Chiều 25/5, vấn đề đất đai tiếp tục được hâm nóng tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, thẳng thắn nói vấn đề đất đai đang “rất nóng và luôn nóng”. Đây cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu kiện nhất và cũng thất thoát lớn nhất tài sản quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết vấn đề đất đai vừa qua quá nóng, Thủ tướng đã không quản cuối tuần để họp với các địa phương có khiếu kiện. Có một thực trạng mà ông chỉ ra là trong 100 vụ khiếu kiện thì có đến 95 vụ liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Quân Minh. |
“Doanh nghiệp làm hạ tầng có nơi chẳng cần làm gì đã lập bản đồ bán ra với giá gấp hàng chục, trăm lần, khiến dân khiếu kiện khắp nơi. Đây cũng là điều dễ hiểu. Nhu cầu phát triển có, nhưng cũng cần để ý đến người dân. Không thể kéo dài mãi việc thu hồi hàng nghìn m2 đất mà chưa tính đến công ăn việc làm cho dân”, ông nói.
Theo đại biểu Cương, việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, công trình công cộng được xã hội đồng tình cao. Còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, nhất là thu để giao cho doanh nghiệp, thì cần phải thay đổi cả cơ chế và quy định của pháp luật.
Thu hồi đất giao cho doanh nghiệp cần thay đổi, với hướng doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân theo giá thị trường. Chính quyền không thu hồi đất hộ doanh nghiệp, không để tình trạng thu hồi đất mà dân không biết có dự án.
“Chính phủ cần thiết kế cơ chế để doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất thay các doanh nghiệp, và trước khi phê duyệt dự án thì phải lấy ý kiến người dân. Không để tình trạng như một số nơi khi thu hồi đất thì người dân không biết là có dự án”, ông nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng khi sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi tương xứng, cuộc sống bình thường của ngươì dân với sự phát triển bền vững của quốc gia.
Ông đề cập các vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư. Có những doanh nghiệp được cấp đất không qua đấu giá mà phất lên, hậu quả thất thoát ngân sách lớn.
Đại biểu Cương chỉ ra những bất cập của các dự án BT trên cả nước. Ảnh: Lê Quân. |
Theo ông Cương, tình trạng dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến đất, có cả đất công, vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp. Lẽ ra BT cần đem lại bệnh viện, trường học nhưng đáng tiếc hàng trăm nghìn ha đất vàng, kim cương của Nhà nước đổi lấy cổng chào, tượng đài. Đất đai cứ bị mất dần đi một cách đáng lo ngại.
“Tôi chỉ muốn góp một tiếng nói đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, hạn chế, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu quả mang lại từ đất. Có như vậy mới tránh được lửa bùng lên từ đất”, ông Cương nói.
Trước đó, vào phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề đang tồn tại, bức xúc như quản lý đất đai, chậm giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người nông dân chịu ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do.