Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

C-130J: Sự lựa chọn lý tưởng cho quân đội Việt Nam?

Có nhiều vũ khí mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ sau khi bỏ cấm vận nhưng các loại máy bay vận tải quân sự, tiêu biểu là C-130J của Lockheed Martin được cho là tiềm năng.

C-130J là phiên bản nâng cấp sâu của dòng máy bay vận tải chiến thuật C-130 Hercules. Kể từ năm 1997 đến nay, Super Hercules đã được sản xuất với số lượng khá lớn. Hơn 150 chiếc C-130J đã được giao hàng và đang phục vụ trong nhiều lực lượng không quân.

Tuy có vẻ ngoài khá giống các phiên bản C-130 trước đây (dài khoảng 30 m, cao gần 12 m, sải cánh trên 40 m), nhưng C-130J Super Hercules được thay đổi khá nhiều về phần động lực và điện tử. Với bốn động cơ turbine cánh quạt Allison AE2100D3 công suất 4.591 mã lực và cánh quạt sáu cánh composite R391 kiểu mới của Dowty Aerospace, C-130J có thể đạt tốc độ 671 km/h, tải trọng tối đa 19 tấn. Lượng nhiên liệu tối đa máy bay mang theo là 20,8 tấn, ngoài ra có thể mang thêm thùng dầu phụ với 8,5 tấn nhiên liệu bổ sung. Điều đó cho phép C-130J đạt tầm bay gần 3.000 km khi mang tải 16 tấn.

Bên cạnh kiểu C-130J nguyên bản, còn có biến thể C-130J-30 với thân máy bay được kéo dài thêm 4,5m, mang được nhiều hàng hóa hơn: tối đa 20 tấn. Do tải nặng hơn nên tốc độ của C-130J-30 cũng giảm xuống 659 km/h, trần bay hạ xuống còn 8.000 m (so với 8.615 m của C-130J), tuy nhiên tầm bay tăng cao hơn nhiều: Gần 3.900 km.

Kíp lái của C-130J chỉ gồm hai phi công, không cần hoa tiêu hay nhân viên cơ giới trên không, mà thường chỉ có thêm một nhân viên phụ trách khoang hàng. Có được điều này là do máy bay được tự động hóa cao, phi công được hỗ trợ bởi nhiều thiết bị điện tử hiện đại. Buồng lái có 4 màn hình tinh thể lỏng đa chức năng L-3 để hiển thị các tham số phục vụ điều khiển máy bay.

Mỗi phi công đều có màn hình hiển thị trước mắt (HUD) của Flight Dynamics. Hệ thống máy tính do BAE Systems IEWS sẽ xử lí các thông tin do các cảm biến cung cấp và đưa ra nhận định cho phi hành đoàn quyết định xử lí. Màn hình hiển thị với hệ thống lưu trữ hình ảnh địa hình, hệ thống bản đồ kĩ thuật số toàn cầu Elbit của CMC cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình bay. Ngoài Elbit, hãng CMC của Canada cũng cung cấp các màn hình hiển thị nhiệm vụ TacView và hệ thống cảm biến Inegr Flight (bản thương mại hóa).

Để định hướng trên không, C-130J được trang bị hệ thống kép của Honeywell, sử dụng song song hệ định vị toàn cầu (GPS) và hệ dẫn đường quán tính (INS). Ngoài ra, máy bay còn có hệ thống cảnh báo chống va chạm (E-TCAS), hệ thống lưu trữ SKE2000.

C-130J được trang bị hệ thống radar dẫn đường, cũng như thời tiết MODAR 4.000 màu, tầm hoạt động 463 km. Hệ thống cảnh báo ATK AN/AAR-47 với các cảm biến quang điến sẽ báo động khi máy bay bị tên lửa đối không tấn công. Không chỉ vậy, C-130J còn có radar cảnh báo AN/AAR-56M do BAE Systems cung cấp. Hệ thống tự vệ AN/ALE-47 sẽ bắn các mồi bẫy và pháo sáng để đánh lừa tên lửa đối không, bảo vệ máy bay. Hệ thống tự vệ hồng ngoại AN/ALQ-157 đảm trách nhiệm vụ gây nhiễu các bước sóng ngắn thuộc miền hồng ngoại.

Khả năng chở quân của C-130J là 92 lính có vũ trang, hoặc 64 lính dù. Khi tải thương, máy bay mang được 74 cáng thương binh. Khi chở hàng, C-130J mang được 6 khối hàng vận tải quân sự cỡ lớn tiêu chuẩn, hoặc 16 khối hàng quân sự CDS (Container Delivery System). Với C-130J-30, con số này tăng lên 8 khối hàng vận tải quân sự tiêu chuẩn, hoặc 24 CDS.

C-130J-30 có thể chở được 128 lính có vũ trang, hoặc 92 lính dù, hoặc 97 cáng thương binh. Như vậy, với một biên đội 3-4 chiếc C-130J-30, có thể lập cầu hàng không vận chuyển trên cự li 3.000 km, mỗi lần chuyên chở được 1 tiểu đoàn bộ binh hoặc 50-60 tấn hàng hóa, phục vụ cơ động lực lượng hoặc chi viện hàng hóa, vật chất, khí tài …

Trong bối cảnh các máy bay An-26 được Liên Xô viện trợ đã cũ và dần lạc hậu, Việt Nam có thể tính đến việc mua mới các máy bay vận tải C-130J. Hiện nay, ngoài Mỹ sử dụng C-130J với số lượng lớn (hơn 140 chiếc ở nhiều biến thể: vận tải, tiếp dầu trên không, tác chiến điện tử …) thì còn có Anh (25 chiếc C-130J và C-130J-30), Italia (32 chiếc C-130 và C-130J-30), Australia (12 chiếc C-130J), Ấn Độ (6 chiếc C-130J-30), Đan Mạch (4 chiếc C-130J-30), Na Uy (4 chiếc C-130J-30). Nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Isarel … cũng đều có ý định đặt mua C-130J.

Như vậy, loại máy bay này đã được sử dụng khá nhiều, và đang được đặt mua thêm, phù hợp với tiêu chí chỉ mua sắm những vũ khí đã trải qua sử dụng thực tế lâu dài của Việt Nam. Có nhiều nước sử dụng máy bay này, nên việc tìm kiếm hợp tác kĩ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp C-130J cũng dễ dàng hơn.

Các kĩ sư Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm làm việc với một số loại máy bay C-130 thế hệ cũ (chiến lợi phẩm sau khi thống nhất đất nước năm 1975). Tầm hoạt động của máy bay khá lớn, thuận lợi không chỉ cho các hoạt động vận tải, mà còn cho nhiệm vụ tuần tra biển và tìm kiếm cứu nạn, vốn rất phổ biến với Không quân Nhân dân Việt Nam trong thời bình.

Tuy nhiên, có một vấn đề có thể khiến Việt Nam cân nhắc, đó là giá cả: Năm 2007, Na Uy đã trả 519 triệu USD cho 4 chiếc C-130J, Ấn Độ phải trả đến 1,2 tỉ USD cho 6 chiếc C-130J. Ước tính, nếu mua C-130J, giá bán cho Việt Nam sẽ dao động từ 150-200 triệu USD mỗi chiếc, do nước ta chưa có kinh nghiệm và trang bị phục vụ sử dụng và bảo dưỡng máy bay.

http://infonet.vn/c130j-su-lua-chon-ly-tuong-cho-quan-doi-viet-nam-post143659.info

Theo Thanh Hoa/Infonet

Bạn có thể quan tâm