô để làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm.
Traphaco đã xây dựng một quy trình chăm sóc, phổ biến kiến thức khoa học cho người trồng. Công ty đã xây dựng quy trình chuẩn theo tiêu chí GACP-WHO trên cơ sở liên kết với GreenPlant.
Vùng nguyên liệu cung cấp giống cho các hộ trồng đinh lăng đã được Traphaco xây dựng tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định với quy mô diện tích 5 ha. Tại đây, một trung tâm sản xuất cây giống do đối tác của Traphaco xây dựng đảm bảo cung cấp đinh lăng giống cho hàng trăm hộ dân một năm.
“Trung tấm giống theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Nghĩa Lạc một năm sản xuất trên một triệu bầu giống một năm. Những bầu giống này đã được chọn lọc, đảm bảo nguồn gốc dược liệu sạch, cây cho dược tính cao theo đúng tiêu chí của đơn vị thu mua là Traphaco.
Lấy một bầu giống làm ví dụ, Th.s Nguyễn Thị Hậu phân tích: đinh lăng là loại cây có thể trồng bằng cành, dâm cành như trồng sắn tầu. Tuy nhiên, một cây trưởng thành đảm bảo đủ dược tính, đảm bảo dược liệu sạch như tiêu chí của nhà sản xuất đưa ra phải được tuyển lựa ngay từ ban đầu, thông qua các khâu xử lý mầm bệnh để cây khỏe mạnh. Khi trồng, đinh lăng bầu phải trồng thẳng chứ không được trồng ngang.
Những cây trồng thẳng sẽ phát triển rễ từ thân cây, và những rễ chum này mới đảm bảo dược tính. Nếu trồng theo cách dâm ngang như trồng mía, thân cây sẽ biến thảnh củ, chúng tôi gọi đó là rễ giả, không có dược tính cao như yêu cầu”, Th.s Hậu phân tích.
Với thời gian 3-4 năm mỗi vụ thu hoạch, một sào đinh lăng mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân trung bình từ 30 triệu đồng một năm. Đó là nguồn thu ổn định, bền vững, lâu dài, không bấp bênh như nghề trồng câu cảnh. Đó cũng là lý do khiến hàng trăm hộ dân vùng cây cảnh sẵn sàng chặt cây tiền tỷ để… trồng đinh lăng.