Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bước nhảy vọt của ứng dụng AI vào cuộc sống tại Việt Nam

Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế nhận định dù còn thách thức, trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực hứa hẹn với sự phát triển của nhân loại và cũng đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

giai thuong khoa hoc quoc te anh 1

“Trí tuệ nhân tạo (AI) đã vượt qua con người trong nhiều khía cạnh. Trong một số trường hợp, AI đã vượt qua chuyên gia, giúp ta có được sự hỗ trợ đa kênh hơn vào những thời điểm cần ra quyết định”, GS Jennifer Chayes - Phó trưởng khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ), nói trong tọa đàm “Tương lai của AI”.

Tọa đàm “Tương lai của AI” thuộc chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” trong khuôn khổ Tuần lễ Giải thưởng VinFuture. Sự kiện diễn ra trong các ngày 18-21/1 để tôn vinh những phát kiến có thể đem lại tác động thực tiễn và tích cực cho cuộc sống của hàng tỷ người.

Tại tọa đàm, các chuyên gia về AI của thế giới và Việt Nam cùng nhau chỉ ra rằng AI không còn là chủ đề tương lai mà đã được sử dụng phổ biến trong thời điểm hiện tại. Họ đều bày tỏ sự lạc quan về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc cải thiện cuộc sống của đại đa số người dân.

AI phổ biến đến mức “nghiễm nhiên”

“5-10 năm qua, AI đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau”, tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI Research thuộc Tập đoàn VinGroup, nói. Ông nêu ví dụ về những ứng dụng của AI như trợ lý cá nhân, hệ thống giúp điều khiển thiết bị trong nhà. “Nhiều người đang sử dụng AI một cách nghiễm nhiên mà họ không nghĩ tới đó là AI”.

Ông Hưng nhận định dù chưa đạt được quy mô đại trà, toàn bộ hệ thống công nghệ hiện nay đã hoạt động trơn tru hơn. “Xe tự hành đã ứng dụng AI giúp con người lái xe an toàn hơn, đặc biệt là trong điều kiện nguy hiểm mà con người không tiện cầm lái”, ông Hưng nói.

giai thuong khoa hoc quoc te anh 2

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI, trực thuộc công ty VinTech, phát biểu trong tọa đàm. Ảnh: Thạch Thảo.

Trong khi đó, bà Chayes chỉ ra rằng việc ứng dụng trong y học đã mang lại nhiều tác dụng tích cực như giúp sớm chẩn đoán bệnh hoặc đọc phim chụp để tầm soát ung thư.

GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, cho biết thêm AI có thể được dùng để phát hiện các công dụng mới cho các loại thuốc đã có sẵn. “AI có thể mang lại lợi ích cho nhiều ngành khác, cũng như những phát kiến trong vật lý của Issac Newton đã khơi gợi cảm hứng cho các nhà khoa học trong những lĩnh vực khác”.

Trước sự trỗi dậy và phổ biến của AI, nhiều người trên thế giới đã có thái độ nghi ngại vì sợ trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua con người. “Nhưng tôi và các chuyên gia khác cho rằng chúng ta còn cách điều này rất xa”, bà Jennifer nói. “Một hình siêu trí tuệ có hàng trăm tỷ thông số lúc này cũng chưa thể bằng khả năng của một đứa trẻ”.

Đồng tình, tiến sĩ Xuedong David Huang từ Microsoft cho biết AI có thể rất giỏi ở các nhiệm vụ đơn lẻ và được trình bày rõ ràng như nhận diện khuôn mặt, nhưng chưa thể đạt đến mức nhận thức như con người vì con người có thể kết hợp nhiều giác quan.

Một hạn chế khác của AI là việc các thuật toán đằng sau có thể khoét sâu những thiên kiến của con người do còn phụ thuộc vào các cơ sở dữ liệu có sẵn.

Chẳng hạn, bà Jennifer lấy một ví dụ tại Mỹ cho thấy hai người có cùng hồ sơ sức khỏe nhưng nhận được các cách đối xử khác nhau vì những định kiến ngầm của thuật toán.

Tuy nhiên, vấn đề này không phải không thể được khắc phục. GS Jennifer chỉ ra rằng vài năm trước, bà và các cộng sự đã có thể nghiên cứu để đưa ra thuật toán có tính đến thiên kiến của con người. Từ đó, bà Jennifer đề xuất cần đào tạo người viết thuật toán ngay từ sớm để họ nhận thức được những thiên kiến của chính mình.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều bày tỏ sự lạc quan với AI. “AI sẽ mang lại tác động to lớn trong những năm tới. Các thay đổi mà AI tạo ra có thể tác động gián đoạn nhưng cũng sẽ mang lại thời cơ”, ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, bà Jennifer nhận định AI sẽ trở thành cộng sự của nhân loại và giúp con người làm được nhiều hơn. Bà hy vọng sắp tới sẽ được dự hội thảo ở Việt Nam về chủ đề trí tuệ nhân tạo.

