Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BV Bạch Mai bỏ quên ống xông trong niệu đạo bệnh nhân?

Sau 2 năm mổ sỏi thận tại BV Bạch Mai không đỡ, anh Lê Đức Quế (Thanh Hóa) đi khám lại và tá hỏa khi biết trong niệu đạo của mình vẫn còn ống xông của ca mổ này.

Khoảng 2 năm trước anh Lê Đức Quế đã trải qua một ca phẫu thuật mổ sỏi thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Người phẫu thuật cho anh là bác sĩ Vinh - Phó chủ nghiệm Khoa ngoại của Bệnh viện Bạch Mai. Ca phẫu thuật diễn ra không mấy phức tạp, và chỉ gần một tuần sau anh Quế đã được xuất viện...

Gần 2 năm sau ca mổ lấy sỏi thận, sức khỏe của anh Lê Đức Quế (SN 1973, HKTT tại xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vẫn không hề được cải thiện. Đã nhiều lần anh Quế phải quay lại Bệnh viện Bạch Mai để khám và điều trị nhưng các bác sĩ ở đây đã không hề phát hiện ra dị vật trong niệu quản của anh Quế. Vì không còn cảm thấy tin tưởng phương pháp điều trị của bác sĩ trực tiếp chữa bệnh cho mình, anh Quế đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám. Tại đây, anh té ngửa khi các bác sĩ kết luận trong niệu quản của anh vẫn còn nguyên ống xông, do bác sĩ phẫu thuật cho anh trước đó bỏ quên.

Theo anh Quế thì giấy ra viện là thứ duy nhất anh nhận được trong suốt quá trình điều trị, ngoài ra bác sĩ không dặn dò gì thêm.

Hai năm sống chung với dị vật

Khoảng 2 năm trước anh Lê Đức Quế đã trải qua một ca phẫu thuật mổ sỏi thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Người phẫu thuật cho anh là bác sĩ Vinh - Phó chủ nghiệm Khoa ngoại của Bệnh viện Bạch Mai. Ca phẫu thuật diễn ra không mấy phức tạp, và chỉ gần một tuần sau anh Quế đã được xuất viện.

Tuy nhiên, về nhà chỉ được khoảng 2 ngày thì anh Quế lại lâm vào tình trạng sốt rất cao. Nhiệt độ cơ thể thường xuyên lên tới 41, 41 độ. Lo lắng, gia đình anh lại đưa anh quay trở lại Bệnh viện Bạch Mai để khám lại. Lần này, cũng vẫn chính bác sĩ Vinh thăm khám và điều trị cho anh Quế. Anh Quế kể lại: "Lúc thanh toán viện phí thì tôi được giảm 30% vì thuộc diện hộ nghèo. Chi phí cho ca phẫu thuật mổ sỏi thận của tôi lúc đó hết khoảng 10 triệu. Gia đình thì nghèo, ăn còn chưa đủ nên vợ tôi phải di vay anh em, bạn bè rất vất vả mới gom được từng đó tiền. Lần thứ 2 tôi phải vào Bệnh viện Bạch Mai thì phải ở đó mất khoảng 4 ngày, viện phí cũng lên tới 5, 6 triệu đồng chứ chả ít".

Từng đó số tiền phải bỏ ra sau hai lần nhập viện liên tiếp, gia đình anh Quế lâm vào cảnh kiệt quệ. Thế nhưng hai vợ chồng anh vẫn cứ động viên nhau: "Thôi, sức khỏe mới là quan trọng nhất. Khỏe rồi sẽ làm để lấy tiền trả nợ. Cháo húp quanh, công nợ trả dần, lo gì". Thế nhưng, vợ chồng anh chưa lạc quan được mấy hồi vì chỉ khoảng 2 ngày sau đó, tình trạng sức khỏe của anh Quế lại diễn ra y như lần thứ 2 nhập viện. Lần này, anh cũng sốt cao, cơ thể như một cái máy mà chả bộ phận nào liên quan đến bộ phận nào. Trước tình trạng đó, gia đình lại một lần nữa cắn răng đưa anh quay trở lại Bệnh viện Bạch Mai. Lần thứ 3 phải nhập viện trong thời gian chưa đầy một tháng, anh Quế được xác định bị nhiễm trùng đường máu và phải ở lại viện điều trị thêm một đợt gần một tuần. Số tiền chi phí cho lần nhập viện thứ 3 cũng lên tới gần 10 triệu.

