Nói đến toán học, người ta thường nghĩ ngay tới hàng loạt công thức được tạo nên từ những ký tự khô khan. Nhưng trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của môn khoa họ vĩ đại này, có rất nhiều điều thú vị. Cuốn sách Ông hoàng & người đầy tớ của khoa học, được tác giả Xuân Trung biên soạn, sẽ đem tới cho độc giả yêu môn toán những câu chuyện hấp dẫn về người bạn quen thuộc nhưng thật khó hiểu này.
Toán học có từ bao giờ? Không ai có thể trả lời chính xác được câu hỏi này. Từ khi người nguyên thủy biết sử dụng những vũ khí thô sơ như hòn đá, hay cành cây để săn bắt muôn thú, thì trong đầu họ xuất hiện những kiến thức sơ khai về môn toán. Bắt đầu từ việc đếm, sau đó là so sánh số lượng.
Từ khi đó cho đến ngày nay, toán học đã không ngừng phát triển và hoàn thiện mình. Những lý thuyết mới được ra đời, thay thế hay bổ sung cho những lý thuyết cũ còn nhiều thiếu sót. Cứ thế, các lý thuyết cũ và mới bổ sung và làm nền tảng cho nhau, tạo nên một hệ thống lý thuyết Toán học đồ sộ và bài bản như ngày hôm nay.
Các khái niệm như: đường thẳng, đường gấp khúc hay mặt phẳng ngày nay được chúng ta sử dụng rất rộng rãi và phổ biết. Nhưng các bạn có biết rằng các khái niệm này được phát biểu từ hơn 2.000 năm trước bởi nhà toán học lỗi lạc thời Hy Lạp cổ đại, mà cái tên của ông không hề xa lạ với các bạn đọc nhí. Đó chính là Eucid! Vào thời đó, công cụ mà ông có để nghiên cứu về hình học chỉ là vài viên sỏi.
Không chỉ có vậy, Eucid còn xem xét lại gần như toàn bộ những kiến thức toán học từ buổi sơ khai cho đến thời kì ông sống (vào khoảng thế kỉ thứ IV trước Công nguyên) và sau đó sắp xếp lại chúng rất hệ thống. Ông chọn ra các khái niệm cơ bản và mô tả chúng dưới dạng tiên đề. Từ các tiên đề này Eucid tiếp tục xây dựng một hệ thống lý thuyết Toán học phức tạp và bài bản hơn.
Những tác phẩm của Eucid đã trở thành chương trình Hình học mẫu mực trong nhiều trường học trên thế giới suốt hơn 2000 năm qua. Nhưng xung quanh những nghiên cứu mà Eucid đã công bố còn rất nhiều nghi ngờ và bí ẩn. Liệu những bí mật đó là gì? Cuốn sách lý thú này sẽ cho các bạn câu trả lời.
Sách Ông hoàng & người đầy tớ của khoa học của tác giả Xuân Trung. |
Ông hoàng & người đầy tớ của khoa học, đây là một nhan đề đầy mâu thuẫn nhưng phản ánh đúng mối quan hệ giữa toán học và các môn khoa học khác. Nếu không nhờ các kiến thức của toán học như: phương trình, bất phương trình, lý thuyết về tập hợp… thì các ngành khoa học khác, điển hình là: vật lý, hóa học hay sinh học… cũng không thể đúc kết được các công thức riêng cho mình.
Sự phát triển của toán học với việc chứng mình được các minh được các bài toán phức tạp kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khoa học khác như: Thiên văn hay Vật lý học lượng tử. Bởi vậy người ta mới ngợi ca toán học bằng mỹ từ “ông hoàng”.
Nhưng khi một công trình khoa học thuộc một lĩnh vực khác được công bố, người ta lại quên mất vai trò của toán học với hàng ngàn phép tính lớn nhỏ trong đó. Toán học lúc này chỉ được xem như một “người đầy tớ”.
Toán học là một môn khoa học khô khan, nhưng trong Ông hoàng & người đầy tớ của khoa học, tác giả Xuân Trung đã kể một câu chuyện dài đầy thú vị về “người bạn khó hiểu” này bằng thứ ngôn ngữ dí dỏm và thú vị. Các lý thuyết phức tạp của toán học được ông liên hệ với những ví dụ sinh động và gần gũi với đời sống.
Không chỉ có vậy, tác giả còn trình bày những lý thuyết khó hiểu dưới dạng những đoạn kịch ngắn, với lời thoại vui tươi, hài hước. Bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi sẽ không nhận ra môn toán khó hiểu và luôn làm chúng ta đau đầu ở trường nữa, thay vào đó là một chuyến phiêu lưu thú vị, khám phá những điều quen mà lạ!