Vào một ngày đẹp trời, người dân địa phương lướt thuyền trên dòng sông Hawkesbury ở New South Wales để tới dùng bữa tại boong sau của Paradise Café.
Thế nhưng, chỉ trong vòng 18 tháng qua, đây là lần thứ tư chủ nhân của Paradise Café - ông Darren Osmotherly - phải tất tưởi chuyển đồ đạc lên trên cao vì nước lụt dâng lên khắp vùng Greater Sydney sau nhiều ngày mưa nặng hạt.
“Cứ 6-8 tiếng là chúng tôi phải tắm nước ấm, thay quần áo, và cố gắng giải lao một chút hoặc chợp mắt giây lát”, Osmotherly chia sẻ với CNN hôm 5/7. Trong hơn 3 ngày qua, ông hầu như không ngủ.
Thời tiết thất thường
Khi Osmotherly mở tiệm cà phê này 15 năm trước ở Lower Portland để cung cấp cho những người khuyết tật trên nhà thuyền một nơi neo đậu dễ dàng để ăn trưa, ngập lụt không hề có trong ký ức của mọi người trong vùng suốt 30 năm. Vậy mà, giờ đây họ đang chứng kiến trận lũ lịch sử thứ tư kể từ tháng 2/2021, và là trận gần nhất kể từ tháng 3 vừa qua.
“Chúng tôi đầu tư xây dựng mái nhà chống dột để đối phó với một trận lũ nhưng đã có tới 4 trận lũ xảy ra”, ông nói.
Một tòa nhà công nghiệp bị ngập trong nước tại Londonderry, ngoại ô Sydney, Australia hôm 5/7. Ảnh: AP. |
Ngập lụt ở bang đông dân nhất của Australia đã trở thành bình thường mới, khi cư dân tại khu vực Greater Sydney phải đối mặt với sự thay đổi thất thường ngày càng tăng theo mùa.
Khu vực này vốn là nơi sinh sống của 8,12 triệu người, chiếm khoảng một phần ba tổng dân số của cả nước, thường phải phải trải qua lũ lụt trong những tháng đầu mùa hè.
Tuy nhiên, những gì trước đây là sự kiện cả thế hệ mới xảy ra một lần nay lại trở nên phổ biến, đặt ra câu hỏi về tính bền vững lâu dài của các cộng đồng nằm trong khu vực lũ lụt.
Lượng mưa hơn nửa mét đã đổ xuống các khu vực phía đông New South Wales trong 48 giờ qua, khiến nhiều con đập tràn nước, gây ra cảnh báo lũ lụt trên toàn khu vực.
Một người đàn ông dùng ván chèo đứng để di chuyển qua một con phố ngập lụt tại Windsor, ngoại ô Sydney, Australia hôm 5/7. Ảnh: AP. |
Ở phía tây Sydney, đập Warragamba - hồ chứa đô thị lớn nhất của Australia - bắt đầu tràn vào lúc 2h sáng 3/7, và đỉnh điểm là 515 gigalit đã tràn qua các thành đập - lượng nước tương đương với lượng nước ở cảng Sydney.
Một phát ngôn viên của cơ quan quản lý nước bang New South Wales cho biết đập Warragamba không có bộ phận giảm thiểu lũ lụt, vì vậy không thể xả nước trước trận mưa như trút, xảy ra khi mạng lưới đập của bang đã đầy 97%. Ông nói rằng con đập không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt.
Người phát ngôn nói: "Đó là một sự kiện thời tiết khá bất thường. Đập Warragamba bị tràn nước ra sông, nhưng ngập lụt xảy ra ở cả một vùng rộng lớn của Sydney vốn không phải ở hạ lưu của Warragamba".
Hiện tượng này đánh dấu một sự thay đổi đáng kinh ngạc so với chỉ 15 năm trước khi tiểu bang quyết định xây dựng một nhà máy khử muối để bảo vệ nguồn cung cấp nước của Sydney sau nhiều năm khô hạn.
Tuy nhiên, năm nay hiện tượng La Nina gây ra nhiều mưa hơn, và Cục Khí tượng cho rằng có 50-50 khả năng La Nina sẽ lại hình thành vào cuối năm nay - tức nguy cơ tăng gấp đôi so với bình thường.
Khủng hoảng khí hậu dự kiến làm tăng tần suất và cường độ của cả La Nina và El Nino (gây ra hạn hán) - điều đó có nghĩa là nếu La Nina hình thành trở lại trong năm nay, có thể sẽ có thêm mưa.
Hàng nghìn người được hối thúc sơ tán
Với cư dân ở Greater Sydney, lũ lụt đã trở thành cơn ác mộng lặp đi lặp lại.
Nhiều người vẫn chưa hoàn hồn sau trận lũ lụt hồi tháng 3 vừa qua, khi nước tràn vào nhiều khu vực, buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và lực lượng cứu hộ phải lội qua bùn lầy để giúp đỡ nạn nhân bị mắc kẹt.
Theo Hội đồng Bảo hiểm Australia, trận lũ đó gây ra thiệt hại 4,8 tỷ USD, trở thành thảm họa gây thiệt hại nghiêm trọng thứ ba của nước này từ trước đến nay.