Giấy ra viện của anh Quế do bác sĩ Đỗ Việt Hùng ký.

Sau lần thứ 3 xuất viện, sức khỏe của anh Quế vẫn không sao bình phục như trước. Anh Quế vẫn liên tục mắc chứng khó đi tiểu và mỗi lần đi thì rất buốt. Mặc dù vậy nhưng gia đình anh Quế đã không dám đưa anh quay trở lại bệnh viện Bạch Mai để thăm khám thêm một lần nào nữa. Bởi vì, "những chỗ vay được thì đã vay cả rồi. Vay mà chưa giả được thì đời nào người ta dám cho mình vay nữa" - anh Quế nói mà như khóc. Không có đủ điều kiện để chữa bệnh bằng Tây y, anh Quế quay sang chữa bằng Đông y. Hễ cứ nghe ai đó mách ở đâu có loại thuốc chữa sỏi thận hiệu nghiệm là vợ anh lại tìm đến để cắt về cho chồng. Tuy vậy  bệnh tình của anh Quế vẫn không hề thuyên giảm.

Suốt gần 2 năm, những cơn đau liên tục hành hạ cơ thể anh. Đến khoảng tháng 7/2014, anh Quế đã không còn đủ sức chịu đựng thêm nên đã quyết định quay trở lại Bệnh viện Bạch Mai để khám lại, dù biết rằng mỗi lần nhập viện là mỗi lần gia đình anh lại rúm ró, xiêu vẹo hơn. Lần này vẫn là bác sĩ Vinh khám và chẩn đoán bệnh cho anh. Theo lời của anh Quế kể lại thì bác sĩ Vinh nói với anh là anh bị sỏi cả hai bên thận nên phải tiến hành phẫu thuật thêm một lần nữa để mổ lấy sỏi ra.

Vết mổ sỏi thận cách đó 2 năm.

Anh Quế nhớ lại, lúc đó anh không còn tin vào những phán đoán và cách điều trị của bác sĩ Vinh nữa. Thế nên gia đình tôi quyết định đưa anh vào Bệnh viện 108 khám. Sau khi xét nghiệm và siêu âm thì quả là các bác sĩ ở Bệnh viện 108 cũng bảo tôi bị sỏi cả hai bên thận.

"Nhưng họ lại thông báo cho tôi một tin khủng khiếp, họ bảo là trong niệu quản T của tôi vẫn còn nguyên ống xông", anh nói.

Khuôn mặt xương xẩu, dáng người gầy gò yếu ớt, dù mới xấp xỉ 40 tuổi nhưng trông anh Quế chẳng khác mấy một ông già 70. Có lẽ một phần do bệnh tật hành hạ suốt mấy năm qua, một phần vì nghĩ đến món nợ ngày càng phình to ra đã làm sức khỏe của anh trở nên suy kiệt. Lần nhập viện này, mọi sinh hoạt của mình anh Quế đều phải nhờ tới người anh rể tốt bụng.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, đôi mắt anh Quế ngấn nước: "Cực chẳng đã tôi phải nhờ anh rể xuống giúp đỡ mình. Ai chả muốn đi viện sẽ có vợ ở bên chăm sóc, nhưng nhà tôi không thể đi cùng được vì còn phải lo kiếm tiền nuôi con rồi xoay tiền cho chồng đi viện. Khốn khổ lắm. Gia đình tôi giờ kiệt quệ rồi".

Lâm cảnh kiệt cùng vì bác sĩ tắc trách

Đã nhiều năm rồi, gia đình anh Quế luôn nằm trong diện hộ nghèo của địa phương. Vợ chồng anh chỉ là những người nông dân một nắng hai sương. Thế nhưng kể từ khi mắc bệnh sỏi thận, sức khỏe anh Quế suy giảm rõ rệt. Vừa không có sức khỏe lại vừa phải chạy vạy vay mượn để chữa bệnh nên gia đình anh đã nghèo lại càng nghèo kiệt hơn.

