Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Brazil trên đà vượt Mỹ thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới

Từ một quốc gia mà đại dịch đổ bộ tương đối trễ, giờ đây Brazil đang trên hành trình vượt Mỹ về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận 42.725 trường hợp Covid-19 mới và thêm 1.185 ca tử vong vì căn bệnh này, theo thông tin từ Bộ Y tế Brazil hôm 24/6.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện cho tới nay, Brazil ghi nhận tổng cộng gần 1,2 triệu ca Covid-19 với tổng số ca tử vong là 53.830 người.

Quốc gia Nam Mỹ này đang là điểm nóng thứ 2 sau Mỹ về mức độ ảnh hưởng và lây lan của đại dịch viêm phổi cấp. Mỗi ngày Brazil có thêm khoảng 30.000 ca nhiễm mới và xấp xỉ 1.200 ca tử vong. Nhiều chuyên gia đến từ Đại học Washington dự đoán rằng Brazil sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có số ca tử vong do virus corona cao nhất thế giới vào khoảng đầu tháng 8.

Kể từ khi những thành phố lớn gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, đại dịch Covid-19 ở Brazil tái bùng phát trở lại với tốc độ chóng mặt và không có dấu hiệu dừng lại.

brazil tro thanh o dich anh 1

Tổng thống Bolsonaro (trái) và quyền Bộ trưởng Y tế Pazuello. Ảnh: Reuters.

Bất chấp tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn tỏ ý xem thường mức độ nghiêm trọng mà đại dịch này có thể gây ra. Thay vì tìm cách đối phó với diễn biến phức tạp của dịch, Tổng thống Bolsonaro lại tập trung chất vấn những cơ quan y tế toàn cầu và cáo buộc những đối thủ chính trị của mình lợi dụng sự bất ổn để làm lung lay uy tín của ông.

Ngộ nhận của Tổng thống Bolsonaro

Khi dịch mới bùng phát tại một số điểm nóng như Trung Quốc, Italy hay Mỹ, virus corona tưởng như "bỏ quên" Brazil. Tổng thống Bolsonaro miễn cưỡng đồng ý hồi hương công dân Brazil từ tâm dịch Hồ Bắc thuộc Trung Quốc. Ông lo ngại rằng những người trở về từ nước ngoài này sẽ khiến phần còn lại của đất nước gặp nguy hiểm.

Ca nhiễm đầu tiên ở Brazil được ghi nhận vào ngày 26/2. Bệnh nhân là một người đàn ông trở về Sao Paulo từ Italy. Chỉ một tháng sau, số ca nhiễm ở Brazil chạm ngưỡng 3.000 với 77 ca tử vong. Thời điểm đó, ông Bolsonaro so sánh bệnh viêm phổi cấp với “một cơn cảm cúm nhẹ” và ngụ ý rằng người Brazil có hệ miễn dịch đủ mạnh để kháng lại virus corona.

“Người Brazil không nhiễm gì đâu… Chúng ta có kháng thể để ngăn chặn virus lây lan”, Tổng thống Bolsonaro trấn an người dân của mình. Ông còn lặp lại tuyên bố về việc người Brazil có khả năng miễn dịch với virus corona trong cuộc họp báo ngày 26/3 ở Brasilia.

Tổng thống Bolsonaro thậm chí còn nói rằng “người Brazil nên được đem ra làm đối tượng nghiên cứu khoa học, vì chẳng loại virus nào có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Cứ quan sát những người ngụp lặn và tắm trong nước thải mà xem, họ có làm sao đâu?”.

Cũng trong buổi họp báo ấy, ông Bolsonaro cho rằng nhiều người Brazil có thể đã nhiễm virus nhưng những người này có “kháng thể đủ mạnh để ngăn chặn virus lây sang người khác”.

Những bất cập trong công tác chống dịch ở Brazil

Ngày 8/4, trong khi Brazil ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 800 ca tử vong do virus corona, hình ảnh Tổng thống Bolsonaro ôm những người ủng hộ tại một tiệm bánh địa phương lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ông cho rằng giãn cách xã hội và lệnh cách ly ở những thành phố lớn như Rio de Janeiro hay Sao Paulo là lợi bất cập hại, gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn cả virus corona và sẽ đẩy Brazil vào tình trạng suy thoái kinh tế.

brazil tro thanh o dich anh 2

Tổng thống Bolsanaro có mặt tại một buổi biểu tình phản đối lệnh cách ly. Ảnh: CNN.