Carlene York, Ủy viên Cơ quan Khẩn cấp bang New South Wales (SES), hôm 4/7 đã cảnh báo lượng mưa hàng trăm mm đã được ghi nhận vào cuối tuần rồi và tình trạng vẫn tiếp diễn.
Mưa xối xả nhiều ngày liên tiếp đã nhấn chìm một số vùng ngoại ô - cuốn trôi ôtô trên đường phố và nhấn chìm các cây cầu - trong khi giới chức trách cảnh báo thời tiết nguy hiểm chưa chấm dứt.
Phương tiện khẩn chấp chắn đường vào cây cầu Windsor bị nước lũ nhấn chìm ở ngoại ô Sydney, Australia hôm 5/7. Ảnh: AP. |
“Việc này còn lâu mới kết thúc”, Thủ hiến bang New South Wales, ông Dominic Perrottet, cảnh báo hôm 5/7. Ông xác nhận hiện có 102 lệnh sơ tán được đưa ra trên toàn tiểu bang trong đó gần hai chục lệnh mới được phát ra chỉ sau một đêm. Vị thủ hiến nhấn mạnh rằng các lệnh sơ tán hoặc cảnh báo này ảnh hưởng tới khoảng 50.000 người.
Chính phủ Australia đã tuyên bố tình trạng thảm họa tự nhiên đối với trận lũ, tạo điều kiện cho một số nạn nhân tiếp cận các quỹ phục hồi. Hôm 4/7, Thủ tướng Anthony Albanese nói rằng ông đã được thông báo tóm tắt về tình hình sau khi trở về từ chuyến đi tới Ukraine.
Sydney đang phải hứng chịu năm ẩm ướt nhất cho đến nay khi lượng mưa tương đương với mức của một tháng rưỡi đổ vào thành phố chỉ trong bốn ngày đầu tiên của tháng 7.
Một đồ họa của BBC được nhiều người theo dõi ghi lại tình trạng lượng mưa của Sydney cho thấy thành phố đông dân nhất của Australia ghi nhận lượng mưa trong 4 ngày 1-4/7 cao hơn đáng kể so với mức trung bình của London trong một năm.
Câu hỏi lớn
Một phát ngôn viên của SES trưa 5/7 cho hay cơ quan này đã thực hiện 152 cuộc cứu hộ lũ lụt trong 24 giờ qua, và gần 300 cuộc kể từ khi lũ lụt bắt đầu ở một số khu vực vào ngày 28/6. Chưa có bất kỳ trường hợp tử vong nào được ghi nhận (Theo cảnh sát, cái chết của một người chèo thuyền kayak ở Sydney vào cuối tuần qua không liên quan đến lũ lụt).
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy nước bao phủ toàn bộ một cây cầu ở thị trấn Windsor, phía tây bắc Sydney.
Đối với một số cư dân Sydney ở khu vực thường xuyên hứng chịu lũ lụt lịch sử, đây là trận lụt thứ ba trong vòng bốn tháng.
“Bạn bắt đầu từ đâu? Trận lũ hủy hoại bạn về tinh thần, thể chất và cả tài chính”, một cư dân địa phương có tên Judy White nói với Australian Broadcasting Corporation. Cô cho biết bản thân vẫn đang dọn dẹp hậu quả của trận lũ lụt trước đó thì nước lại tràn vào nhà ở ngoại ô Londonderry, Sydney.
Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ dữ dội của các thảm họa thiên nhiên, đặt ra câu hỏi liệu cư dân có nên tiếp tục sống ở những khu vực hứng chịu lũ lụt thường xuyên trong khi trước đây những thảm họa như vậy phải cả trăm năm mới có một lần.
Chèo thuyền trên đường phố ngập lụt trở thành cảnh tượng phổ biến Sydney, Australia những ngày gần đây. Ảnh: AP. |
James Pittock, một chuyên gia về khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia, nói với ABC rằng chính phủ nên đề nghị mua lại 5.000 hoặc 6.000 ngôi nhà ở vùng lũ lụt nặng nề nhất tại phía tây Sydney.
Theo lời ông Perrottet, 19.000 ngôi nhà mất điện hôm 5/7 vì mưa lớn, và tình trạng dự kiến vẫn tiếp diễn trong tuần này.
Ủy viên SES Carlene York khuyến cáo mọi người không nên lái xe trừ khi thực sự cần thiết.
“Nếu không có việc cần thiết phải di chuyển trên đường, xin mọi người không nên mạo hiểm” cô nói. "Việc đi lại trên đường rất nguy hiểm. Nước dâng rất nhanh, như chúng ta đã thấy đêm qua. Bạn có thể gặp nguy hiểm và cần sự trợ giúp từ các cơ quan dịch vụ khẩn cấp”.
Bà York cũng cảnh báo rằng ngay cả sau khi nước rút, các con đường vẫn có thể bị hư hại.
Hôm 5/7, lãnh đạo cơ quan giao thông khu vực của bang cho biết lũ lụt đã khiến một hố sụt sâu 60 m và rộng 40 m mở ra bên cạnh tuyến đường sắt ở Blue Mountains, phía tây Sydney.