Ngồi cạnh người em rể, ông Nguyễn Như Tỉnh chia sẻ: "Hoàn cảnh nhà chú Quế đáng thương lắm. Chú ấy sức khỏe yếu nhưng vẫn phải cáng đáng nuôi mẹ già hơn 90 tuổi và hai con nhỏ. Cô chú ấy sinh được hai đứa con, một gái một trai nhưng chẳng may thằng cu lại bị câm điếc bẩm sinh. Nhìn cái cảnh đó thương tâm lắm".

Vì sức khỏe có hạn nên anh Quế không thể tiếp tục công việc đồng áng cùng vợ. Mọi việc trong gia đình vợ anh Quế đều phải một mình cáng đáng. Sau nhiều lần bàn đi tính lại vợ chồng anh đã quyết định nhượng lại mấy sào ruộng cho anh em, còn vợ chồng anh chuyển lên thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) làm ăn buôn bán. Tại đây anh chị đã thuê nhà và bán cháo dinh dưỡng. Rời quê kiếm kế sinh nhai, anh chị buộc lòng phải để lại mẹ già và người con gái lớn ở quê. Con gái lớn của vợ chồng anh Quế sinh năm 1998 phải tự lo lắng cho bản thân và chăm sóc bà nội.

Sức khỏe bỗng dưng giảm sút đột ngột nhưng anh Quế vẫn không nghĩ đến chuyện đi bệnh viện khám. Anh bảo: "Nhà mình nghèo quá nên cố chịu được thêm ngày nào hay ngày đó để vợ con đỡ khổ. Vì thường xuyên đau buốt ở bụng dưới, đi tiểu tắc không ra. Có lần đi tiểu ra một viên sỏi nên tôi cũng đoán được là mình mắc bệnh gì rồi".

Đến khoảng giữa năm 2012, vì không còn chịu đựng nổi những cơn đau liên tục hành hạ nên anh quyết định xuống Bệnh viện Bạch Mai để khám. "Tôi đi viện cũng chả có mấy đồng giắt lưng đâu, chủ yếu vẫn phải di vay giật anh em. Xuống Bệnh viện Bạch Mai, sau khi khám và làm hết các xét nghiệm, bác sĩ bảo tôi mắc sỏi thận và phải tiến hành phẫu thuật để lấy sỏi ra".

"Vì chữa bệnh cho con trai, nuôi con gái ăn học, cộng thêm chi phí chữa bệnh cho mình từ đó đến nay mà vợ chồng tôi vay mượn khắp các anh chị em ở quê và chế độ được vay của ngân hàng đã lên tới hơn 30 triệu đồng. Số tiền đó quả là lớn với chúng tôi và chẳng biết đến bao giờ có thể trả hết nợ trong khi sức khỏe mình ngày một yếu và lần này còn phải vào viện mổ lấy ống xông ra nữa. Các bác sĩ nói, nếu thận có sỏi, muốn lấy sỏi ra thì còn phải mất chi phí" - Anh Quế lo lắng cho biết.

Anh Quế mếu máo: "Gần 2 năm qua tôi phải chịu biết bao đau đớn và tốn kém bao nhiêu tiền bạc cũng chỉ vì sự cẩu thả của bác sĩ. Tôi muốn bác sĩ Vinh và Bệnh viện Bạch Mai phải thực hiện miễn phí ca phẫu thuật sắp tới cho tôi. Tôi cũng muốn bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho tình trạng sức khỏe của tôi trong suốt gần 2 năm qua. Hoàn cảnh tôi bây giờ chả khác nào "chó cắn áo rách". 

 

Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Thị Hương Giang cho biết: "Việc có ống xông trong niệu quản của anh Quế là có thật. Chúng tôi đã hỏi các bác sĩ và kỹ thuật viên khi thực hiện kíp mổ đó thì họ nói rằng có đặt ống xông trong niệu quản anh Quế sau khi thực hiện xong ca phẫu thuật. Sau đó họ có hẹn anh Quế quay lại để lấy ống xông ra. Không biết có phải vì bệnh nhân khi vào viện quên mang giấy xuất viện hay không nên các bác sĩ khi khám lại đã không biết việc có ống xông trong niệu quản anh Quế. Hiện, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết và sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất. Sự việc đúng sai thế nào còn phải chờ vào những giấy tờ của anh Quế mang đến".

 

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/nguocsang/dendodo/2014/8/188760.cand

Theo Ngọc Anh/Báo Cảnh Sát Toàn Cầu

Bạn có thể quan tâm