Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Buông súng lúc này, công sức thời gian qua sẽ đổ sông đổ biển'

Phó bí thư Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đang lên kế hoạch để kiểm soát dịch đến 15/9. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần chuẩn bị tinh thần "trường kỳ kháng chiến", kể cả sau 15/9.

Gian cach xa hoi o TP.HCM anh 1

Mở đầu bài phát biểu hơn 30 phút tại họp báo sáng 13/8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi (Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19) dẫn lại câu nói "xin người dân lượng thứ" của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ông cho biết 2 tuần vừa qua, các lãnh đạo, các cấp, ngành của thành phố đã nỗ lực thực hiện lời hứa với người dân, khắc phục hạn chế, "sửa lỗi" của mình.

Ông chia sẻ công tác phòng, chống dịch Covid-19 chỉ có thể thành công khi người dân tự giác trong việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng, kết hợp với những biện pháp quyết liệt từ phía chính quyền.

Bên cạnh đó, Phó bí thư bày tỏ sự trân trọng với lực lượng tuyến đầu vì sự lăn xả, hy sinh trong suốt 2 tháng qua. Thành phố sẽ có chính sách thỏa đáng để ghi nhận.

Chuẩn bị tâm lý giãn cách dài hơn mốc 15/9

Thông tin về nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca dương tính còn cao, trường hợp cần điều trị vẫn nhiều hơn so với năng lực của hệ thống y tế, dẫn tới quá tải, số ca tử vong cao. Từ thực tế này, thành phố đặt ra nhiệm vụ ngăn nguồn lây, giảm tỷ lệ trở nặng và tử vong.

Bên cạnh đó, "vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 của thành phố còn nhiều nên phải nỗ lực "xanh hóa".

Từ nay đến 15/9, thành phố cố gắng chuyển biến tình hình như mục tiêu mà Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra. Nghị quyết giao Bộ Y tế xác định tiêu chí "kiểm soát tình hình" và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Theo tinh thần này, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện đến 15/9 theo hướng tiếp tục giãn cách xã hội trên tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Gian cach xa hoi o TP.HCM anh 2

TP.HCM sẽ phân định vùng xanh, vùng đỏ để có giải pháp cụ thể. Ảnh: Phương Lâm.

Ông cho biết thành phố sẽ rà soát lại các khu vực phong tỏa, đồng thời, phân định vùng xanh, vùng đỏ để có giải pháp cụ thể.

"Chúng ta phải nhìn nhận tình hình đang diễn biến phức tạp, không phải để bi quan hay hoang mang mà để thấy chuyện này sẽ còn kéo dài. Chúng ta phải chịu khó, có tinh thần, tâm lý 'trường kỳ kháng chiến', trước mắt là đến 15/9, thậm chí chuẩn bị tâm lý dài hơn ở những cấp độ khác nhau", Phó bí thư cho hay.

Ông dẫn chứng nhiều thành phố lớn trên thế giới sau khi đạt đỉnh dịch vẫn cần thêm một khoảng thời gian dài để kéo giảm số ca nhiễm, cải thiện tình hình.

Giảm số ca tử vong

Phó bí thư Phan Văn Mãi khẳng định trọng tâm chống dịch 30 ngày tới của TP.HCM là điều trị để giảm tử vong với 2 trụ cột.

Thứ nhất là việc chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng (home-based care) với 5 yêu cầu: Nắm chặt danh sách F0 tại xã, phường, thị trấn, ai ở nhà, ai ở khu thu dung; mỗi F0 phải có bác sĩ, tư vấn viên, cán bộ y tế thăm hỏi sức khỏe tại nhà; mỗi F0 có một suất thuốc do Bộ Y tế chỉ định và triển khai; y tế cơ sở phản ứng nhanh trong trường hợp F0 có triệu chứng; hệ thống hóa lại toàn bộ ứng dụng công nghệ và kết nối với các tầng điều trị.

Ông Mãi cho biết việc này sẽ tác động đến 80% F0 trong chiến lược điều trị giảm tử vong. Đây là điểm mới.

Thời gian qua ngành y tế đã triển khai chăm sóc F0 tại nhà, nhưng sắp tới TP sẽ thực hiện đồng bộ và mạch lạc hơn. TP đặt mục tiêu quản lý được 80% F0 theo hình thức này và có thể lên tới 90%, chỉ còn 10% cần điều trị, trong đó chỉ 5-7% chuyển nặng.

Gian cach xa hoi o TP.HCM anh 3

TP.HCM lập chiến lược điều trị mới với 2 trụ cột. Ảnh: Duy Hiệu.

Trụ cột thứ 2 là điều trị từ tầng 2 đến tầng 5, trong đó, mấu chốt là oxy. Thành phố sẽ rà soát lại nhu cầu oxy để người dân được sơ cấp cứu sớm, khi có triệu chứng thì được tiếp cận oxy, thuốc. Bộ Y tế quyết định và triển khai đồng bộ việc chỉ định dùng thuốc. Hệ thống bệnh viện dã chiến quận, huyện, trung tâm hồi sức phối hợp tổ chức lại nguồn lực để thực hiện trụ cột điều trị tại viện.

Như vậy, cốt lõi trong chiến lược điều trị giảm tử vong thời gian tới là điều trị tại viện và chăm sóc F0 tại nhà.

Sẵn sàng cho gói an sinh xã hội lần 3, 4

Để chuẩn bị cho giãn cách xã hội kéo dài, thành phố đảm bảo an sinh xã hội, cả về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm, không căng thẳng về tinh thần. Thành phố sẵn sàng cho gói an sinh xã hội lần 3 và lần 4. Nếu giãn cách kéo dài đến 15/9 hoặc lâu hơn thì thành phố cũng sẽ có hình thức để đảm bảo chăm lo cho người dân.

Ngoài ra, thành phố quan tâm hơn đến việc đáp ứng hàng hóa thiết yếu của người dân, đặc biệt người có nhu cầu riêng biệt trong sinh hoạt hàng ngày như người bệnh, phụ nữ...

Gian cach xa hoi o TP.HCM anh 4

TP.HCM nghiên cứu từng bước mở cửa nền kinh tế khi tình hình diễn biến tốt hơn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Lãnh đạo thành phố cam kết đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân và quản lý giá cả. Ông Mãi thừa nhận thực tế giá cả của một số mặt hàng khan hiếm thời gian qua như thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, kể cả dịch vụ mai táng, có lúc, có nơi tăng giá. Thành phố sẽ tiếp tục vận động để người dân chia sẻ.

Về kế hoạch sản xuất, duy trì hoạt động doanh nghiệp, từng bước mở cửa, trước mắt, thành phố đảm bảo sản xuất mặt hàng thiết yếu để cung cấp cho sinh hoạt. Thành phố tính toán nếu diễn biến tốt hơn thì phải mở cửa nền kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch.

"Đã chịu đựng rồi, đã hy sinh rồi thì cố gắng làm sao sự hy sinh đó đạt kết quả, còn nếu lúc này buông súng, không kiên trì nữa thì kết quả thời gian qua sẽ 'đổ sông đổ biển', kéo dài thì cuối cùng chính người dân sẽ phải gánh chịu", Phó bí thư chia sẻ và kêu gọi người dân tiếp tục đồng lòng, tuân thủ các biện pháp giãn cách của thành phố trong thời gian tới.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.

Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8.

Từ 27/4 đến sáng 13/8, TP.HCM ghi nhận 137.008 ca nhiễm, hơn 3.800 ca tử vong.

Bên trong bệnh viện dã chiến đầu tiên của quận Phú Nhuận "Việc các quận lập thêm bệnh viện dã chiến là rất thiết thực, góp phần tiếp nhận sớm người bệnh có dấu hiệu nặng", ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định.

TP.HCM tiêm hết vaccine do Bộ Y tế phân bổ, triển khai tiêm Sinopharm

Ông Dương Anh Đức cho biết hầu hết vaccine do Bộ Y tế phân bổ đã được TP.HCM tiêm hết. 1 triệu liều vaccine Sinopharm đã được thẩm định xong và sẽ tiêm cho người dân.

TP.HCM sẽ chia 2 giai đoạn chống dịch, tiếp tục Chỉ thị 16 sau 15/8

"Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài, số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số tử vong cao", Phó chủ tịch Dương Anh Đức nói.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm