Điều gì đang xảy ra?
Từ đầu tháng 11, các báo cáo tình báo Mỹ cho thấy Nga đang triển khai quân tới khu vực biên giới với Ukraine. Ngày 13/11/2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Nga tập trung tới 100.000 quân gần nước này.
Nga cũng từng rầm rộ điều quân và tập trận quy mô lớn ở biên giới với Ukraine hồi tháng 3-4/2021. Sau gần hai tháng căng thẳng, Nga rút quân. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng lần này dường như trầm trọng hơn nhiều. Đầu tháng 12/2021, Washington Post công bố tài liệu mật của tình báo Mỹ nhận định Nga đang lên kế hoạch tổng tấn công Ukraine đầu năm 2022.
Tình hình tiếp tục leo thang trong những tuần tiếp theo. Vào giữa tháng 1/2022, Ukraine ước tính Nga có khoảng 127.000 quân ở khu vực, trong đó có 106.000 là lục quân, còn lại là không quân và hải quân. Ngoài lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea, quân đội Nga còn hiện diện cả ở Belarus với danh nghĩa chuẩn bị tập trận.
Cho đến nay, Nga vẫn luôn bác bỏ ý định tấn công Ukraine. Tuy nhiên, dường như phương Tây không nghĩ vậy. Đây đã là chủ đề nóng trong các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO trong tháng 1 này, nhưng đều không đạt được kết quả.
Tại sao sự kiện này đáng chú ý?
Ukraine là một trong những quốc gia lớn nhất ở Đông Âu, cũng là nước có vị trí địa chiến lược quan trọng. Đây được coi là “vùng đệm” giữa Nga và các quốc gia NATO như Romania hay Ba Lan, nhưng cũng được Moscow coi là cửa ngõ đảm bảo an ninh phía Tây của mình. Do đó, cả Nga và phương Tây đều muốn có ảnh hưởng đối với Kyiv.
Nếu một cuộc “chiến tranh nóng” nổ ra ở Ukraine, toàn châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ mất ổn định. Cán cân quyền lực tại châu Âu cũng sẽ có thể có chuyển biến lớn, phụ thuộc vào kết quả chiến sự.
Ảnh hưởng sẽ không chỉ bị bó hẹp ở châu Âu mà có thể lan tỏa ra khắp thế giới, không chỉ tác động tới lĩnh vực chính trị - an ninh mà còn tới cả nền kinh tế - tài chính toàn cầu. Ví dụ, giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh nếu xảy ra chiến tranh, khi Nga và Ukraine chiếm đến 30% lượng xuất khẩu lúa mì thế giới.
Bên cạnh đó, việc Mỹ phải tập trung vào châu Âu cũng có thể tác động đến cán cân quan hệ Mỹ - Trung ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc quan hệ Nga - phương Tây xấu đi cũng có thể khiến Moscow dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, tạo nên cục diện mới cho quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Nga.
Đâu là bên liên quan?
Ukraine: Sau 8 năm từ khi để mất bán đảo Crimea về tay Nga, Ukraine một lần nữa phải đối mặt với mối đe dọa lớn về an ninh. Dù đã đầu tư nhiều cho quân sự để đối phó với lực lượng ly khai miền Đông, Ukraine vẫn bị coi là không có nhiều khả năng chống trả, nếu Nga thực sự tấn công.
Tuy vậy, giới chức Ukraine vẫn tìm cách trấn an dân chúng. Trong một bài phát biểu, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, cũng như kêu gọi truyền thông không “hoảng loạn”.
Nga: Đối với Nga, Ukraine là một trong những “cửa ngõ” từ châu Âu vào Nga. Do đó, nếu Ukraine tăng cường hợp tác quân sự với phương Tây hay gia nhập NATO, an ninh quốc gia của Nga sẽ bị đe dọa. Do đó, khi đàm phán với Mỹ và phương Tây, Nga coi “không mở rộng thêm NATO về phía đông” như điều kiện tiên quyết.
Một số nhà phân tích nhận định hành động của Nga lần này cũng chỉ là “diễu võ dương oai” như tháng 3-4/2021, hoặc để có lợi thế trên bàn đàm phán an ninh với phương Tây. Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra, khi căng thẳng hiện nay trầm trọng hơn nhiều so với đầu năm 2021.
Theo tiến sĩ Melinda Haring tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, chiến tranh là khả năng dễ xảy ra nhất vì ông Putin đã mất kiên nhẫn với Kyiv và tự tin Washington sẽ không can thiệp.
Lực lượng ly khai miền Đông Ukraine: Với sự hỗ trợ từ Nga, phe ly khai tại Ukraine đã trở thành thế lực đáng gờm. Vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát trải rộng trên hai tỉnh Donetsk và Luhansk giáp biên giới Nga, bao gồm cả thành phố Donetsk - một trong những trung tâm của Đông Ukraine.
Lực lượng này sẽ là sự bổ sung sức mạnh đáng kể cho Nga, nếu Moscow quyết định tấn công.
Mỹ: Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là điều cuối cùng Washington mong muốn. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín và khả năng răn đe của Mỹ và phương Tây, cũng như đe dọa trực tiếp tới biên giới một số nước NATO như Ba Lan hay Romania hay các nước Baltic.
Cho đến nay, Mỹ luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine về mặt ngoại giao, viện trợ và gửi cố vấn quân sự cho Kyiv, cũng như tính gửi thêm quân tới Đông Âu để răn đe Nga. Tuy vậy, ít có khả năng Mỹ tham chiến trực tiếp do cái giá phải trả để bảo vệ một nước nằm ngoài NATO như Ukraine sẽ là quá lớn.
Anh: Trái với cách tiếp cận cẩn trọng của các trụ cột EU như Đức hay Pháp, Anh lựa chọn cách thức mạnh mẽ và trực diện hơn. London từng lên tiếng tố cáo Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc đảo chính tại Ukraine, dù không tiết lộ bằng chứng chi tiết.
Phó thủ tướng Anh Dominic Raab hôm 23/1 cảnh báo sẽ cấm vận Nga nếu nước này tấn công hoặc âm mưu đảo chính. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cho biết nước này đang tính đến cách thức tăng cường sự răn đe trên cả các mặt trận trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian mạng”.
“Điều chúng tôi muốn ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - là tín hiệu mạnh mẽ hơn về vấn đề cấm vận”, ông Wallace nói hôm 26/1.
NATO: Giống như Mỹ và Anh, NATO bày tỏ quan ngại về động thái của Nga. Hôm 24/1, tổ chức này tuyên bố sẽ đưa thêm tàu chiến và máy bay tới Đông Âu, cũng như đặt binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Trong NATO, Ba Lan và các nước Baltic - những nước nằm ở “tiền tuyến” trong kịch bản xung đột giữa Nga và NATO - là các quốc gia lên tiếng ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Tuy vậy, quãng thời gian qua cũng phơi bày sự thiếu thống nhất của phương Tây.
Không thể không nhắc đến việc một số quốc gia châu Âu - tiêu biểu là Đức - phụ thuộc nặng nề vào dòng khí đốt từ Nga, nhất là khi điện hạt nhân và điện than không còn được ưa chuộng. Đây có thể là nguyên nhân khiến Berlin nói riêng và châu Âu nói chung khá dè dặt trong việc đưa ra biện pháp cứng rắn với Moscow.
Đỉnh điểm là việc Tư lệnh Hải quân Đức Kay-Achim Schoenbach hôm 21/1 tuyên bố Ukraine đã mất bán đảo Crimea “vĩnh viễn”, còn ông Putin “đáng được tôn trọng”. Ông Schoenbach đã phải từ chức, nhưng sự thiếu gắn kết chưa thể nhanh chóng hàn gắn.
Điều gì sẽ xảy đến?
Nếu chiến tranh nổ ra, chính quyền Ukraine được cho là khó có thể chống đỡ, nhất là khi Mỹ và NATO ít có khả năng can thiệp trực tiếp. Tuy vậy, cái giá mà Nga phải trả sẽ là không nhỏ. Phương Tây chắc chắn sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế, cũng như tăng cường lực lượng ở gần biên giới Nga - điều Moscow không mong muốn.
Tuy nhiên, Nga có thể tiếp tục “án binh bất động” trong thời gian tới, dẫn đến việc Ukraine tiếp tục là “chảo lửa” của thế giới và trở nên quá rủi ro trong mắt các nhà đầu tư và định chế tài chính nước ngoài. Cuối cùng, chính người dân Ukraine sẽ là những người chịu thiệt hại lớn nhất.