Thi công tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn |
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề xuất thành lập quỹ lấy từ phí áp cho người tiêu dùng để chi trả ưu đãi cho nhà đầu tư dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiều chuyên gia cho rằng phương án này không khả thi, khó được chấp nhận.
Cũng từ câu chuyện ưu đãi cho dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, theo các chuyên gia, cần rà soát các chính sách ưu đãi cho những dự án khuyến khích đầu tư, tránh tình trạng gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất trong nước.
Ông NGUYỄN THIỆU (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng):
Nên đàm phán lại với nhà đầu tư
Khoản tiền 75.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD) ưu đãi cho dự án nhà máy lọc hóa dầu có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD là quá lớn và bất hợp lý. Với việc tham gia 25,1% vốn trong dự án, liệu cả đời dự án này Việt Nam có thu được lợi nhuận bằng số tiền ưu đãi đấy hay không?
Chúng ta có thiện chí thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành lọc hóa dầu trong nước, nhưng mức độ ưu đãi đến đâu cần phải có sự thảo luận giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức xã hội và chuyên gia, thậm chí tham khảo cả kinh nghiệm thế giới, chứ không nên để thành chuyện đã rồi như hiện nay.
Trở lại câu chuyện tạo nguồn nhằm có 75.000 tỷ đồng để chi ưu đãi cho các nhà đầu tư, theo tôi, phương án lập quỹ để thu của người tiêu dùng là không hợp lý, khó được chấp nhận.
Việt Nam vừa ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) không ngoài mục tiêu để người tiêu dùng được hưởng lợi từ thuế giảm, kéo giảm chi phí sản xuất kinh doanh toàn xã hội, tăng sức cạnh tranh.
Nếu giảm thuế mà lại phải đóng thêm khoản phí, lợi ích của các FTA còn được bao nhiêu? Phương án trích ngân sách bù cũng khó được chấp nhận ngay cả khi có tiền, chứ chưa nói ngân sách đang khó khăn. Do đó, theo tôi, cần tính đến phương án đàm phán lại với các nhà đầu tư, dù khó nhưng cũng phải làm.
TS NGÔ MINH HẢI (Phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương):
Phải siết lại chính sách ưu đãi
Cùng với những lùm xùm xung quanh dự án lọc dầu Dung Quất vừa qua, chuyện ưu đãi cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thấy câu chuyện hiệu quả của các dự án “khủng” cần được xem lại, tránh tình trạng khi lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt thì nói rằng dự án có hiệu quả, nhưng sau đó lại kêu đủ điều và xin Nhà nước hỗ trợ.
Với việc xuất hiện ngày càng nhiều dự án lọc dầu tại Việt Nam, theo tôi, các chính sách ưu đãi nên siết lại. Nếu không, mỗi khi thị trường biến động, có khó khăn họ lại muốn được “chống lưng” bằng cơ chế chính sách. Anh đã làm ăn thì phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của anh.
Đó là quy trình bình thường của mọi nhà đầu tư. Đằng này, xây dựng nhà máy xong anh lại bắt người dân bỏ tiền bù ưu đãi cho các ông thì không có lý nào chấp nhận được.
Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):
Chỉ nên hỗ trợ về chính sách
Việc ưu đãi các nhà máy lọc dầu để có ngành công nghiệp hóa dầu là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những nhà máy mới có thể cạnh tranh được trong điều kiện mới đi vào hoạt động, vốn đầu tư lớn, chi phí cao.
Tuy nhiên, theo tôi, những ưu đãi cho doanh nghiệp chỉ nên dừng lại ở các chính sách, tránh việc huy động tiền trả cho họ, trừ các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển.
Ngoài ra, việc đảm bảo bao tiêu cho các nhà máy như Dung Quất, Nghi Sơn là những việc rất khó, không phải cứ muốn là làm được. Từ câu chuyện này, theo tôi, Nhà nước nên xem lại việc cấp phép hoặc ưu đãi cho các nhà máy lọc dầu mới, cần xem xét kỹ các cam kết để đảm bảo chặt chẽ.
PGS.TS ĐỖ ĐỨC ĐỊNH (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông):
Trái với quy luật thị trường
Lọc dầu là ngành quan trọng tại Việt Nam, nhưng cũng chỉ nên ưu đãi bằng cách giảm một phần thuế hoặc tiền thuê đất rẻ hơn, chứ dứt khoát không thể có chuyện... bù tiền (khi thuế giảm) cho nhà đầu tư hay nâng giá bán trong nước.
Hơn nữa, việc thêm thuế phí vào giá xăng dầu để ưu đãi cho một dự án, cụ thể đây là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, là trái với kinh tế thị trường, bất lợi trong cạnh tranh.
Chưa kể nếu thêm phí sẽ làm giá xăng dầu tăng lên, các hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng bị đội giá, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ về đề xuất của PVN.