Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buổi sáng đầu tiên tại khu cách ly tập trung

Do lạ giường, gần 5h, tôi đã thức giấc. Tôi nằm yên lắng nghe mọi thanh âm nơi đây. Một cảm xúc thân thương và tự hào dâng trào.

Tinh thần được ổn định, ai cũng cảm thấy như đang ở nhà mình. Tất cả thoăn thoắt sắp xếp đồ dùng xung quanh giường của mình, tận dụng những giá sắt được gá ở đầu giường để đặt các đồ dùng cá nhân, quần áo được treo lên móc áo vừa được phát.

Chỉ quanh quẩn trong phòng và khuôn viên hành lang nên ai cũng ăn mặc đơn giản, chả cần phải điệu đà với ai, chủ yếu toàn diện quần áo thể thao và bộ đồ mặc trong nhà…

Sáng đầu tiên tại “ngôi nhà thứ hai”, do lạ giường, gần 5h, tôi đã thức giấc. Không muốn đánh thức mọi người trong phòng, tôi cứ nằm yên.

Lâu lắm rồi, dễ đến 40 năm mới được nằm lại trên cái giát giường gỗ, quả là đau lưng thật. […] Cái giát giường này nếu như cách đây hơn 40 năm là điều mơ ước của rất nhiều người sinh viên chúng tôi. Chỉ cần có một chỗ để đặt được một cái giường có giát, có chiếu trải lên là cuộc đời thấy sáng lung linh rồi.

Những mơ ước cỏn con đó đâu phải dễ đạt được, đó là tích cóp của biết bao thúng thóc, giỏ ngô, gùi sắn nhà nông hay của bao giờ miệt mài, vất vả trên những cỗ máy, công trường, bục giảng… của những ông bố bà mẹ chúng ta.

Những bàn chân, bàn tay gân guốc, chai sạm, chằng chịt vết xước, mốc meo theo từng tháng ngày… dấu ấn của sự chịu đựng, hy sinh cho tương lai thế hệ sau.

Và ngay cả bây giờ khi tôi sợ, chê bai cái giát giường cứng này, nhưng bao người mong được có nó, rồi còn phải nhường nó cho những người như chúng tôi nơi cách ly?

Vụt đến cảm giác xấu hổ về thói quen hưởng thụ, chịu đựng kém cỏi của mình, tôi tự lẩm bẩm mắng thầm bản thân. [...]

Khu cach ly tap trung anh 1

Buổi sáng yên bình tại một khu cách ly tập trung. Ảnh: Chí Hùng.

Ánh sáng điện ngoài hành lang bỗng vụt tắt. Tò mò liếc qua khe cửa, ôi kìa, các tia sáng ban mai đang thập thò trên ngưỡng cửa.

Ban mai của miền quê dường như nhẹ nhàng hơn, ngập ngừng hơn so với ban mai nơi thành phố ồn ào náo nhiệt. Đón ban mai trong không gian tĩnh lặng, thanh bình như thế, thật giống như những buổi sáng mùa hè ở nhà ông bà ngoại trước kia.

Mọi thứ dường như chậm lại, cả ánh ban mai cũng thế. Chỉ nghe tiếng gió thầm thì, du dương như một bài ca trữ tình thả hồn giữa khung trời rộng mênh mang!

Đúng 6h sáng, “loa phường” lại hoạt động. Tiếng loa phát từ xa nên không gây ồn ào như ở các khu nhà dân. Lúc này vẫn còn quá sớm so với thói quen dậy muộn của những người sinh sống ở nước ngoài.

Trong phòng lặng yên, chỉ có vài chị lớn tuổi dậy nên tôi vẫn nghe được hết các thông tin do phát thanh viên đọc, chủ yếu về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, về chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc đón công dân về tránh dịch.

Nội quy khu cách ly, các quy định, hướng dẫn cách thức rửa tay đúng, cách phòng chống dịch bệnh, giữ gìn an toàn cho bản thân và những người xung quanh, tránh lây nhiễm chéo… luôn được nhắc lại nhiều lần.

Trong thời điểm dịch bùng phát như thế này, việc tuyên truyền đó như một liều thuốc vô hình giúp công dân có ý thức tốt hơn, ghi nhớ các biện pháp, có thể phòng tránh được tối đa sự lây nhiễm, tôi không thấy nhàm chán mà thấy rất bổ ích.

Kết thúc chương trình, một bài hát vang lên với đoạn kết “Yêu lắm Việt Nam ơi, yêu lắm Việt Nam ơi”. Lúc này đây sao thấy yêu Tổ quốc mình đến thế! Từng nhành cây, ngọn cỏ cũng gợi trong tôi một cảm xúc thân thương và tự hào mình là người Việt Nam!

Việt Nam của chúng tôi còn khó khăn về vật chất nhưng không nghèo về tình yêu thương, lòng nhân ái! “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”, câu ca dao đó càng nói lên cái nhân của con người Việt Nam, của những đồng hương thân yêu của tôi.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY