Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức tranh văn hóa năm 2015 qua bình chọn của nhà chuyên môn

Kết thúc một năm với nhiều mảng màu sáng, tối trong bức tranh đời sống văn hóa và giải trí, dưới góc nhìn của giới chuyên môn, nhiều dấu ấn trong năm đã được bình chọn và đánh giá.

Sơn Tùng M-TP.

1. Âm nhạc: Năm của dấu ấn trẻ

Theo nhận định của nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long thì tình hình âm nhạc năm nay không có gì thưc sự nổi bật hẳn lên, nhưng lại là một năm có nhiều khởi sắc và mang đậm dấu ấn trẻ. Những gì đáng chú ý nhất đối với tôi là sự trở lại của chương trình hòa nhạc đường phố Luala concert; lễ hội âm nhạc Monsoon; đêm nhạc Thập kỷ hoan ca của Tùng Dương và đêm nhạc tập hợp 5 nữ danh ca hàng đầu. Cũng năm nay, xu hướng đáng chú ý là các đêm nhạc mang tính gia đình tạo sự gần gũi như đêm nhạc của Bảo Yến - Quốc Dũng; đêm Trần gia Nhã nhạc của gia đình Trần Hiếu - Trần Tiến - Hà Trần. Một sự kiện không thể không nhắc tới, dù khuôn khổ của nó rất giản dị, đó là loạt chương trình Du ca đầy tính văn và đảm bảo chất lượng nghệ thuật do nhạc sĩ Lê Minh Sơn thực hiện giới thiệu trên VTV.

Các nhạc sĩ trẻ mới đã định hình phong cách như: Phạm Toàn Thắng, Phạm Quang Thắng, Dương Trường Giang... tiếp tục có những sản phẩm âm nhạc đáng ghi nhận, trong khi những nhạc sĩ mới hơn đã bắt đầu có những tác phẩm thực sự được giới trẻ đón nhận như: Tiên Tiên, Huyền Sambi...

Sân khấu ca nhạc tiếp tục thu hút nhiều ca sĩ hải ngoại trở về biểu diễn, cho thấy sự cởi mở trong các chính sách quản lý nghệ thuật biểu diễn, đồng thời có sự thay đổi về tư duy trong chính bộ phận các nghệ sĩ hải ngoại. Một mặt nó làm tăng thêm sự phong phú cho đời sống nghệ thuật, mặt khác tăng cường sự gắn kết giữa trong nước với cộng đồng nghệ sĩ Việt kiều.

Hiện tượng Sơn Tùng tiếp tục làm mưa, làm gió thị trường âm nhạc giải trí cho thấy dòng nhạc này vẫn có một sức sống mạnh mẽ. Tuy nhiên, nó cần cuộc bứt phá hơn nữa, nhân văn, đậm dấu ấn giải trí Việt để đáp ứng nhu cầu của công chúng trẻ.

2. Điện ảnh: Dấu ấn của giá trị nhân văn

Một cảnh trong phim Người trở về. Ảnh: TL

Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền thì năm 2015 là một năm đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Đầu tiên là hàng loạt những tác giả trẻ với các tác phẩm điện ảnh đầu tay, như Nguyễn Hoàng Điệp với Đập cánh giữa không trung, Phạm Gia Nhật Linh với Em là bà nội của anh, Cuộc đời của Yến (Đinh Tuấn Vũ) và Người trở về - tác phẩm điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp làm phim của tôi (trước đó, Đặng Thái Huyền ghi dấu ấn ở dòng phim tài liệu và phim truyền hình - pv) đều bất ngờ tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả. Đây là một dấu mốc ấn tượng mà sau rất nhiều năm, các đạo diễn trẻ mới tạo dựng được, bởi trước đó, điện ảnh giống như là một sân chơi của các đạo diễn lão làng. Dấu ấn này có thể chưa hẳn đã định hình nên sự thành công rõ nét nhưng ít ra, nó là một luồng gió mới, mang lại cho khán giả cảm xúc mới mẻ.

Dấu ấn thứ hai như một sự dồn nén trong nhiều năm, khi dòng phim đề cao giá trị nhân văn lên ngôi. Đây là điều để Người trở về trở thành bộ phim về đề tài hậu chiến thu hút được lượng khán giả lớn kỷ lục. Hay như Lửa thiện nhân, bộ phim được làm từ trước đó nhưng không được khán giả chào đón, bỗng chốc tạo nên một hiện tượng cháy vé tại các rạp. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng vậy, bộ phim có cốt truyện không "hot", rất bình dị nhưng nó đánh động vào tình cảm, cảm xúc của khán giả nên đã tạo ra được kỷ lục phòng vé. Hiện tượng này giống như một sự tích tụ sau nhiều năm bị thống lĩnh bởi dòng phim hài giải trí khiến khán giả bội thực.

Bao giờ cũng vậy, sau những cái ồn ào cũng là lúc tâm hồn con người lắng lại để tìm về những giá trị cốt lõi nhất, đó là sự nhân văn trong con người, trong cuộc sống. Chính vì vậy, năm 2016 này, theo tôi vẫn tiếp tục định hình một dòng phim ngợi ca giá trị tốt đẹp này, dù cho ở đề tài nào đi nữa. Với riêng tôi, đó sẽ là một dự án lớn vẫn đi theo đề tài hậu chiến, nhưng kỳ vọng lớn lao hơn. Không chỉ thu hút khán giả như Người trở về, mà còn phải bán được vé, ngang ngửa như với dòng phim thương mại.

3. Mùa bội thu của nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế

Lan Khuê.

Kết thúc một mùa thi Hoa hậu trên đấu trường quốc tế cũng là lúc nhan sắc Việt Nam bất ngờ thăng hạng ngoạn mục khi lần đầu xếp vị trí thứ 8 trong top 10 cường quốc sắc đẹp trong năm 2015.

Trong đó, điều đầu tiên phải kể đến thứ hạng vào top 11 của Hoa khôi Áo dài Lan Khuê tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Ngoài ra, Hoa hậu Thế giới còn tôn vinh nhà thiết kế Lý Quí Khánh với giải thưởng World Designer Award nhờ trang phục thiết kế cho Lan Khuê tại cuộc thi. Đây là thành tích lớn nhất mà Việt Nam đạt được sau nhiều năm tham gia các kỳ Hoa hậu quốc tế.

Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, dù không lọt vào top 15 như kỳ vọng của công chúng nhưng với những gì thể hiện tại cuộc thi, Phạm Hương vẫn được đánh giá là đại diện xuất sắc nhất của Việt Nam tại cuộc thi này.

Trước đó, Á khôi Phạm Hồng Thúy Vân cũng ghi danh tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (một trong 4 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới) với danh hiệu Á hậu 3. Á khôi Áo dài Việt Nam Lệ Quyên cũng có kết quả ấn tượng tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2015. Á hậu Đại Dương 2014 Hà Thu tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2015 - Miss Intercontinental 2015 diễn ra ở Đức cũng ghi dấu ấn với giải thưởng Thí sinh được yêu thích nhất và ghi tên mình vào top 17.

4. Năm buồn của thơ ca

Chưa bao giờ những cuộc tranh cãi về tác quyền thơ ca lại "dậy sóng" như năm 2015. Nhà thơ Phan Huyền Thư dính vào một vụ đạo thơ, khiến báo chí lại một phen tốn không ít giấy mực. Sau nhiều đối chứng được đưa ra, cuối cùng, nhà thơ Phan Huyền Thư đã bị Hội Nhà Văn Hà Nội thu hồi giải thưởng (trao cho tập thơ Sẹo độc lập) và thừa nhận rằng, bài thơ Bạch lộ của chị (xuất bản năm 2014) sau bài Buổi sáng (viết năm 2000) của nhà thơ Thường Đoan.

Trong khi đó, vụ tranh chấp bản quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên mình giữa hai tác giả Ngô Xuân Phúc và Nguyễn Phan Quế Mai đến nay vẫn chưa đi vào hồi kết. Trước đó, bài thơ này vốn được biết là của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, trở nên nổi tiếng khi được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc vào năm 2011. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2015, anh Ngô Xuân Phúc (35 tuổi, quê ở Nghệ An) bất ngờ lên tiếng, mình mới chính là tác giả của bài thơ Tổ quốc gọi tên mình. Đến năm 2013, khi được nghe ca khúc này, anh bắt đầu tìm kiếm thông tin và khẳng định đó là bài thơ được anh viết vào năm 2008. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phan Quế Mai khẳng định, trước khi sáng tác bài thơ, tác giả chưa từng nghe thấy hoặc đọc một bài thơ nào tương tự. Đồng thời, từ tháng 6/2011, bà đã công khai quyền sở hữu bài thơ này trên các phương tiện thông tin đại chúng".

Tuy nhiên, điều khiến công chúng thấy buồn nhất là trong khi vụ việc còn chưa ngả ngũ thì đã có rất nhiều lời lên án của cả công chúng và người liên quan dành cho anh Nguyễn Xuân Phúc. Đến nỗi, anh Phúc phải lên tiếng trên một diễn đàn với lời lẽ tha thiết xin mọi người đừng xúc phạm và miệt thị anh. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai còn lên tiếng sẽ kiện nếu anh Phúc không đưa ra lời xin lỗi. Nhưng rồi, sự việc qua đi, vụ kiện vẫn không thấy đâu, nhưng những lời nói làm tổn thương của những người trong cuộc vẫn còn ở lại.

5. Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà chiếm lĩnh "top" lùm xùm trong năm

Mới đây, Google công bố danh sách top 10 các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất  thì có tới 4 bài hát của Sơn Tùng được bình chọn là: Không phải dạng vừa đâu, Âm thầm bên em, Chàng trai năm ấy, Khuôn mặt đáng thương. Cùng với đó, những tranh cãi về các vụ đạo nhạc Hàn, nhái phong cách ăn mặc của các ngôi sao Kpop... đã đưa cái tên Sơn Tùng vào "top" những cái tên gây tranh cãi nhất trong năm.

Không ồn ào về âm nhạc như Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà là một sự "phản chiếu ngược" trong bức tranh u ám của đời sống giải trí khi đời sống riêng tư của cô liên tục bị soi mói bởi các paparazzi. Hết chuyện ly hôn trong bí mật với Cường Đô la bị truyền thông, công chúng mổ xẻ, câu chuyện cô có tình cảm với một đại gia kim cương đã có vợ con khiến "nữ hoàng giải trí" bị rơi vào làn sóng "tẩy chay" của cộng đồng mạng. Vốn là người bản lĩnh, Hồ Ngọc Hà vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, nhưng thông tin về đời tư cũng khiến cô bị mất khá nhiều các hợp đồng quảng cáo thương hiệu. Tuy nhiên, khi câu chuyện được lắng xuống, dường như sự khâm phục dành cho Hồ Ngọc Hà lại càng có chiều hướng đi lên nhờ khả năng xử lý khủng hoảng một cách bình tĩnh và khéo léo.


http://giadinh.net.vn/giai-tri/buc-tranh-van-hoa-nam-2015-qua-binh-chon-cua-nha-chuyen-mon-20151230090948635.htm

Theo Minh Nhật/Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm