Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức tranh doanh nghiệp bất động sản Việt Nam: Nhiều đại gia ẩn mình

Bên cạnh 55 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng vốn hóa hơn 215.000 tỷ đồng, vẫn còn nhiều "ông lớn" ngành bất động sản đang ẩn mình.

Theo số liệu tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có 55 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

HOSE - "miền đất hứa" của doanh nghiệp bất động sản

Số doanh nghiệp niêm yết trên HOSE là 37 đơn vị, với tổng giá trị vốn hóa khoảng 210.381 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, ghi nhận 18 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này niêm yết cổ phiếu, với giá trị vốn hóa chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tổng vốn hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay hơn 215.000 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay ở mức 1,827 triệu tỷ đồng, ngành bất động sản chiếm khoảng 11%.

Buc tranh tong quan nganh bat dong san Viet Nam anh 1
Có tổng cộng 55 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán HNX và HOSE.

Trong 18 doanh nghiệp yết trên sàn Hà Nội thì hầu hết giá trị cũng như khối lượng cổ phiếu lưu hành tương đối thấp. Điều này khiến vốn hóa trên thị trường của nhóm này cũng thấp hơn nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Nhóm những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn Hà Nội bao gồm Tập đoàn C.E.O với giá trị vốn hóa 1.307 tỷ đồng; Vinaconex 3 - VC3 với giá trị khoảng 893 tỷ đồng, hay Công ty Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc - IDV với 604 tỷ đồng vốn hóa…

Đáng chú ý, một số cổ phiếu hiện nằm trong diện cảnh báo, như Công ty Đầu tư tài chính quốc tế và phát triển doanh nghiệp - IDJ, Địa ốc Dầu Khí - PVL, Đầu tư và xây dựng thương mại Dầu khí Nghệ An - PXA...

Trong khi đó, sàn HOSE như "miền đất hứa" của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều "ông lớn" trong ngành đều hội tụ ở đây, như Vingroup, FLC, Novaland, Hoàng Quân...

Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường, với giá trị lên tới 116.587 tỷ đồng, tương đương 55% tổng vốn hóa của 55 doanh nghiệp đã niêm yết.

Buc tranh tong quan nganh bat dong san Viet Nam anh 2
Hầu hết doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán đều niêm yết trên sàn HOSE. Đồ họa: Quang Thắng.

Mới niêm yết vào cuối năm ngoái, Novaland hiện nay là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 trong ngành, với giá trị lên tới 40.077 tỷ đồng. Vốn hóa của doanh nghiệp này xếp trên hàng loạt công ty có tiếng khác như Kinh Bắc - KBC giá trị 6.812 tỷ đồng; FLC giá trị 5.072 tỷ đồng; Nam Long - NLG với 3.425 tỷ đồng...

Vốn hóa của Vingroup cũng phản ánh đúng tính chất thị trường hiện nay, khi đây được xem là doanh nghiệp lớn nhất. Tập đoàn này nắm trong tay hàng loạt đất vàng, với quỹ đất khoảng 8.100 ha (năm 2015) khắp cả nước. Novaland, FLC, Nam Long, Kinh Bắc… cũng sở hữu quỹ đất lên tới hàng nghìn ha, với các dự án quy mô đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều đại giá ẩn mình

Bên cạnh những doanh nghiệp đã niêm yết, thị trường vẫn còn nhiều đại gia đang ẩn mình.

Có thể kể tới Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền với hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Geleximco mới đây đã được Thủ tướng đồng ý cho phép đầu tư 2 siêu dự án tại Vũng Tàu. Đó là Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép, tổng mức đầu tư dự toán 30.390 tỷ đồng, Paradise Vũng Tàu với 2 tỷ USD.

Trước đó, Geleximco cũng đề xuất tham gia một số dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam với tổng chi phí có thể gần 50 tỷ USD. Chưa biết mức độ góp vốn, tham gia của Geleximco đến đâu nhưng có thể thấy được tiềm lực mạnh mẽ của doanh nghiệp bất động sản này.

Buc tranh tong quan nganh bat dong san Viet Nam anh 3
Nam Cường hiện sở hữu rất nhiều khu đất vàng, giá trị tại Khu đô thị Phùng Khoang. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.

 

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan cũng được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này với việc sở hữu rất nhiều bất động sản có giá trị tại trung tâm TP.HCM.

Hầu hết dự án tập trung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, là Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton... đều thuộc sở hữu của Vạn Thịnh Phát. Siêu dự án Saigon Peninsula tại quận 7 với tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD cũng do một công ty thuộc tập đoàn này đầu tư.

Nam Cường mới đây cũng trở lại sau giai đoạn trầm xuống từ năm 2010, với việc khởi công hai tổ hợp Anland Complex và An Phú Shop Villa.

Cùng với đó là hàng loạt dự án với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), Khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Khu đô thị Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ)...

Tập đoàn Him Lam, Bitexco, SunGroup... sở hữu những dự án bất động sản hàng chục nghìn tỷ đồng trải dài khắp cả nước nhưng vẫn đang ẩn mình, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sự trở lại của Nam Cường và chuyện mơ sản xuất xe Ferrari ở Việt Nam

Tập đoàn Nam Cường trở lại thị trường bất động sản với tuyên bố xây dựng khu đô thị xanh zero energy đầu tiên, cái mà giới kiến trúc sư ví khó như sản xuất Ferrari tại Việt Nam.

Biệt thự ven biển giá 27,5 triệu USD của ông chủ Tommy Hilfiger

Nhà thiết kế thời trang lừng danh Tommy Hilfiger đang đăng bán biệt thự nghỉ dưỡng ven biển đầy màu sắc tại Miami (Mỹ) với giá 27,5 triệu USD.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm