Bức ảnh được chụp bằng các tia hồng ngoại bởi Kính viễn vọng Bắc Gemini ở Hawaii và là một trong những quan sát sắc nét nhất từ mặt đất về hành tinh này.
Hình ảnh cho thấy nhiều vùng phát sáng rõ rệt bên dưới những đám mây khí gas của hành tinh này.
Hình ảnh nằm trong nghiên cứu do Đại học California tại Berkeley, Mỹ tiến hành, vốn là một phần của chương trình quan sát chung có liên quan đến kính viễn vọng Hubble và tàu vũ trụ Juno.
Hình ảnh Sao Mộc chụp từ Đài viễn vọng Gemini. Ảnh: Gemini Observatory. |
Để có được tấm ảnh trên, các nhà khoa học sử dụng kĩ thuật "hình ảnh may mắn", trong đó vô số tấm ảnh Sao Mộc được chụp và chỉ giữ các phần hình có mức nhiễu tối thiểu.
Các phần ảnh được chọn sẽ được ghép lại thành một tấm ảnh có độ nét tốt hơn hẳn những bức ảnh chụp một lần.
Hồng ngoại là bước sóng dài hơn các bước sóng quen thuộc vốn nhìn thấy được bằng mắt và thường được quan sát bởi những kính viễn vọng tương tự Hubble.
Chúng được sử dụng để quan sát xuyên qua khói mù và những đám mây mỏng trên đỉnh khí quyển của Sao Mộc, giúp các nhà khoa học có cơ hội thăm dò sâu hơn vào hoạt động bên trong của hành tinh và khám phá thêm về hệ thời tiết cũng như nguyên nhân của những cơn bão lớn càn quét Sao Mộc suốt nhiều thập kỉ.