Tổng thống Brazil thường xuyên bày tỏ sự không hài lòng với những thị trưởng và thống đốc của những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ông này thậm chí còn sa thải Bộ trưởng Bộ Y tế Luiz Henrique Mandetta hôm 16/4 vì đã ủng hộ đề xuất đóng cửa doanh nghiệp và trường học. Một tuần sau đó, ông Bolsanaro có mặt tại một cuộc biểu tình phản đối lệnh cách ly ở Brasilia. Tổng thống Brazil không đeo khẩu trang, ho rất nhiều và không ngần ngại bắt tay những người ủng hộ.

Sự thay đổi nhân sự trong Bộ Y tế Brazil cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Ông Eduardo Pazuello, vốn là tướng lĩnh trong quân đội Brazil, hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Y tế tạm thời. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Pazuello đã thay tới 9 người ở những vị trí quan trọng trong Bộ Y tế Brazil.

Bộ trưởng Y tế mới cũng đưa ra chỉ dẫn dùng chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị cho tất cả những bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh viêm phổi cấp, bất chấp Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành thông báo về an toàn thuốc liên quan đến các tác dụng phụ của chloroquine và hydroxychloroquine khi dùng để điều trị Covid-19.

Thay vì cách ly xã hội, tướng Pazuello khuyến khích mở thêm các trung tâm phân loại bệnh nhân dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. “Sẽ không có chuyện cách ly 100%,” ông nói với CNN Brazil.

Con đường biến Brazil thành tâm dịch thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm thực tế tại Brazil có thể cao hơn nhiều so với số liệu mà Brazil báo cáo. Sự chênh lệch này xuất phát từ việc nhiều ca nhiễm đã không được phát hiện do những trường hợp này không được xét nghiệm.

Đầu tháng 6, WHO kêu gọi chính phủ các nước khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tổng thống Brazil cáo buộc WHO “áp đặt thiên kiến” và dọa sẽ rút Brazil ra khỏi tổ chức này. “Mỹ đã rời WHO, giờ chúng tôi cũng đang cân nhắc điều tương tự”. Ông Bolsonaro trả lời báo giới. "Chúng tôi không cần người nước ngoài đến đây bảo chúng tôi phải làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình”.

Tổng thống Bolsonaro thậm chí còn cáo buộc WHO cố gắng đẩy Brazil vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. “WHO muốn chúng tôi nghe theo họ một cách mù quáng. Đầu tiên, họ nói những người không có triệu chứng thì không lây lan virus, sau đó họ lại tự phủ nhận phát biểu của mình. Dường như sau tất cả, họ muốn các quốc gia trở nên khánh kiệt và hỗn loạn”.

Mâu thuẫn giữa chính quyền ông Bolsonaro và WHO giúp Brazil tiến nhanh hơn trên con đường vượt qua Mỹ về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19. “Tôi nghĩ tình hình ở Brazil sẽ tệ hơn Mỹ, tôi nghĩ phần lớn chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của Covid-19, đây là hệ quả trực tiếp của việc thiếu đi kế hoạch ứng phó với đại dịch ở quy mô quốc gia,” Miguel Lago, giảng viên tại đại học Columbia và giám đốc Viện nghiên cứu chính sách sức khỏe Brazil, trả lời CNN.

Nhiều loại vaccine đang được phát triển tại Brazil, dự kiến sẽ được đưa vào kiểm tra ở Trung Quốc để kiểm định mức độ hiệu quả và tác dụng phụ (nếu có). Tuy nhiên, phép thử thực sự là liệu Tổng thống Bolsonaro có đủ khả năng dẫn dắt quốc gia Nam Mỹ này đương đầu và vượt qua khủng hoảng. Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Một ngày làm việc của người thu thập thi thể tại Brazil do Covid-19 Số người tử vong do dịch Covid-19 tại Brazil đã tăng lên con số 35.000, trong khi số người nhiễm virus là hơn 646.000, cao thứ hai trên thế giới.

Thẩm phán ra lệnh TT Brazil phải đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị phạt

Một thẩm phán Brazil đã ra lệnh cho Tổng thống Bolsonaro cải chính hành vi "thiếu tôn trọng" bằng cách đeo khẩu trang khi đi lại ở thủ đô Brasilia, nếu không có thể bị phạt tiền.

Brazil tăng kỷ lục gần 35.000 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 34.918 trường hợp nhiễm Covid-19, tiếp tục lập kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày.

Thành phố Brazil khủng hoảng nghĩa trang vì Covid-19, phải bốc mộ cũ

Giữa khủng hoảng Covid-19, thành phố Sao Paulo bắt đầu bốc mộ những người qua đời nhiều năm trước và tạm cất vào thùng bằng kim loại để dọn chỗ chôn cất người mới.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm