Sáng 23/10, một công nhân tại công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR West) đang kiểm tra các đoàn tàu thì bắt gặp một con gấu đen châu Á ngay bên ngoài nhà ga Tsurugua ở tỉnh Fukui, tây bắc Nhật Bản.
Người đàn ông 56 tuổi này đã thoát nạn trong gang tấc khi bị con gấu tấn công. Song, chỉ khoảng 10 phút sau, chính con gấu đó đã làm gãy chân một công nhân khác ở công trường gần đó.
Bốn ngày trước khi sự việc xảy ra, một con gấu đực bước vào trung tâm mua sắm bốn tầng ở quận Ishikawa lân cận. Con gấu cao 1,3 m núp trong kho trong 13 giờ cho đến khi bị một nhóm săn bắn ở địa phương bắn chết.
Thiếu thức ăn
Yukio Yamagishi, giám đốc cơ quan Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản của thành phố cho biết: "Chúng tôi đã nhận được nhiều báo cáo chưa từng thấy về việc nhìn thấy gấu trong năm nay ở Kaga".
Theo dữ liệu từ Bộ Môi trường, từ tháng 4 đến tháng 9, gấu hoang dã đã được phát hiện 13.670 lần trên khắp Nhật Bản - nhiều nhất trong khoảng thời gian 6 tháng trong 5 năm qua. Ở nhiều khu vực phía bắc, số báo cáo nhìn thấy gấu đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Một bức ảnh cho thấy hai con gấu đang đi bộ trên đường phố ở Shari, Hokkaido, vào tháng 10/2010. Ảnh: AFP. |
Shinsuke Koike, phó giáo sư sinh thái học tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo và phó đại diện của Mạng lưới Gấu Nhật Bản - tổ chức các bài giảng về thúc đẩy sự chung sống của người và gấu - cho rằng có rất nhiều yếu tố đằng sau sự gia tăng xuất hiện của gấu này.
Quả sồi là thức ăn chính của gấu. Tuy nhiên, sản lượng sồi năm nay rất thấp và việc thiếu thức ăn có thể khiến loài gấu tiến gần hơn nơi sinh sống của con người.
Trong khi đó, thế hệ trẻ ở Nhật Bản ngày nay đang chuyển đến sống tại các thành phố nhiều hơn, những người già bị bỏ lại không thể thu hoạch hoa màu hoặc trái cây trồng trong vườn nhà. Chính điều này cũng sẽ cám dỗ những động vật hoang dã đang thiếu thức ăn.
Thiệt hại lớn
Giáo sư Koike cho biết sự bùng phát của virus corona cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của loài gấu. Nhật Bản tuyên bố đóng cửa toàn quốc trong tháng 4 và tháng 5, với nhiều cửa hàng và nhà máy rút ngắn thời gian hoạt động. Người dân được đặc biệt khuyến khích ở nhà trong thời gian này.
Những con gấu có thể đã mở rộng khu vực hoạt động của chúng sau khi không nhìn thấy con người xung quanh trong suốt mùa xuân và đầu mùa hè, theo giáo sư Koike.
Trong một vài trường hợp, những con gấu còn gây thiệt hại tài sản của người dân. Yuki Tasei trồng loại nho mẫu đơn đắt tiền trong trang trại trái cây của mình ở Takahata, tỉnh Yamagata. Những con gấu đã ăn hết 40 kg cây trồng của Tasei trong tháng 10, gây thiệt hại 963 USD. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị gấu tấn công", ông cho biết.
Theo số liệu của chính phủ, gấu gây ra thiệt hại trung bình 410,8 triệu USD cho mùa màng mỗi năm trong khoảng thời gian 1999-2018. Khoảng 572 ha rừng bị tàn phá trung bình hàng năm trong 5 năm tài chính vừa qua, bao gồm cả việc gấu lột vỏ cây khi chúng kiếm ăn.
Ngành giao thông cũng đã có những cuộc đụng độ với động vật hoang dã tại vùng núi. Shoriki Yamazaki, phát ngôn viên của chi nhánh Kanazawa thuộc JR West cho biết: "Rất nhiều động vật hoang dã nhảy ra trước đường tàu hàng năm".
Theo dữ liệu của công ty đường sắt, có 224 trường hợp tàu hỏa bị chậm hơn 10 phút trong 6 năm tài chính vừa qua do va chạm với động vật hoang dã ở khu vực Fukui.
Một số công ty địa phương đang tìm kiếm giải pháp để giữ gấu tránh xa khu dân cư. Ohta Seiki, một công ty có trụ sở tại Hokkaido, đang chờ được cấp bằng sáng chế cho robot "quái vật sói" - robot có thể phát ra tiếng gầm 90 decibel và cử động cổ giống sói.
Robot "quái vật sói" dùng để xua gấu. Ảnh: Reuters. |
Công ty này cho biết khoảng 70 con "sói" đã được bán cho nông dân Nhật Bản trong 3 năm qua.
Một số giáo sư đề xuất chiến thuật nhẹ nhàng hơn: "Điều quan trọng là phải vạch ra ranh giới rõ ràng giữa khu vực của người và gấu, bằng cách cắt tỉa bãi cỏ hoặc loại bỏ các điểm thu hút gấu bao gồm trái cây chưa thu hoạch hoặc thức ăn thừa, để gấu có thể phân biệt nhà của chúng và không vào nhầm nơi ở của con người".