Trong năm nay, thay vì liệt kê các thành công và thất bại, Bill và Melinda đưa ra một tuyên ngôn mới cho tổ chức tình nguyện của mình. "Việc cầm bút viết bắt bạn phải suy nghĩ một cách logic và tranh luận một cách hợp lý", Bill Gates viết trong bức thư tuyên ngôn của mình. Từ bức thư này, chúng ta biết được rằng nhà tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới sẽ dành những năm cuối đời của mình để làm gì.
Thay vì tranh luận về câu hỏi "Phải làm gì để xóa nghèo trên toàn cầu" – vốn là mục đích chính của tổ chức Gates Foundation, năm nay bức thư của Bill Gates tập trung vào lý giải ba luận điểm khiến các nước nghèo tiếp tục bị tụt lại phía sau. Ba luận điểm này bao gồm: 1- các nước nghèo sẽ mãi mãi không thể thoát nghèo; 2 - viện trợ quốc tế là rất phí phạm; và 3 là cứu sống các sinh mạng tại Thế giới Thứ 3 sẽ tạo thêm sức ép dân số.
Các con số thống kê của Forbes và Matthew Herper đã phủ định hoàn toàn 3 luận điểm này vào 2 năm trước, và bức thư năm nay của vợ chồng nhà Gates cũng đã chỉ ra rằng các luận điểm nói trên là hoàn toàn sai lầm. "Một vài người nói rằng, việc giúp các nước trở thành nước có thu nhập trung bình sẽ không thể giải quyết các vấn đề của thế giới và thậm chí sẽ còn làm một vài vấn đề trở nên tồi tệ hơn… Nhưng, khi con người ngày càng được giáo dục tốt hơn, họ cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của thế giới (năng lượng sạch, bệnh tật…). Giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển sẽ giúp cải thiện cuộc sống của con người hơn bất kì điều gì khác mà chúng ta có thể làm".
Thực tế, trong bức thư của mình, Bill Gates cũng đã đưa ra 3 luận điểm "ngầm" có thể giúp cho bạn hình dung rõ hơn về tình hình hoạt động nhân đạo trên toàn thế giới và những điều có thể làm:
Đầu tiên, dù có tài sản khổng lồ và trí tuệ siêu phàm nhưng các nhà tỉ phú chỉ có thể thành công nếu được các chính phủ chấp thuận (hoặc ít nhất là không làm hỏng tiến trình phát triển). Ví dụ, trong năm vừa qua, tổ chức Gates Foundation bỏ ra khoảng 100 triệu USD nhằm xóa sổ bệnh bại liệt. Theo Bill Gates, do ông được "tự do về tài chính" để phân bổ các nguồn vốn của mình, các hoạt động của tổ chức Gates Foundation trong lĩnh vực này là bằng chứng cho thấy khoản tiền trên đã được sử dụng một cách xứng đáng.
Song, đến một thời điểm nào đó trong tương lai, "bạn sẽ phải chỉ ra một lý do vì sao một quốc gia nào đó vẫn còn nghèo". Ngoại trừ một vài quốc gia phải chịu bất lợi lớn về vị trí địa lý như các quốc gia nằm ở trung tâm châu Phi, lý do chính khiến các quốc gia sẽ tiếp tục đói nghèo là do chính sách y tế và giáo dục của chính quyền. Các quốc gia đưa ra các động lực kinh tế và đầu tư tốt vào y tế, giáo dục sẽ sớm thoát nghèo. Đó là lý do vì sao Trung Quốc hoàn toàn vượt lên trên Ấn Độ, trong khi cả 2 quốc gia đều có trên 1 tỉ dân. Theo Bill Gates, điều này cũng có nghĩa rằng người dân Bắc Triều Tiên khó có thể thoát nghèo trong tương lai.
Thứ 2, Bill Gates "ngầm" khẳng định rằng chúng ta phải lạc quan, tin tưởng để có một tương lai tươi sáng. Ông chỉ trích báo giới đã giật quá nhiều những cái tít tiêu cực và không bao giờ chịu nói về những vấn đề lạc quan như: "Ôi lạy Chúa, hãy thử nhìn xem 25 năm qua có bao nhiêu điều tiến bộ đã xảy ra". Theo Bill Gates, "những thay đổi kể từ khi tôi được sinh ra cho tới bây giờ là rất lớn".
Và theo nhà sáng lập của Microsoft, "Sẽ không còn các quốc gia nghèo vào năm 2035". Cụm từ "các quốc gia đang phát triển" sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. 2 năm trước, Gates đã đầu tư vào Ủy ban Đầu tư Y tế (CIH), được lãnh đạo bởi Larry Summers (giáo sư Đại học Harvard, chuyên viên kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới World Bank vào năm 1993) và 25 chuyên gia nổi tiếng khác trên toàn cầu. Ủy ban này đã đặt ra mục tiêu giúp tất cả các quốc gia trên thế giới giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong xuống dưới mức của Mỹ vào thập niên 1980. Với Bill Gates, đây sẽ là cột mốc báo hiệu "sự bình đẳng về y tế" đã trở thành hiện thực.
Cột mốc 2035 cũng trùng với ngày sinh nhật thứ 80 của Bill Gates. Đây cũng chính là thông điệp "ẩn" thứ 3 bên trong bức thư của Bill Gates. Ông muốn dành 20 năm tiếp theo của cuộc đời mình để giải quyết vấn đề y tế cho thế giới. "Bạn có thể dễ dàng nghĩ về những năm mà bạn nghĩ mình sẽ còn sống. Điều đó khá tuyệt: mọi người sẽ nói với tôi rằng 'Ồ anh đã làm hỏng điều đó' hoặc 'Anh đã làm đúng rồi". Với một "người khổng lồ" có thể chỉ ra những khác biệt về chính sách y tế giữa Việt Nam và Nigeria, cột mốc "bình đẳng về y tế" vào năm 2035 là "một vấn đề có thể giải quyết được".
Đây cũng là đích đến mà Bill Gates và vợ muốn hướng tới khi thành lập và gây dựng Gates Foundation: Tổ chức này sẽ sử dụng hết toàn bộ các nguồn lực có sẵn trong vòng 20 năm cuối đời của Gates và vợ để đạt được các mục đích của mình, trong đó "bình đẳng về y tế" đang đứng đầu. "Những người giàu có vào thời đại sau này sẽ có thể tìm hiểu xem thế giới lúc đó sẽ có những vấn đề gì", nhưng công việc của Bill Gates sẽ giúp cải thiện cuộc sống của con người vào chính lúc này và ông vẫn tiếp tục miệt mài với lý tưởng đó của mình như chính câu nói của ông, "Tôi không quen nghỉ ngơi" (I am nowhere near the retiring).