Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết,cả nước hiện có hơn 5.000 xe buýt (Hà Nội gần 2.000 xe, TP.HCM gần 3.000 xe và các địa phương khác vài trăm xe). Việc VinBus đầu tư thêm 3.000 xe sẽ giúp số lượng xe tăng tới 40% năng lực vận chuyển, tạo nên một diện mạo mới cho dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt.
- Tập đoàn Vingroup vừa công bố thành lập Công ty VinBus và sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất, bắt đầu từ tháng 3/2020. Điều này sẽ tác động thế nào đến lĩnh vực vận tải hành khách công cộng tại đô thị, thưa ông?
- Qua nhiều năm, loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM mới chỉ đáp ứng được 7-8% nhu cầu đi lại, vẫn còn xa mục tiêu đưa vận tải hành khách công cộng thành phương thức vận tải chủ lực trong đô thị.
Việc Tập đoàn Vingroup thành lập Công ty VinBus và triển khai 3.000 xe tại 5 thành phố sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ năng lực vận tải công cộng. Chương trình đầu tư cho xe buýt lớn nhất cho đến nay là chương trình đầu tư 1.318 xe ở TP.HCM và thứ hai là chương trình đầu tư 500 xe ở Hà Nội. Cả 2 chương trình lớn này chưa đến 2.000 xe, vậy mà lần này Vingroup triển khai 3.000 xe, nghĩa là mức đầu tư rất lớn.
Như vậy VinBus sẽ chiếm một tỷ trọng đáng kể và sẽ tạo ra một cú hích lớn, thậm chí là tạo ra sự thay đổi về chất chứ không chỉ đơn thuần tăng lên về số lượng.
Ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao về mô hình xe buýt điện của VinBus. |
- Ông có thể nói rõ hơn “sự thay đổi về chất” là như thế nào?
- Cả nước hiện có hơn 5.000 xe buýt (Hà Nội gần 2.000 xe, TP.HCM gần 3.000 xe và các địa phương khác vài trăm xe). Việc VinBus đầu tư thêm 3.000 xe sẽ giúp số lượng xe tăng tới 40% năng lực vận chuyển, tạo nên một diện mạo mới cho dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt.
Khi xe buýt có chất lượng tốt, dịch vụ tốt, số lượng sẵn sàng thì người dân tực khắc chọn lựa. Nếu gắn với quá trình phát triển đường sắt đô thị thì lực lượng xe buýt này sẽ góp phần hình thành mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức, chất lượng tốt và thân thiện môi trường.
- Theo ông, xe buýt điện có phải là bước tiệm cận của vận tải công cộng Việt Nam với thế giới?
- Sử dụng xe buýt điện như Vinbus thì phát thải trực tiếp trên đường gần như bằng không, từ đó giúp kéo giảm phát thải ô nhiễm môi trường, góp phần giúp đô thị sạch hơn, thân thiện hơn.
Việc chúng ta đưa xe buýt điện vào thực tiễn là bước đột phá, là điểm mở đầu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, tiến tới tiệm cận chuẩn mực của thế giới, vì xe buýt điện là xu hướng tất yếu của tất cả đô thị trên thế giới. Có thể chúng ta đi sau một chút, nhưng với sự tham gia của Vingroup, thì chúng ta sẽ tạo ra tính bền vững của dịch vụ vận tải thân thiện với môi trường.
- Bước đi của Vingroup như vậy có gợi mở gì cho xu hướng giao thông xanh ở Việt Nam, thưa ông?
- Tôi cho rằng cách tiếp cận của Vingroup trong việc xây dựng một hệ sinh thái ở đây không chỉ là giao thông xanh mà tất cả sản phẩm khác, từ không gian sống cho đến các dịch vụ có liên quan thì đấy là cách tiếp cận hình thành nên một hệ sinh thái bền vững.
Đây cũng là động lực hấp dẫn những doanh nghiệp khác, các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, cần có sự chung tay hợp tác về mặt cơ chế chính sách, về mặt điều kiện, rất nhiều thứ từ phía chính quyền địa phương. Nó sẽ tạo ra mô hình phối hợp công - tư tiêu biểu để các địa phương và các doanh nghiệp tư nhân khác tham khảo trong việc mang lại giá trị cho cả một không gian sống, cho cộng đồng, cho cả một thành phố.
“Tôi đánh giá cao cách tiếp cận có tính chất vì cộng đồng của Vingroup trong mô hình hình thành công ty VinBus. Ở Việt Nam, Vingroup là đơn vị tiên phong trong việc hình thành nên dịch vụ vì lợi ích chung của cộng đồng, điều thường thấy ở doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.