Hình ảnh từ vụ giẫm đạp hôm 1/10. Ảnh: AP. |
Giám đốc Cơ quan Y tế thành phố Malang Wiyanto Wijoyo ngày 4/10 cho biết mỗi khi có các sự kiện tập trung đông người như bóng đá, cơ quan y tế địa phương luôn được yêu cầu điều động xe cứu thương, nhân viên y tế túc trực hỗ trợ, Channel News Asia đưa tin.
"(Việc huy động xe cứu thương) thường sẽ dựa trên đề nghị của cảnh sát hoặc đơn vị tổ chức sự kiện", ông Wijoyo cho hay.
Ông Wijoyo cho biết cơ quan y tế thành phố chỉ nhận được yêu cầu của cảnh sát điều động nhân viên tiêm chủng vaccine Covid-19 tới sân vận động trong lúc trận đấu diễn ra. Đây là cách để khuyến khích người dân tiêm vaccine, quan chức thành phố Malang nói.
Sau khi trận đấu trở nên hỗn loạn và thảm kịch xảy ra, cơ quan y tế thành phố đã được thông báo. 8 xe cấp cứu và nhân viên y tế đã lập tức được triển khai tới sân vận động.
"Xe cấp cứu đã giúp di tản các nạn nhân, họ đến được bệnh viện trước lúc nửa đêm", ông Wijoyo nói.
Vụ giẫm đạp xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan hôm 1/10, khiến 125 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Theo xác nhận mới nhất, trong số những nạn nhân thiệt mạng có 32 trẻ em.
Sau khi trận đấu giữa hai câu lạc bộ Arema và Persebaya kết thúc, bạo loạn nổ ra giữa các cổ động viên. Cảnh sát Indonesia đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông - điều không phù hợp với các quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Hành động này đã châm ngòi cho vụ giẫm đạp.