Kháng kháng sinh (AMR) là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính đến năm 2050, số người tử vong vì kháng kháng sinh có thể lên đến 10 triệu người. Trong đó, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng ngày càng tăng cao. Đây là nguyên nhân không chỉ gây ra bệnh tật, mà còn kéo theo gánh nặng về điều trị và tổn thất kinh tế. Một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng có thể kể đến như viêm mũi xoang, viêm phổi mắc phải cộng đồng, đợt kịch phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, cho biết: “Kháng sinh được xem là một trong những phát minh to lớn của nhân loại. Chúng là vũ khí giúp con người chống vi khuẩn. Tuy nhiên, với tình trạng kháng thuốc hiện nay, các kế hoạch phòng ngừa kháng kháng sinh sẽ được nâng lên thành chiến lược quốc gia”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu. |
Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam, vừa qua, lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình “Hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam 2021-2023”, giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội.
Hợp tác lần này nối tiếp chiến lược dài hạn và kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh của Việt Nam, cũng như đồng hành sáng kiến của Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết tình trạng kháng kháng sinh (AMR).
Tại buổi ký kết, ông Gareth Ward, đại sứ Anh tại Việt Nam, chia sẻ về tình trạng cấp thiết trong việc tăng cường nỗ lực để giải quyết thách thức dài hạn kháng kháng sinh, nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho thế hệ tương lai, nâng cao ý thức sử dụng kháng sinh hợp lý trong cộng đồng. Ông cũng đưa ra thông điệp gần gũi và dễ nhớ: “Yêu là phải nói, đói là phải ăn và uống kháng sinh phải có chỉ định”.
Tại sự kiện, ông Gareth Ward đưa ra thông điệp gần gũi và dễ nhớ: “Yêu là phải nói, đói là phải ăn và uống kháng sinh phải có chỉ định”. |
Thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác, Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Anh và GSK cam kết triển khai các hoạt động hợp tác để đạt được mục tiêu chung nhằm góp phần đẩy lùi kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Các hoạt động gồm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế (bác sĩ, dược sĩ) về kháng kháng sinh và kê đơn kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng; cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị và tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc kháng sinh và vaccine chất lượng quốc tế; tăng cường nhận thức về gánh nặng và hậu quả của kháng kháng sinh, nâng cao hiểu biết về việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong cộng đồng để phòng tránh những diễn tiến phức tạp trong tương lai.
Đại diện GSK cam kết triển khai các hoạt động hợp tác để đạt được mục tiêu chung nhằm góp phần đẩy lùi kháng kháng sinh tại Việt Nam. |
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên, trưởng đại diện GSK tại Việt Nam, cho biết: “Đồng hành với Bộ Y Tế và Đại sứ quán Anh trong cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh, GSK cam kết đóng góp các giải pháp tiếp cận như nghiên cứu độ nhạy cảm của kháng sinh liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng, chia sẻ dữ liệu lâm sàng, hợp tác trong các chương trình đào tạo y khoa liên tục dành cho cán bộ y tế, hỗ trợ nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng về gánh nặng của kháng kháng sinh cũng như các biện pháp phòng ngừa hữu ích cho mỗi cá nhân và cộng đồng”.
Bình luận