Sáng 20/10, tại trường Mầm non Lê Duẩn, Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, khoảng 100 người dân quây quần bên nồi cơm khê, nhiều miếng cháy đen do nấu bằng bếp gas.
Thấy cảnh đó, cô Nguyễn Thị Thu Hà, hiệu trưởng nhà trường, thương lắm. Trẻ nhỏ không nuốt nổi cơm, cô đành pha mì tôm để các cháu ăn tạm.
Bữa cơm cháy vì nấu bằng bếp gas của người dân xã Cẩm Duệ đang trú tại trường Mầm non Lê Duẩn. Ảnh: Thu Hà. |
Cô Hà cho hay trường Mầm non Lê Duẩn ở địa thế tương đối cao so với nhà dân trong xã, lại có hai tầng. Do đó, đợt mưa lũ này, xã huy động trường làm nơi tạm trú cho những người có nhà bị ngập lụt.
Từ tối 18/10, khoảng 100 người chuyển vào sống tại đây. Họ trải chiếu ngủ tạm ở 6 phòng học trên tầng 2 do dưới tầng 1, nước ngập sâu hơn 1 m.
Mưa lớn, nước lên nhanh, cô chỉ kịp đưa bếp gas của trường, tích trữ một bình nước sạch lớn cùng gạo và ít thuốc từ tủ thuốc nhà trường lên tầng 2. Đồ dùng của trường ở tầng 1 hầu như hỏng hết do không kịp đưa lên cao.
Cô Thu Hà kể cơm nấu bằng bếp gas nên khê, cháy. Người lớn còn cố nuốt để có sức chống chọi. Trẻ con đành ăn tạm mì tôm. Gần hai ngày nay, bữa cơm của họ phần lớn chỉ có cơm với nhút mít (mít non muối - PV) mà người dân mang kịp lúc chạy lũ.
Chưa kể đến mưa lũ, trẻ nhỏ ho, sốt, đau bụng, đau đầu. Cô đành lấy thuốc cho trẻ uống, không biết làm gì hơn.
Cô Hà kể thêm trong số những người dân ở tạm tại trường, có người bụng bầu đã lớn nhưng vẫn phải ăn uống thiếu thốn, sinh hoạt trong môi trường không đảm bảo.
Đến hôm nay, trường đã hết nước sạch, đồ ăn, thuốc men còn lại rất ít. Trong khi đó, nước bắt đầu rút nhưng vẫn bao vây quanh trường. Mọi người chỉ có thể di chuyển khó khăn bằng thuyền.
Kể cả có đi được đến nhà dân, họ cũng không còn gì để lấy, giúp nhau vượt qua thiên tai. Nhà ngập, tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Lương thực, thực phẩm ngâm trong nước, không thể dùng được.
Gần 100 người dân sinh hoạt trong 6 phòng học, nước sạch đã hết, thức ăn, thuốc men không còn nhiều. Ảnh: Thu Hà. |
Nhìn số lượng thuốc vơi dần, cô Hà lo lắm. Hiệu thuốc quanh vùng đóng cửa, 100 người dân chỉ biết trông chờ ai đó sẽ đưa nước uống, đồ ăn, thuốc men đến tiếp tế.
Cô Thu Hà cho biết đến sáng 20/10, họ vẫn chưa nhận được hỗ trợ cần thiết. Lãnh đạo xã Cẩm Duệ đến thăm, động viên người dân. Song vì tình hình chung, xã chưa thể trợ cấp hiện vật.
"Nhiều khả năng, chúng tôi phải ở đây đến 3-4 ngày nữa. Trường không còn nước uống, đồ ăn, thuốc men còn rất ít. Tôi mong các nhà hảo tâm giúp đỡ", cô Hà chia sẻ.
Từ tối 18/10, mưa to kết hợp hồ Kẻ Gỗ xả lũ, 6 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, trong đó có xã Cẩm Duệ, bị cô lập hoàn toàn.
Đến ngày 20/10, lũ bắt đầu xuống những vẫn ở mức cao. Người dân chưa thể về nhà. Trưa cùng ngày, nhiều đoàn cứu trợ đến huyện Cẩm Xuyên để tiếp tế đồ ăn cho người dân.
Tuy nhiên, do mưa lũ ngập sâu, giao thông bị chia cắt, liên lạc hạn chế, công tác phân phối hàng cứu trợ đến xã ngập sâu như Cẩm Duệ còn nhiều khó khăn.