Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bùng nổ chợ phiên nông sản ở Sài Gòn

Ngày càng nhiều người tìm đến những phiên chợ nông sản tại TP.HCM vì tin sản phẩm sạch, an toàn…Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng bán tại các chợ vẫn là dấu hỏi. ​

Theo khảo sát, tại TP.HCM đang có gần 10 chợ phiên nông sản theo hình thức "ai trồng được gì bán nấy". Đa số khách đến chợ do người quen giới thiệu và dựa vào lòng tin.

Từ một nhóm người, vốn là những nhân viên văn phòng khu vực quận 1, 3… mỗi người một quê, mỗi quê có một loại nông sản được nuôi trồng tự nhiên, họ hẹn nhau lập một phiên chợ nhỏ để bán hàng. Phiên chợ diễn ra tại quán cà phê của một thành viên trong nhóm, đều đặn mỗi tuần một buổi họp.

Chung tay góp chợ

Người mang đến giỏ trứng gà ta gửi từ quê lên, người đem rau lang, rau muống nhà trồng, có người mang gà tre từ Phú Yên cùng những loại cây nhà lá vườn như lá giang, ớt, lá é, bột nghệ… Người khác lại mang theo thịt heo, cá hồi nhập từ mối tin tưởng.

Hai, ba chục người ngồi đợi cả buổi sáng để được mua hàng. Và chỉ trong hơn một giờ đồng hồ mọi thứ được bán hết sạch. Mọi người lại hẹn tới phiên sau cách vài tuần nữa, khi gom đủ hàng hóa.

Ở quy mô lớn hơn, nhiều phiên chợ được đặt tên như: Phiên chợ Tâm Dân, Phiên chợ xanh tử tế… những cái tên nói lên mong muốn của người lập ra nó. Phiên chợ Tâm Dân tổ chức tại số 149, Hai Bà Trưng (quận 3). Những người lập ra đặt ý nghĩa “kết nối các nông hộ cam kết sản xuất không hoá chất đến người tiêu dùng đô thị” lên hàng đầu.

Chợ hoạt động với nguyên tắc là minh bạch về sản phẩm. Ban điều phối đứng ra giám sát từng nguồn hàng. Họ gần như là người bảo đảm chất lượng hàng hóa. Điều này khiến lượng người tìm đến chợ ngày một nhiều hơn.

phien cho nong san tai Sai Gon anh 1
Chợ phiên nông sản liên tục mọc lên tại Sài Gòn, thu hút nhiều người. Ảnh:

Phạm Oanh.

Tổ chức tốt hơn có lẽ là Phiên chợ xanh tử tế tại 163 Pasteur (quận 3) vào thứ 7 và chủ nhật của tuần thứ nhất, thứ ba hàng tháng. Chợ gây chú ý bởi người đến đông nghẹt, chen chân để được mua hàng.

Phiên chợ này có sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Trung bình mỗi phiên có khoảng 20 gian hàng bán đủ loại nông sản do nông dân ba miền đem đến chợ.

Đó có thể là đặc sản Trà Vinh, macca Lâm Đồng, nho Ninh Thuận… Có cả rau củ trồng theo hướng hữu cơ được một chuyên gia người Nhật hướng dẫn nhóm nông dân tại Ba Tri (Bến Tre) đem từ vùng trồng lên tiếp thị.

“Thú vị nhất là mua được tận tay những người trồng. Chẳng cần họ giới thiệu nhiều mình ăn cũng thấy khác các loại rau mua ngoài chợ”, chị Minh Thùy (nhà ở đường Phan Xích Long, Phú Nhuận), một khách thường xuyên của chợ chia sẻ.

Theo khảo sát, TP.HCM đang có khoảng 10 chợ phiên nông sản theo hình thức này. Rất nhiều khách đến chợ khi được hỏi đều cho biết lý do hấp dẫn họ là có thể mua hàng trực tiếp từ nông dân. Họ cũng được chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm sạch từ chính người trồng.

Thả nổi giá

Ở các chợ phiên này, giá hàng hóa thường cao hơn 3-5 lần giá sản phẩm cùng loại trong chợ truyền thống. Nếu giá 1 kg rau muống tại chợ truyền thống là 10.000 đồng thì tại phiên chợ xanh đến 50.000 đồng. Giá bí xanh ở chợ 16.000 đồng/kg thì tại chợ phiên là 45.000 đồng/kg.

phien cho nong san tai Sai Gon anh 2
Giá các loại nông sản tại phiên chợ cao hơn 3-4 lần chợ truyền thống. Ảnh: Phạm Oanh

Chị Diệu, chủ một quầy hàng tại chợ phiên, cho biết giá rau chị bán trung bình 80.000 đồng/kg. Trang trại chị rộng 5000 m2, mỗi ngày bán được 20-50 kg. Khách hàng tăng qua các phiên, chủ yếu là khách quen quay lại.

Chị lý giải giá các loại nông sản tại chợ phiên cao hơn bên ngoài là do trồng bằng phương pháp hữu cơ, năng suất chỉ bằng 1/3 bình thường và thời gian thu hoạch dài hơn.

Chị Hà, cũng có quầy hàng tại phiên chợ, cho biết trang trại chính của chị có diện tích 2 ha, chủ yếu là rau củ. Mỗi ngày chị bán 50-100 kg với  giá trung bình 30.000-40.000 đồng/kg.

“Quy trình trồng khó khăn, lại phải bỏ 2/3 sản lượng thu được vì sâu bệnh nên bán giá cao”, chị Hà giải thích.

Một chủ gian hàng nói anh chủ yếu bán rau quả, ngoài ra còn có gà, vịt làm sẵn. Bên cạnh những sản phẩm do trang trại anh trồng, anh cũng nhận bán cho một số hộ gia đình gần nhà.

“Vì là hàng xóm nên mình tin tưởng vào quy trình và chất lượng chứ không có giấy kiểm định”, chủ gian hàng này nhấn mạnh.

Ngoài ra, lợi dụng giá cả cao hơn rất nhiều so với chợ truyền thống, nhiều người mang sản phẩm bên ngoài vào để trộn lẫn bán.

Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp của BSA, một trong những sáng lập viên Phiên chợ xanh tử tế, cho biết thực tế vẫn có tình trạng trà trộn, bán sản phẩm không có trong danh mục đăng ký. Những trường hợp này đã bị cảnh cáo.

Đi chợ vì niềm tin

Để vào bán tại phiên chợ rau sạch, các chủ quầy phải gửi giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn và mẫu thử qua mail. Đồng thời, khi bán sẽ so sánh sản phẩm bán với những mẫu gửi.

Bà Kim Anh cho hay dù rất nhiều gian hàng tại hội chợ không có chứng nhận này kia nhưng câu lạc bộ đã xuống tận nơi sản xuất thẩm định chất lượng, đánh giá quy trình canh tác mới tin tưởng đưa về chợ.

phien cho nong san tai Sai Gon anh 3
 Người tiêu dùng TP.HCM tìm đến các phiên chợ nông sản tổ chức định kỳ với cảm giác tin hàng hóa bán ở các điểm này là an toàn. Ảnh: Thịnh Nguyễn

"Khách mua có xu hướng tin người trực tiếp làm ra các sản phẩm, hơn là các chứng nhận mà sản phẩm có. Thế nên, những phiên chợ mà người mua, người bán giao dịch trực tiếp, mọi thắc mắc của người mua được người bán giải thích bao giờ cũng thuyết phục hơn", bà Kim Anh nói.

Chị Thùy Trang (quận Bình Thạnh), cho biết dù nhà sát chợ Bà Chiểu nhưng chị thường đến phiên chợ này mua rau sạch. Chị biết đến chợ nhờ bạn học chung cũng có gian hàng tại đây. Đến nay chị đã đi được 5 phiên chợ.

“Mình cảm giác thực phẩm đáng tin cậy, và đa số những người bán mình đều quen biết. Giá hàng cao hơn ở chợ truyền thống và siêu thị nhưng phải có sự đánh đổi, không thể đòi hỏi chất lượng cao mà rẻ được. Những ai có điều kiện, ý thức sức khỏe sẽ chấp nhận", chị Trang khẳng định.

Tuy nhiên theo cảnh báo của một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, những chợ phiên hoạt động theo cộng đồng này thường ở quy mô nhỏ lẻ. Việc quản lý chất lượng hàng hóa tại các chợ này chưa được quan tâm.

Mặt khác, nhiều khách hàng đến chợ cũng bày tỏ họ đến vì niềm tin, tin vào những người tổ chức, người nuôi trồng ra sản phẩm, chấp nhận mức giá mua sản phẩm cao hơn rất nhiều giá thị trường.

Đáng chú ý, có những gian hàng không biết có phải vì người mua ngày một đông hay không mà đã điều chỉnh giá tăng liên tục qua từng phiên.

Doanh nghiệp làm sản phẩm sạch khó bán trong nước

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng rất nhiều người tiêu dùng hiện có tâm lý nghi ngờ thực phẩm xung quanh, từ chợ đến siêu thị… bất kể sản phẩm đã được chứng nhận an toàn. Đó là hệ quả của một thời gian dài thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan.

Tình hình xấu đến mức nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm ra thực phẩm theo tiêu chuẩn cao của thế giới, được những thị trường khó tính chấp nhận nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn không tin tưởng. Chỉ khi họ thấy sản phẩm của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài mới thay đổi dần cái nhìn đối với sản phẩm sạch.

 


Nam Thiên - Phạm Oanh

Bạn có thể quan tâm