Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức ảnh lịch sử ngày thống nhất của 4 chàng trai đất Bắc

30/4/1975, 4 chiến sĩ chụp chung tấm hình trước bùng binh Nguyễn Huệ, lưu giữ kỷ niệm về một ngày lịch sử. Đúng ngày ấy 30 năm sau, họ lại được gặp nhau để chụp tấm ảnh thứ 2.

“Hành trang của tôi là những kỷ niệm đẹp”

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, người doanh nhân Nguyễn Ngọc Thành luôn nhắc đến quãng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước với sự trân trọng và tự hào. Khi được hỏi về  kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ, ông Thành, cho biết được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một kỷ niệm đẹp nhất, là khoảnh khắc tự hào nhất, dấu ấn lịch sử đậm nét nhất đối với ông.

Năm 1970, Nguyễn Ngọc Thành, khi ấy tròn 19 tuổi đã nhập ngũ, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông được điều vào đơn vị Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5, Sư 320, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

4 anh lính trẻ quê Hải Phòng không hẹn mà gặp trong trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam.

Khi nhận nhiệm vụ tham gia trận đánh lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, những người lính ra trận với khí thế hừng hực, tiến vào Sài Gòn, không ai nghĩ đó là trận đánh cuối cùng.

“Trên đường, chúng tôi nhìn thấy nhiều người lính còn rất trẻ, khoác trên mình những bộ quân phục còn mới tinh”, doanh nhân Nguyễn Ngọc Thành nhớ lại.

Đơn vị của ông Thành được tiếp cận Sài Gòn ngay trong giây phút đầu tiên của ngày 30/4. Trưa cùng ngày, ông may mắn được cùng đồng đội tiếp quản Sài Gòn và dinh Độc Lập, trong đó cánh quân của ông được giao nhiệm vụ tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất.

Có một điều vô cùng thú vị mà ít người biết, chính là kỷ niệm rất đặc biệt của ông với đồng đội trong ngày 30/4 lịch sử ấy.

Chiều ngày 30/4, anh chiến sĩ trẻ tên Thành vô tình gặp lại 3 người lính cùng quê Hải Phòng trên đường phố Sài Gòn. 4 chiến sĩ trẻ nhập ngũ cùng nhau, nhưng không cùng chiến đấu trong một đơn vị. Họ đã chụp ảnh cùng nhau tại bùng binh cột đồng hồ trên đường Nguyễn Huệ, ngay trước khách sạn Palace.

30 năm sau ngày giải phóng, cũng ngày 30/4 (năm 2005), lần này không hẹn mà gặp, 4 người lính ấy đã về lại đúng nơi mà họ đã chụp cùng nhau bức ảnh lịch sử ấy, nhưng có khác là 4 mái đầu đã ngả màu.

30 năm sau, 4 anh lính ngày đó tóc đã muối tiêu, chụp ảnh lưu giữ lại với cùng một vị trí và cùng tư thế.

“Trong bức ảnh lịch sử này, cũng tại chính nơi này, 4 người lính trong đoàn quân "tiến về Sài Gòn" năm ấy đã gặp nhau, vẫn giữ nguyên đội hình như một kỷ luật nhà binh để ghi lại một kỷ niệm của thời gian”, vừa chỉ ảnh cho tôi, ông Thành vừa nhắc lại với niềm vui khôn xiết.

“Đã 39 năm qua rồi nhưng những kỷ niệm về ngày đó vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi. Chúng tôi là người may mắn khi trở thành những nhân chứng của lịch sử. Và cho đến hôm nay, chúng tôi, những người lính trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm xưa cũng như trong mặt trận kinh doanh hôm nay vẫn đang tiếp tục những công việc của mình để cuộc sống tốt đẹp hơn”, doanh  nhân Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ.

Bản lĩnh thời bình được tôi luyện từ chiến tranh

“Chiến tranh có thể lấy đi của người lính tất cả tuổi thanh xuân, nhưng chiến tranh cũng bù lại cho họ rất nhiều. Môi trường quân ngũ, sự ác liệt, gian khổ của chiến tranh đã cho những người lính, trong đó có tôi sự trưởng thành vượt bậc. Giá trị đọng lại trong tôi khi bước tiếp những bước đi trong điều kiện đất nước đã hòa bình chính là sự dũng cảm, đối diện với thực tại với ý chí quyết chiến quyết thắng. Sự dũng cảm đó đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trên mặt trận kinh tế”, ông Thành nói.

Nhập ngũ năm 1970, sau 5 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông ra quân, tiếp tục sự nghiệp học tập và trở về xây dựng Hải Phòng.

Là một doanh nhân thành đạt, ông Thành cho rằng bản lĩnh trên thương trường của ông được tôi luyện trong chiến tranh.

39 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, người con trai gốc Hà Nội năm ấy nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Sự dũng cảm đã giúp ông có một quyết định táo bạo khi vào năm 2007, ông một mình bay sang Trung Quốc để thực hiện cuộc đàm phán cuối cùng với đối tác về dự án liên doanh của công ty trong đầu tư xây dựng Khu đô thị Cựu Viên (với tổng giá trị dự án là 2.000 tỷ đồng), khi mà trước đó sự hợp tác của hai bên đang trên bờ vực của sự đổ vỡ.

Chuyến bay đó đã mãi mãi đi vào lịch sử của doanh nghiệp và là một trong những dấu ấn quan trọng, để lại nhiều cảm xúc trong cuộc đời kinh doanh của ông.

“Cuộc đàm phán thành công, đường dây liên hệ giữa hai bên được nối trở lại, các văn bản được ký kết và 24 giờ sau tôi lại có mặt trên chuyến bay trở về Việt Nam. Nó không chỉ là một chuyến bay thông thường như mọi chuyến bay khác, với tôi nó thật sự là một chuyến “cất cánh” lên bầu trời”, ông nói.

Bên cạnh sự dũng cảm, để thành công trong sự nghiệp, đặc biệt là ở vai trò người lãnh đạo, ông Thành cho rằng ngoài kiến thức về kinh tế, có chiến lược, chiến thuật, kỹ năng tiếp cận mục tiêu, còn cần có sự hiểu biết về văn hóa, xã hội, sự nỗ lực cố gắng hết mình vì mục tiêu. Mặt trận kinh doanh cũng không kém phần gay go, ác liệt, một mất một còn, đòi hỏi người kinh doanh phải đấu tranh để giữ được mình cũng như đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Mỗi một quyết định của người quản lý lãnh đạo đều phải có đầy đủ tính khách quan, sự chuẩn xác và tinh thần trách nhiệm.

“Trong tư duy kinh tế hiện đại, nếu bạn chỉ biết làm cho đúng thôi là chưa đủ, công tác quản lý điều hành luôn cần đến tính sáng tạo của con người mới làm cho cái đúng đó trở nên hoàn hảo hơn’, người lính thời bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thành là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng (CDI). 

Doanh nhân này đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 1996; Cúp vàng “Doanh nhân văn hóa” năm 2008; Giải thưởng Bạch Thái Bưởi và Danh hiệu “Doanh nhân Đất Việt thế kỷ 21” năm 2008.

 

 

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm