Vốn là công ty chuyên cung cấp tour du lịch nước ngoài cho giới trẻ, IGo hiện nghiên cứu nhiều tour du lịch trong nước, sau hơn 2 tháng "ngủ đông" và vẫn chưa rõ thời điểm đường bay quốc tế được nối lại.
Trong khi đó, Vietravel tái khởi động thị trường du lịch nội địa bằng các gói free & easy (combo dịch vụ vé máy bay và khách sạn) cho đối tượng bạn trẻ thích đi du lịch tự túc. Còn Saigontourist đưa ra mức giá ưu đãi với các tour định kỳ, đồng thời tung ra chùm tour đặc biệt "hành trình theo chân Bác".
Du lịch nội địa cho giới trẻ
Anh Trần Vu Ái, nhà sáng lập IGo nhận thấy du lịch nội địa cho khách trẻ chính là hướng đi duy nhất hiện tại. Hoạt động kinh doanh của IGo gần như đóng băng từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ một số ít tour trong nước còn được triển khai. Nhìn chung, doanh thu sụt giảm đến 95%.
"Tôi nghĩ phải khá lâu nữa các đường bay quốc tế mới ổn định trở lại. Cho đến lúc đó, các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị phương án dự phòng. Hiện IGo đang nghiên cứu và làm việc với đối tác để mở rộng phân khúc du lịch nội địa hướng đến người trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai sớm nhất có thể để quay lại thị trường", anh chia sẻ, đồng thời cho rằng chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp diễn việc kinh doanh, mà còn đáp ứng nhu cầu của một bộ phận bạn trẻ muốn đi du lịch nhưng chưa có đủ điều kiện đi nước ngoài.
Các doanh nghiệp nhắm đến đối tượng khách trẻ để đẩy mạnh du lịch trong nước. Ảnh minh họa: Philinh_. |
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó giám đốc Ban tiếp thị của Vietravel cũng cho biết sẽ khởi động thị trường du lịch trong nước trước, thông qua các sản phẩm tour trọn gói cho nhóm khách gia đình và gói free & easy (combo dịch vụ vé máy bay và khách sạn) cho nhóm bạn trẻ thích du lịch tự túc.
"Chúng tôi kỳ vọng sau thời gian giãn cách xã hội và chịu nhiều sức ép bởi thông tin dịch bệnh trong và ngoài nước, người dân sẽ mong muốn được thư giãn, nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng tích cực", bà nói.
Để thu hút du khách quay trở lại, những sản phẩm tour này được Vietravel tung ra các mức ưu đãi 25-50% so với trước đây. Đơn cử như combo xe và dịch vụ nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại các khách sạn, resort 5 sao ở Đà Lạt chỉ 890.000 đồng/đêm, ở Phú Quốc chưa đến 2,9 triệu đồng/đêm.
Bên cạnh đó, hãng lữ hành này cũng chuẩn bị giới thiệu chùm tour "tránh nóng" đến các khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với mức giá giảm đến 50% và hệ thống dịch vụ được nâng cấp.
Bà Vân Khanh cho biết, ngay khi Vietravel hoạt động trở lại từ ngày 27/4, đã có khách hàng liên hệ đặt dịch vụ xe và phòng, nhưng số lượng không quá đông. Tuy nhiên, sau dịp lễ 30/4 vừa qua, lượng khách đăng ký tour du lịch trọn gói có dấu hiệu tăng dần. Các điểm đến được du khách lựa chọn nhiều nhất là Bắc Trung Bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Thậm chí, trong lĩnh vực lưu trú, chuỗi khách sạn Oyo cũng cho hay sẽ tiếp tục trao quyền cho các quản lý khách sạn, nhằm gia tăng trải nghiệm địa phương hóa cho du khách, nâng cao chất lượng du lịch nội địa. Hãng đồng thời thiết kế các không gian lưu trú trẻ trung với mức giá hợp lý dành cho đối tượng khách hàng trẻ tuổi ưa thích du lịch tự túc.
Du lịch chuyển biến hậu Covid-19
Theo dự đoán của bà Vân Khanh, 3 xu hướng du lịch sẽ lên ngôi sau dịch Covid-19 là du lịch ở quãng đường gần dưới phạm vi 300 km, du lịch gia đình và du lịch cá nhân. Trong đó, sự an toàn được đặt lên hàng đầu.
Do đó, các sản phẩm sắp tới của Vietravel sẽ được thiết kế để đáp ứng 3 xu hướng này, đồng thời tuân thủ 3 tiêu chí gồm điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và đội ngũ nhân viên được tập huấn an toàn.
Sự an toàn được cho là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với du khách trong thời gian tới. Ảnh: Chí Hùng. |
Đồng tình với quan điểm này, nhà sáng lập IGo cho rằng sự an toàn sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu, hơn cả ngân sách, dù Covid-19 có thể làm giảm thu nhập và chi tiêu dành cho du lịch của người dân.
"Trước đây chúng tôi chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng, mang đến nhiều hình thức lưu trú khác nhau như homestay, nhà nghỉ hoặc các căn hộ độc đáo trên Airbnb. Nhưng từ nay, chúng tôi sẽ điều chỉnh định hướng, ưu tiên các hình thức lưu trú có tính an toàn cao để phù hợp hơn với nhu cầu của du khách sau dịch", anh Trần Vu Ái nói.
Bên cạnh đó, theo ông Dushyant Dwibedy, Tổng giám đốc Oyo Việt Nam, do ảnh hưởng tâm lý sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua, du lịch tự túc sẽ ngày càng được lựa chọn nhiều hơn các tour lớn hay tour trên biển. Do đó, những trải nghiệm cá nhân hóa, thậm chí địa phương hóa trong bối cảnh thúc đẩy du lịch nội địa, sẽ là ưu tiên hàng đầu để thu hút du khách.
"Khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại, chúng tôi thấy có sự tăng nhẹ về số lượng đặt phòng, đến từ khách đi công tác và du lịch nội địa. Sẽ mất một khoảng thời gian nữa để quay trở lại tốc độ phát triển như trước dịch bệnh, nhưng với việc hiện diện ở cả các tỉnh, TP nhỏ lẻ, chúng tôi kỳ vọng tốc độ phục hồi của Oyo sẽ nhanh hơn các khách sạn 4-5 sao", ông Dushyant Dwibedy nhận định.
Về kế hoạch thích nghi trong dài hạn, anh Trần Vu Ái cho rằng doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều phương án dự phòng nhất có thể, bởi ngành du lịch đang khá bị động, phụ thuộc nhiều vào sự thông suốt của các đường bay và cửa khẩu.
Bên cạnh việc đưa ra chương trình khuyến mãi, kích cầu, các doanh nghiệp du lịch, bao gồm lữ hành, lưu trú, vận tải cần có sự liên kết mạnh hơn, thậm chí liên kết với các ngành nghề khác có liên quan như F&B, để sớm hồi phục.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc nhiều đến việc tinh gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự để sẵn sàng "ngủ đông" đến khoảng tháng 8, tháng 9 - thời điểm mà theo anh, có thể là sớm nhất để ngành du lịch có thể ổn định trở lại.