Gần 1 tháng qua, nhiều người dân đổ xô đến nhà vợ chồng nông dân Lê Hồng Phú và chị Đàm Thị Loan (ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) để chiêm ngưỡng cây chuối trổ buồng với hơn 350 nải.
Chị Loan cho biết cây chuối của gia đình là giống chuối cô đơn. Hai năm trước, lúc đi chơi ở miền Bắc, nghe tên cây chuối khá lạ, chồng chị đã mua về trồng thử. Không ngờ từ lần đầu tiên, cây đã trổ 150 nải, đến nay thì số lượng tăng lên hơn 350 nải và tiếp tục phát ra thêm.
Vợ chồng anh Phú, chị Loan bên cây chuối trăm nải. Ảnh: Phạm Trường. |
"1 tháng trước, cây chuối trổ buồng và hiện dài hơn 2 m với hơn 350 nải. Hoa chuối tiếp tục phát triển, dự kiến cây cho gần 500 nải”, chị Loan nói.
Thân cây chỉ cao khoảng 3,5 m, đường kính khoảng 30 cm trong khi buồng chuối đã khá dài nên vợ chồng chị Loan phải chống trụ để cây không ngã. Hiện những nải chuối đầu tiên đã bắt đầu chín nhưng phần hoa bên dưới còn phát triển. Vợ chồng nông dân này đã lên kế hoạch đào hố xuống đất để buồng chuối tiếp tục cho quả.
Buồng chuối ra tới 350 nải và tiếp tục ra thêm. Ảnh: Phạm Trường. |
Chủ nhân cây chuối lạ cho biết việc trồng, chăm sóc cây chuối không có gì khác giống chuối khác. Chỉ cần trồng ở nơi mát mẻ, đủ độ ẩm là cây phát triển.
Đầu tháng 10, cây chuối của gia đình nông dân Nguyễn Tuấn ở tỉnh Quảng Ngãi cũng trổ buồng với hơn 120 nải, dài 2,5 m.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây trồng cho hàng trăm nải có thể do đột biến gen, kết hợp với môi trường sinh thái, quang hợp tốt nên tác động đến năng suất buồng chuối tạo ra nhiều quả. Đây còn gọi là hiện tượng biến dị của cây trồng.
Xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh, chấm xanh). Ảnh: Google Maps. |