AI tại Việt Nam đạt tiến triển lớn sau vỏn vẹn 3 năm

Không chỉ lạc quan về tương lai của AI nói chung, các diễn giả cũng đánh giá cao tiềm năng của AI tại Việt Nam. Theo giáo sư Vũ Hà Văn, việc xây dựng hệ thống AI đòi hỏi hai yếu tố: Bộ dữ liệu sạch và nguồn nhân tài sẵn sàng cống hiến công sức. Trong khi đó, Việt Nam đã có đủ hai yếu tố này.

“Sau ba năm thành lập VinAI, chúng tôi đã làm được nhiều điều”, giáo sư Văn nói. “Nếu có tầm nhìn, chúng ta có thể tạo được sản phẩm giá trị cho người dân Việt Nam”.

giai thuong khoa hoc quoc te anh 3

Tiến sĩ Xuedong David Huang từ Microsoft. Ảnh: Thạch Thảo.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Bùi Hải Hưng nhận định nhân tài là một trong những thế mạnh của Việt Nam trong phát triển AI. Theo ông, trong tương lai, Việt Nam có thể tham gia vào thị trường AI thế giới, không chỉ hưởng thụ mà còn sản xuất ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.

“Trước mắt ta đang thấy tương lai tươi sáng tại Việt Nam ”, tiến sĩ Hưng nói. “Với tầm nhìn, ta có thể làm được”.

Nhớ về hành trình của VinAI trong ba năm qua, tiến sĩ Hưng chia sẻ VinAI được thành lập đúng vào thời điểm các nhân tố như nhu cầu công nghệ, nhu cầu nghiên cứu về AI, nhu cầu về thị trường tại Việt Nam đang đạt “độ chín”.

“Tôi muốn đưa độ chín đó đẩy lên tầm cao mới, tạo kết quả thiết thực cho chất lượng cuộc sống của người dân”, ông chia sẻ.

Ông Hưng tự tin khẳng định VinAI đã trở thành một cơ sở thí nghiệm thuộc top đầu thế giới về AI, xét theo số ấn phẩm công bố hay số hội thảo được mời tham gia. “Tôi cảm nhận rằng bản thân đã làm được điều gì đó rồi để đưa độ chín ba năm trước lên tầm cao mới”, ông Hưng tự hào. “Giờ đây, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa trong đào tạo, giáo dục, tập huấn, tạo ra nhân tài tại chính Việt Nam, nuôi dưỡng, ươm mầm những người Việt Nam thực sự có đam mê và tâm huyết”.

So với các nước có nền khoa học phát triển, khoảng cách về trình độ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam vẫn còn khá lớn. Theo giáo sư Vũ Hà Văn, để thu hẹp khoảng cách này, Việt Nam sẽ cần triển khai đồng bộ nhiều chính sách, từ nâng cao nhận thức của người dân đến hỗ trợ các nhà khoa học.

“Đầu tiên, phải nâng cao nhận thức người dân về giá trị khoa học nói chung. Sau đó, cần mở rộng đầu tư trên lĩnh vực này. Cũng phải có chính sách cơ chế hỗ trợ nhà khoa học trẻ”, ông nói.

“Ví dụ, có thể thiết lập một một nhóm nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu lớn mạnh, thu hút sự hỗ trợ từ bên ngoài cho trung tâm lớn đó”, giáo sư Văn gợi ý. “Nếu có hệ thống mạnh như chúng tôi, có thể thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam. Đây là cách để tiến nhanh cùng thế giới”.

Cuối phiên thảo luận, tiến sĩ Hưng gửi lời động viên tới các nhà khoa học AI tại Việt Nam, cũng như các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi lĩnh vực này.

“Chúng tôi thực sự hy vọng có thể truyền tải đến những người đang làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, AI - hoặc sắp trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này - rằng AI thực sự là một trong những mũi nhọn của khoa học công nghệ hiện tại, và nó có thể mang lại những thay đổi trong tương lai”, ông Hưng nói.

“Đây thực sự là một cơ hội, các bạn hoàn toàn có thể nắm lấy nó. Các bạn cần tự tin vào bản thân và những gì đang làm. Chỉ cần có lòng tin và đặt mục tiêu cao hơn một chút, các bạn sẽ có sự đồng hành của các tập thể, các cơ sở nghiên cứu như VinAI, hoặc các mạng lưới trên thế giới”, ông Hưng tin tưởng.

Vào 20h10 ngày 20/1, Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode…

Để đảm bảo an toàn cho sự kiện tầm cỡ thế giới, ban tổ chức đã có phương án kiểm soát và xét nghiệm Covid-19 cho các khách mời tham gia theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Tiem nang 25 ty USD cua thit nhan tao hinh anh

Tiềm năng 25 tỷ USD của thịt nhân tạo

0

Chính phủ Mỹ đã cấp những giấy phép đầu tiên cho 2 doanh nghiệp bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới làm điều này.

Quốc Đạt - Việt Hà - Giang Trân Nguyên

Ảnh: Thạch Thảo

Bình luận

Bạn có thể quan tâm