3 ngày trước, N.T.K (12 tuổi) được ba đưa vào bệnh viện thăm mẹ và em trai vừa mới sinh. K. nựng, khen em dễ thương và vui mừng vì từ nay mình đã được làm "anh".
Sáng hôm qua (26/5), thay vì ăn một dĩa cơm tấm trước khi đến trường như mọi lần, K. nói với ba: "Hôm nay ba cho con ăn mì xào nha ba". Vậy là ông Trung (cha của K. ) mua cho con hộp mì xào bò rồi chở đến cổng trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) .
Nhìn theo đứa con trong chiếc áo trắng tinh tươm khuất dần, ông Trung quay xe trở về. Khoảng gần một giờ sau, đang ngồi uống ly cà phê ở quán gần nhà, ông nhận được điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm.
K. bị cây phượng gãy đổ, đè tử vong ngay giữa sân trường khi hộp mì xào vẫn còn đang ăn dở trên tay.
Nỗi đau nào bằng
Trưa nắng gắt, bà Sương (mẹ của K.) được đưa vội vàng từ bệnh viện về trên chiếc băng ca, đi cùng là 2 bác sĩ chăm sóc.
Hai lỗ tai bà Sương vẫn còn nhét bông gòn để tránh gió, thay vì chế độ kiêng cữ, nghỉ ngơi sau sinh, người phụ nữ đang thất thểu đi chân đất, gương mặt xô lại đau đớn.
Bà Sương, mẹ của K. chỉ mới sinh con trai thứ 2 được 3 ngày thì lại mất đi người con trai đầu. Ảnh: Hải Long. |
Tròn 12 năm, hai vợ chồng bà mới sinh thêm đứa con trai thứ 2. "Con tôi (K. - PV) nó ngoan lắm. Thương con quá!", bà Sương ngồi không vững trên chiếc ghế, nói với người hàng xóm đang cầm tay mình.
"Nỗi đau nào bằng mất con. Nó (bà Sương - PV) cứ khóc với không chịu ăn, uống sữa vậy sợ sẽ gục mất", người hàng xóm đứng cạnh thở dài.
Buổi sáng khi đưa thi thể K. từ bệnh viện về nhà, chồng bà Sương ngồi lặng phía sau nhà. Đến gần trưa, ông trở ra cùng mọi người lo lễ tang cho con trai.
"Tôi phải gắng trụ vững vì còn người vợ mới sinh và đứa con vừa chào đời. Tôi vẫn luôn mong có một phép màu xảy ra nhưng điều đó không thể", cha của K. lau nước mắt.
Đến hơn 15h, vợ ông Trung được dìu lên nằm băng ca đưa lên xe cấp cứu rời khỏi đám tang để tránh xúc động mạnh. Người thân, hàng xóm liên tục an ủi người mẹ vừa mất con ráng gượng dậy, giữ sức khỏe để còn có sức chăm đứa bé mới vừa sinh.
Cậu bé ngoan hiền, lễ phép
Bước từ đầu con hẻm đến căn nhà của ông Trung, hỏi bất kỳ người nào cũng đều được nghe nhận xét về K. là đứa trẻ ngoan hiền, lễ phép. Hình ảnh của K. đọng lại trong hàng xóm là một cậu bé mũm mĩm, trắng phau, hay cười.
Bà Hồng (64 tuổi, sống cách nhà K. mấy căn) cho biết từ lúc hay tin, bà bật khóc và bần thần gần cả ngày không làm được gì.
"Nghe ai chớ nghe tới nó tôi thương quá vì nó ngoan dữ lắm. Con nít ở đây thì cũng có đứa này đứa nọ, nhiều đứa nói tục chửi thề, chớ nó thì chưa bao giờ, gặp ai cũng chào hỏi, lễ phép. Ngoan mà ông trời bắt đi sớm quá nên mình thương", người phụ nữ xót xa.
Gia đình ông Trung là hộ cận nghèo. Căn nhà cũ kỹ, trống hoác, mảng tường dán kín những tờ báo giấy đã cũ. Nhưng theo hàng xóm, vợ chồng ông vẫn chăm bé K. kỹ càng, đầy đủ.
Những vòng hoa được các đơn vị mang tới viếng học sinh xấu số. Ảnh: Hải Long. |
Đều đặn mỗi sáng, K. với H., G. đi học cùng nhau. Ba đứa sống gần nhà, nên gắn bó thân thiết.
Buổi sáng định mệnh hôm 26/5, đang ngồi ăn sáng giữa sân trường chuẩn bị vào lớp thì G. chạy đi mua nước, chỉ còn lại K. và H.
K. vui vẻ ăn hộp mì xào ba vừa mới mua cho ban sáng thì bất ngờ, cây phượng bật gốc ngã đè lên người K., H. và 16 học sinh khác.
Kể lại thời điểm xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng cho biết sau khi cây đổ nhiều thầy cô đã tiếp cận K., khi đó, em vẫn còn tỉnh táo.
"Lúc đó, em K. còn tỉnh, được cô giáo cho uống nước, hỏi thăm con có sao không? Con nói con thấy mệt quá thì thầy cô để con nằm xuống và chờ trung tâm cấp cứu đến", ông Phúc kể lại.
Khoảng 20 phút sau vụ việc xảy ra, xe 115 đến thì K. đã mê man. Các y bác sĩ đã hội chẩn cấp cứu hô hấp nhân tạo, chích thuốc, sau đó mới di chuyển đến Bệnh viện An Sinh là cơ sở y tế gần trường nhất. Tuy nhiên, K. đã không qua khỏi.
K. lìa xa cha mẹ và em trai của mình trong một buổi sáng cuối tháng 5, khi vừa trở lại trường học được 3 tuần...