Bức thư đẫm nước mắt
Mấy ngày nay dư luận đang bàn tán xôn xao về vụ bạo hành trẻ em chấn động tại trường mầm non tư thục Phương Anh (số 18, đường Hiệp Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Dù bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, quản lý trường mầm non tu thực Phương Anh) và cấp dưỡng Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) đang bị công an tạm giữ điều tra về hành vi hành hạ người khác, nhưng trong lòng của phụ huynh các cháu bé vẫn còn nguyên nỗi đau đớn xót xa.
Trong một bức thư “trải lòng” về nỗi đau tột cùng, chị Bùi Thị Thanh Lệ (mẹ cháu Lê Tuấn Khang - cháu bé bị bảo mẫu Phương Anh bóp cổ, đánh đập tàn nhẫn) viết, bất cứ cha mẹ nào cũng nhói đau khi nhìn thấy con mình bị đánh.
Chị Bùi Thị Thanh Lệ. |
“Trước đây, tôi đã từng biết những vụ bạo hành qua thông tin đại chúng, tôi thấy đau lòng không chịu được. Vậy mà, giờ đây chuyện đó lại rơi vào chính con trai tôi. Những ngày qua đối với tôi thật khủng khiếp. Hai đêm nay tôi không tài nào ngủ được, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh con tôi và những đứa trẻ vô tội bị hành hạ dã man cứ hiện hữu trước mắt”.
Ở bức thư viết tay trong suốt cả đêm, chị Lệ không cầm được nước mắt khi những hình ảnh các cháu nhỏ bị bạo hành dã man cứ ùa về trong tâm trí. "Những ánh mắt ngây thơ của con trẻ van xin, những bàn tay bé xíu bám víu, vùng vẫy vô vọng, giọt nước mắt chan cơm… Tôi bỗng nghe tiếng con tôi bất chợt khóc làm tim tôi thắt lại, tôi cố đè nén nỏi đau để không bật khóc thành tiếng...".
Theo chị Lệ, cháu Tuấn Khang dù còn nhỏ nhưng cháu sống rất nội tâm. Thời gian gần đây cháu có biểu hiện khác thường như buồn bã, đêm nằm ngủ hay giật mình và thường giận dỗi cha mẹ, những lúc như thế tim chị lại đau nhói. “Có những lúc tôi như nghẹt thở nhưng cố gắng dùng hết nghị lực để vượt qua”.
Cháu Lê Tuấn Khang đã bớt sợ người lạ sau mấy ngày được ở nhà. |
“Tôi thật sốc khi nói về người bảo mẫu”
Chị Lệ cho biết, chị cảm thấy bị sốc không hiểu tại sao bà Phương lại đánh đập trẻ tàn nhẫn như thế. Càng sốc hơn khi bà Phương bạo hành trẻ mà lại đổ lỗi hết lên đầu cô cấp dưỡng tên Lý và nói không biết làm vậy là vi phạm pháp luật. Những lời giải thích đó của bà Phương có thể rửa sạch hết những gì bà và Lý đã gây ra cho những đứa trẻ vô tội sao?
“Tôi không hiểu tại sao một con người được trang bị đầy đủ kiến thức và đào tạo trong một môi trường sư phạm lại có thể có những hành động và lời nói vô ý thức, vô cảm như thế”, chị Lệ viết.
Trong bức thư chị còn viết, sau khi đọc bài viết, gia đình cô Phương xin được tha thứ và cho biết ba mẹ cô vì chuyện vừa rồi mà ngã bệnh. Chị Lệ không khỏi chạnh lòng bởi chị cũng là người làm mẹ nên hiểu được nổi đau của đấng sinh thành như thế nào.
Nội dung bức thư chị Lệ viết để “giãi bày” những bức xúc. |
“Ông bà ta thường nói “trời đánh còn tránh bữa ăn” mà cô và Lý lại hành hạ một cách dã man những trẻ thơ ngay trong chính những bữa ăn của chúng. Những tiếng cười hồn nhiên trong trẻo đã được 2 cô thay vào bằng những giọt nước mắt chan cơm, những nổi ám ảnh kinh hoàng, khiếp sợ. Việc làm của hai cô có khác gì cầm thú”.
Trong thư chị Lệ còn lên án hành vi của hai bảo mẫu đã làm cho bộ mặt ngành giáo dục nước nhà bị bôi nhọ, ảnh hưởng đến những ai đang có tâm hướng trồng người.
“Tôi tha thiết khẩn cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, mạnh tay xử lý nghiêm minh bà Phương và cấp dưỡng Lý để làm gương, cảnh tỉnh đối với những người đã và đang hành nghề bảo mẫu. Những cơ quan chức năng có trách nhiệm liên đới cũng cần đươc xử lý, đừng vì lợi ích cá nhân mà để trẻ thơ vô tội phải hứng chịu nổi đau cơ thể lẫn tinh thần”.
Kết thúc bức thư, chị Lệ nhấn mạnh: “Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh các bà mẹ như chúng tôi, có lẽ ai cũng biết được nổi đau đến nhường nào. Hãy để cho người dân chúng tôi tin vào chính quyền và công lý…”