Bốn năm sau khi thất bại tại ASIAD 17 ở Incheon, Thu Thảo đã giành được tấm HCV nội dung nhảy xa tại Indonesia với thành tích 6,55m. Thành tích này chưa được như kỳ vọng, nhưng cũng đủ giúp cho Thảo "bò vàng" bước lên đỉnh của đấu trường châu lục và đem lại niềm vui vỡ òa cho thể thao nước nhà.
Đây là tấm HCV quý giá không chỉ đối với riêng Thảo mà còn đối với đội tuyển điền kinh cũng như thể thao Việt Nam. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, cuối cùng Thảo cũng đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay.
Nghị lực thoát nghèo
Xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội là một vùng quê thuần nông. Sinh ra và lớn lên tại đây, Thu Thảo đã sớm làm quen với công việc đồng áng. Nhà Thảo thuộc diện nghèo khó nhất xóm. Vì vậy ngay từ khi còn bé, cô gái này đã sớm có ý thức thoát nghèo.
Thu Thảo luôn ước mơ đạt thành tích cao để có tiền thưởng giúp bố mẹ. Bố mẹ Thu Thảo đều làm nghề nông. Bố cô bị thấp khớp đã gần 20 năm nay. Nhà có ba anh em, Thu Thảo là út và cũng là người duy nhất theo nghiệp thể thao.
Thảo sớm bộc lộ năng khiếu thể thao. Năm 13 tuổi, cô bé đã giành giải nhất 3 môn đá cầu, điền kinh, bơi lội của huyện. Mẹ của Thảo quyết định đưa con đi thi thể thao cấp tỉnh.
Thu Thảo có ý thức thoát nghèo từ nhỏ. Ảnh: Minh Chiến. |
Con đường đến với thể thao của Thảo là như thế. Tuy nhiên, do không quen với cường độ tập luyện và bị nỗi nhớ nhà đeo đuổi, Thảo đã bỏ về sau chỉ vài ngày tập. Tuy nhiên, nghe lời động viên của mẹ, thêm vào đó là tình cảm với người bố bị đau ốm, Thảo quyết tâm một lần nữa thử sức với điền kinh.
Lương cho những vận động viên thời đó thấp. Thao được xếp luyện tập vào tổ cự ly chạy dài vốn là "sở đoản". Thương bố mẹ, cô gái quyết định ra ngoài làm phụ hồ tại một công trường xây dựng.
Tưởng chừng sự nghiệp thể thao đã khép hẳn lại với cô gái quê Ba Vì, nhưng cô đã được HLV Nguyễn Trọng Hổ, khi đó là HLV trưởng đội tuyển điền kinh Hà Tây, đánh giá đúng sở trường. Chính thầy Hổ đã chuyển Thảo sang tập nhảy xa, và đó là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất để có Thảo như hiện tại.
Thảo có chiều cao khiêm tốn chỉ 1,65m, với đôi chân không đạt chuẩn của dân nhảy xa. Tại các giải quốc tế, cô luôn là người thấp nhất. Tuy nhiên, cô gái này được bù lại ở sức bật đáng nể, khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là trong những điều kiện gian khó.
Điểm tựa gia đình vững chắc
Từ lúc mới theo nghiệp điền kinh đến bây giờ, Thảo đã nhiều lần bỏ về vì gặp khó trong môi trường mới hoặc vì nhớ nhà. Những lúc như vậy, mẹ của Thảo luôn động viên tinh thần và giúp cô quay trở lại tập luyện.
Thu Thảo đã kết hôn được hơn 3 năm nay, nhưng VĐV này đã tạm gác lại việc sinh con để cống hiến cho thể thao nước nhà. Để có được thành quả như hôm nay, Thu Thảo đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bố mẹ chồng và đặc biệt là chồng mình.
Thu Thảo và chồng. Ảnh: FBNV. |
"Tôi có một người chồng rất thương yêu, thông cảm với công việc và sự nghiệp thi đấu của tôi. Những lúc tôi tập luyện mệt mỏi, anh ấy còn tự nguyện nhận giặt quần áo. Chồng tôi luôn cố gắng giúp đỡ mọi việc, tạo điều kiện cho tôi tập trung tập luyện và có tâm lý thi đấu thoải mái", Thảo chia sẻ.
HLV Nguyễn Mạnh Hiếu, người thầy trực tiếp chỉ đạo Thu Thảo cũng chia sẻ: “Thảo có gia đình rồi. Có những vấn đề gây nên áp lực, nhưng cũng có những thứ rất thoải mái. Thảo năm nay 27 tuổi, đây cũng là một tâm lý rất thoải mái. Chồng Thảo cũng rất động viên và ủng hộ nhiệt tình nên thoải mái về tâm lý, về gia đình”.
Đó là lý do khiến Thu Thảo có thêm một động lực để hướng tới tấm huy chương cao nhất tại ASIAD năm nay: "Tôi muốn giành được HCV để đem về tặng chồng, đó là giấc mơ của anh ấy".
Hiện thực hóa quyết tâm chinh phục đỉnh cao ASIAD
Cách đây 4 năm, cô gái có biệt danh Thảo "bò vàng" suýt chút nữa có thể ẵm được tấm HCV tại Hàn Quốc khi luôn dẫn đầu với thành tích cao nhất 6,44 m trong đợt thi đấu chung kết. Bất ngờ đã xảy ra khi đối thủ người Indonesia nhập tịch, Maria Londa lại có cú nhảy xuất thần đạt thành tích 6,55 m, khiến Thảo đành ngậm ngùi ở vị trí thứ 2 chung cuộc.
Sau nhiều năm thua đối thủ tại ASIAD và SEA Games 2015, Thu Thảo đã nỗ lực tập luyện và được đền đáp xứng đáng khi đánh bại Londa tại tất cả các giải đấu trong năm 2017.
Thảo giành HCB cách đây bốn năm tại ASIAD. |
Năm 2017 thực sự là năm thành công trong sự nghiệp của cô gái quê Ba Vì khi lên ngôi tại hai chặng Grand Prix châu Á, giải vô địch châu Á, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, SEA Games 29.
Tối 27/8, Thu Thảo đã bước vào nội dung nhảy xa nữ với quyết tâm phục thù bốn năm về trước. Thảo đã thực hiện cú nhảy tốt ngay đầu tiên với thành tích 6,55m và tạo một khoảng cách khá lớn với các đối thủ bám đuổi.
Sau 6 lượt nhảy, không có VĐV nào khác có được thành tích tốt hơn và Thảo đã giành tấm HCV ASIAD đầu tiền cho riêng mình và cho cả điền kinh Việt Nam. Đây là một món quà ngọt ngào mà Thảo gửi tới người chồng, người thầy, gia đình và những người luôn theo sát những bước tiến của cô gái bé nhỏ này.