Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bức ảnh về độ cuồng của fan sắc đẹp Thái Lan

Á hậu 1 Engfa Wahara xuất hiện giữa "biển người" Thái Lan khi trở về nước sau cuộc thi Miss Grand International 2022.

Hoa hau Hoa binh anh 1

Người đẹp Thái Lan và Việt Nam sở hữu người hâm mộ hùng hậu nhất Miss Grand International 2022. Ảnh: Miss Grand International.

Ngày 1/11, ông Nawat Itsaragrisil cùng top 10 Miss Grand International (MGI) trở về Thái Lan sau một tháng ở Indonesia. Họ được chào đón nồng nhiệt tại sân bay Bangkok.

Đáng nói, trong những bức ảnh được đăng tải, Á hậu 1 Engfa Wahara gần như luôn đứng vị trí trung tâm giữa biển người đủ mọi lứa tuổi. Cùng với cánh phóng viên, người hâm mộ la hét, chen lấn để được chụp hình với Engfa tạo nên khung cảnh hỗn loạn. Nhiều người còn giơ cao ảnh có chữ ký của cô.

Trong lúc đó, đương kim Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Isabella Menin (người Brazil) lặng lẽ đứng phía sau, mỉm cười.

Dưới bài viết của ông Nawat, rất nhiều thành viên mạng thắc mắc: "Nữ hoàng mới của MGI là Thái Lan hay Brazil?".

Thực tế, việc Engfa Wahara thành tâm điểm vì xứ Chùa vàng là quê hương của cô. Hơn nữa, trước MGI, Engfa vốn là ca sĩ nổi tiếng, sở hữu lượng fan hùng hậu.

Sức ảnh hưởng của Engfa ở showbiz Thái là điều khiến ông Nawat phải dè chừng. "Nếu tôi loại Engfa Wahara, người Thái sẽ chửi. Tôi sẽ bị cho là không phải fan của Engfa", Nawat từng chia sẻ trên livestream.

Hoa hậu Philippines, Thái Lan được chào đón như bà hoàng

Theo thống kê, hàng năm có trên dưới 60 cuộc thi sắc đẹp ở Thái Lan. Trước, trong và sau mỗi cuộc, nhóm FC của thí sinh hoặc hoa hậu có thể dao động trong khoảng hàng nghìn đến chục nghìn người. Hệ thống fan của Engfa Wahara thu hút hơn 30.000 người gia nhập.

Với lượng người ủng hộ lớn, Engfa chỉ xếp sau Việt Nam trong cuộc đua vote ở hạng mục Country’s Power of The Year tại Miss Grand năm nay.

Nhìn chung, xét ở phương diện fan sắc đẹp, các quốc gia Đông Nam Á đang chiếm ưu thế. Không chỉ riêng Thái Lan hay Việt Nam, người đẹp đến từ Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào... luôn được khán giả nước nhà cổ vũ hết mình khi chinh phục vương miện quốc tế.

Điều này thể hiện rõ qua loạt bài viết, bình luận trên fanpage từng cuộc thi hoặc những diễn đàn, chẳng hạn Missosology, Global Beauties. Hầu hết hình ảnh của thí sinh khu vực Đông Nam Á có lượt like và tương tác rất cao.

Cây bút của Philstar Life từng miêu tả người Philippines đam mê mãnh liệt với lĩnh vực sắc đẹp, thậm chí có thể gọi là cuồng tín. Bài viết có đoạn: "Bất cứ khi nào có cuộc thi diễn ra, cả đất nước dường như hít thở và sống trong bầu không khí của Miss Universe, Miss Earth... Không nghi ngờ gì nữa, đó là bầu không khí rất náo nhiệt".

Hồi tháng 2/2019, hàng nghìn người dân ra đón Miss Universe Catriona Gray khi cô về nước, diễu hành qua thủ đô Manila và hai thành phố Pasay, Makati. Khi Pia Wurtzbach mang vương miện về quê hương năm 2015, cô cũng được người hâm mộ vây quanh.

Eric Pineda, nhà thiết kế nổi tiếng người Philippines, cho rằng sự yêu thích đã ăn sâu vào tâm trí người dân nước họ. Theo quan sát của nhà thiết kế Noel Crisostomo, từ các cuộc thi quy mô trường học, cuộc thi được tổ chức ở các bang hẻo lánh cho đến các sân chơi cấp quốc gia và được phát sóng trực tiếp trên TV, người Philippines dường như không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi theo dõi.

Noel Crisostomo nhận định: "Niềm đam mê này, tôi nghĩ đã được chứng thực từ những năm 1960 và 1970 khi các người đẹp Gemma Cruz, Gloria Diaz, Aurora Pijuan và Margie Moran giành được vương miện".

Người Ấn Độ, Nepal thờ ơ với danh hiệu hoa hậu

Theo Angelopedia, số lượng thí sinh thi hoa hậu ở Ấn Độ giảm trong thập kỷ qua. Sự quan tâm của công chúng dành cho lĩnh vực này theo chiều hướng tương tự.

"Trung bình lượng người ghi danh các cuộc thi giảm 10-15%. Cùng với đó, chất lượng thí sinh cũng giảm, không đồng đều như trước", Anoop Chauhan - Miss North India Princess - chia sẻ.

Thống kê trên TAM Media Research cho thấy lượng người xem chương trình chung kết Hoa hậu Ấn Độ kéo dài 2 giờ đồng hồ (vào tháng 4/2015) giảm gần 1/2 so với mùa giải trước. Và cũng từ nhiều năm nay, cảnh tượng hàng nghìn người ra sân bay chào đón hoa hậu về nước hiếm khi xảy ra.

Bài viết mang tiêu đề "Quan niệm sắc đẹp thay đổi: Tại sao cuộc thi hoa hậu giảm sức hút ở Ấn Độ?", xuất bản tháng 12/2021, có đoạn khẳng định ngay cả khi đăng quang Miss India World 2022, Sini Shetty vẫn mờ nhạt và không được công chúng quan tâm.

Lý giải về sự thờ ơ ngày càng thể hiện rõ qua thái độ của người Ấn Độ, Kiran Manral, cây bút nổi tiếng ở Mumbai, nói: "Tôi nghĩ phần lớn liên quan đến quan điểm đánh giá phụ nữ xinh hay xấu thông qua vẻ ngoài. Hơn nữa, thí sinh dự thi không bận tâm tiêu chí, mục đích đăng quang không hướng đến giá trị cộng đồng. Điều họ muốn là chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp điện ảnh Hindi".

Celina Jaitly, Hoa hậu Ấn Độ và Á hậu Hoàn vũ 2001, đồng tình quan điểm trên. Người đẹp nhận thấy mục đích thi hoa hậu trước và nay thay đổi rõ. "Tôi phấn đấu giành vương miện vì muốn làm cho Ấn Độ tự hào. Ở các cô gái thời nay, tôi không thấy điều này", cô phát biểu.

Tại Ấn Độ, tình trạng "bội thực" hoa hậu đã xuất hiện vì có quá nhiều cuộc thi được tổ chức, trong khi chất lượng, nhiệt huyết của thí sinh giảm. Hơn nữa, nhiều nội dung thú vị hơn dành cho các bạn trẻ lên ngôi, khiến các đấu trường nhan sắc dần trở thành khái niệm lỗi thời.

Tương tự, người dân Nepal đã hết say mê nhìn ngắm những cô gái chân dài, đầu đội vương miện.

Năm 2014, Nepal chấn động trước vụ cô gái 16 tuổi tên Sushmita bị Manoj Pandey, trưởng ban tổ chức cuộc thi sắc đẹp, lạm dụng tình dục sau khi chiến thắng ngôi vị Á hậu 1. Vụ việc là giọt nước tràn ly khiến lĩnh vực sắc đẹp bị quay lưng ở quốc gia Nam Á.

Các nhà lập pháp ở Nepal đã nộp đơn yêu cầu chính phủ cấm tổ chức thi hoa hậu tại quốc gia, từ ngày 23/5/2014.

Phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Phụ nữ và Các vấn đề xã hội của Hạ viện, nhà lập pháp Amrita Thapa của trung tâm Maoist CPN, nói rằng nhà nước sẽ không mất gì ngay cả khi những sự kiện tương tự bị cấm.

"Trước đây, tôi đã nói rằng chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc về các cuộc thi vô giá trị như vậy. Nếu nó không có lợi cho nhà nước, chúng ta nên ngăn chặn chúng", bà phát biểu.

Nhiệt huyết dành cho sân chơi sắc đẹp cũng giảm ở một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong... và hầu hết nước châu Âu (trừ Pháp, Vương quốc Anh). Họ không ủng hộ thi hoa hậu vì chung quan điểm các cuộc thi hiện giờ phần nào đó hạ thấp phẩm giá phụ nữ.

Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí

Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.

Thế lực khiến Miss Grand 2022 rung chuyển

Khán giả Việt Nam ngày nay dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực hoa hậu, không thua kém các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia.

Quốc Minh

Bạn có thể quan tâm