Khi chiến đấu cơ Đài Loan bay qua không phận huyện miền Đông Hoa Liên tuần trước, ông Ou Mulin, chủ nhân một trang trại bưởi, nhẩm tính thiệt hại từ lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đại lục.
Để đáp trả chuyến thăm tới Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 2-3/8, Bắc Kinh một mặt tổ chức các cuộc tập trận lớn bao quanh đảo Đài Loan, mặt khác cấm nhập khẩu một số sản phẩm trái cây và thủy sản từ hòn đảo này.
Về tổng thể, tác động của các biện pháp trừng phạt lên nền kinh tế Đài Loan khá hạn chế. Dù vậy, nhà sản xuất các sản phẩm có tên trong danh sách cấm nhập khẩu như ông Ou đang phải lãnh đủ.
“Các đơn đặt hàng từ đại lục đã bị hủy bỏ. Bưởi của chúng tôi không có cách nào đến được đó”, ông Ou nói với AFP.
Mất đường xuất khẩu
Trang trại của ông Ou ở huyện Hoa Liên thông thường xuất khẩu khoảng 180 tấn bưởi mỗi năm sang đại lục. “Các khách hàng đang chờ bưởi, nhưng chúng tôi không thể làm gì”, ông phàn nàn.
Các nông dân Đài Loan đang phải tập làm quen dần với các lệnh cấm nhập khẩu của Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc thường viện dẫn các nguyên nhân về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật khi ban hành các quyết định này.
Ông Ou bên trang trại bưởi của mình ở Đài Loan. Ảnh: AFP. |
Sau khi bà Pelosi tới Đài Loan, Trung Quốc đã quyết định dừng nhập khẩu các sản phẩm họ cam quýt và một số loài cá từ Đài Loan. Nguyên nhân được Bắc Kinh đưa ra là dư lượng thuốc trừ sâu trên hoa quả và dấu vết virus gây bệnh Covid-19 trên bao bì cá đông lạnh.
Hôm 13/6, Bắc Kinh cấm nhập khẩu cá mú của Đài Loan, viện lý do sản phẩm này chứa hóa chất cấm và có nồng độ oxytetracycline vượt ngưỡng quy định. Dù vậy, giới chức Đài Loan cho rằng đây là động thái vi phạm các quy tắc về thương mại và sẽ có tác động tới quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Trước đó, tháng 2/2021, Bắc Kinh tuyên bố ngừng nhập khẩu dứa từ Đài Loan với lý do phát hiện các sinh vật có hại trong mặt hàng này, ngay lúc nông dân Đài Loan đang giữa vụ mùa dứa.
Tại huyện Bình Đông, phía nam Đài Loan, ông Hans Chen, một nông dân nuôi cá mú, cho biết ông sẽ chịu “thiệt hại nặng nề” nếu các lệnh cấm vận không được dỡ bỏ.
Ông Chen là quản lý của một trang trại nuôi khoảng 500.000 con cá mú. Trong đó, 90% thường được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông cho biết lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra mà không có cảnh báo trước, giữa lúc các nhà sản xuất đang phải đối mặt với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
“Mọi người cho rằng tình hình Covid-19 đang cải thiện dần, thị trường Trung Quốc đang dần ổn định và giá cả sẽ tăng trở lại. Qua đó, chúng tôi sẽ thu được lợi nhuận để bù đắp những tổn hại trước đây”, ông nói. “Đây là nguyên nhân chúng tôi đều lo lắng. Tác động của lệnh cấm vẫn rất lớn”.
Theo ông Chen, cơ sở của ông và cả các cơ sở khác đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và sẽ phải đa dạng hóa thị trường.
Bắc Kinh thận trọng
Trung Quốc đại lục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của hòn đảo. Dù vậy, chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn - và cả giới doanh nghiệp - đang thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế để đối phó các thách thức từ Bắc Kinh.
Từ năm 2016, bà Thái đã khởi động “Chính sách hướng Nam mới” để tăng cường quan hệ thương mại với các khu vực như Đông Nam Á, Nam Á hay châu Đại Dương.
Các nhân viên của ông Chen thu hoạch cá mú. Ảnh: AFP. |
Đến nay, Trung Quốc vẫn tỏ ra khá thận trọng khi áp các biện pháp trừng phạt Đài Loan. Ví dụ, Bắc Kinh chưa áp đặt hạn chế với sản phẩm bán dẫn, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Đài Loan, để không gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.
“Trung Quốc khá chọn lọc trong lựa chọn công cụ trừng phạt kinh tế nhằm vào Đài Loan”, bà Christina Lai, nhà nghiên cứu tại Academia Sinica, viện nghiên cứu do chính phủ Đài Loan tài trợ, nói với AFP.
“Họ luôn ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại tới nền kinh tế nội địa và các ngành công nghệ. Bắc Kinh không thể cấm nhập khẩu các sản phẩm quan trọng nhất từ Đài Loan - vật liệu bán dẫn, sản phẩm công nghệ cao hay máy móc”, bà Lai bổ sung.
Theo giáo sư Fan Shih-ping tại Đại học Sư phạm Đài Loan, tác động của các biện pháp cấm vận với nền kinh tế Đài Loan “rất hạn chế”. Dù vậy, những người nông dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh cấm không nghĩ vậy.
“Chúng tôi đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền, nếu họ có cách nào đó để giúp đỡ”, ông Ou nói. “Chúng tôi sẽ phải tìm cách bán hàng trong nội địa. Đây là một khó khăn lớn”.
Trong khi đó, chia sẻ với Reuters, ngư dân Rui-Long Zhang bày tỏ hy vọng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan không nổ ra xung đột.
“Chính trị là chính trị, kinh doanh là kinh doanh. Người dân cần phải sống”, ông Zhang nói.