Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buộc chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động là lãng phí

Các đại biểu Quốc hội cho biết quy định chụp ảnh khi đăng ký SIM mới là phù hợp, trường hợp SIM cũ đã có danh tính rõ ràng thì không cần thiết và tốn kém.

Nghị định số  49 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, đang gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có quy định buộc phải chụp ảnh chân dung cá nhân nếu không sẽ bị buộc dừng sử dụng thuê bao di động (SIM).

Bên hành lang Quốc hội, sáng 20/6, trao đổi với Zing.vn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng quy định chụp ảnh khi đăng ký sử dụng SIM là động chạm đến quyền lợi người dân.  

“Tôi không biết ý định của Bộ Thông tin và Truyền thông ra sao nhưng mỗi chiếc SIM điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó Luật Viễn thông không quy định nhưng nghị định lại bắt người dân chụp ảnh, không thể có quy định trên luật được”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận. 

Phai chup anh khi mua sim anh 1
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trả lời báo chí. Ảnh: Thắng Quang.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng cho rằng để loại bỏ SIM rác ra khỏi đời sống là cần thiết, cần được ủng hộ. Tuy nhiên, ông cho hay cần có quy định để tạo điều kiện cho người dân chấp hành. Đặc biệt, các quy định đó không nên vượt lên các khuôn khổ quy định khác của luật.

Quan điểm của đại biểu Nhưỡng là vấn đề này cần nên được xem xét lại trên phương diện pháp lý, để đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Nhưỡng tính toán nếu mỗi một người đi chụp ảnh để làm SIM điện thoại hết 20.000 đồng, với hàng chục triệu thuê bao di động thì tốn kém vô cùng lớn.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng quy định chụp ảnh đối với đăng ký SIM mới và chưa rõ ràng về thông tin danh tính phù hợp và cần thiết để quản lý và xử lý SIM rác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chiến cho rằng với quy định này Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng phải có trách nhiệm, quy trình quản lý thông tin, đảm bảo thông tin bí mật của khách hàng.

Ông Chiến phân tích đối với những SIM cũ đã thông tin có rõ ràng rồi thì không cần thiết phải chụp ảnh nữa. Không phải máy móc mà thực hiện rà soát lại toàn bộ vì đã bắt buộc đăng ký theo chứng minh thư.

"Khi các bên giao kết các hợp đồng theo mẫu sẵn, phải bảo đảm nguyên tắc của hợp đồng dân sự, trên tính bình đẳng. Vì vậy, bên cung cấp phải có trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý thông tin khách hàng không để rò rỉ ra bên ngoài. Nếu bị lộ, anh phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật ", ông Chiến nêu.

Nghị định 49 quy định ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo).

Nhà mạng sẽ tiếp tục thông báo và thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện yêu cầu.

30 ngày sau nếu thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

Đăng ký SIM phải chụp ảnh: Có nước còn lấy vân tay

Cục Viễn thông cho biết để đăng ký thông tin thuê bao trả trước, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm