Theo truyền thông địa phương, giới chức y tế Brazil đã ghi nhận hai trường hợp, bao gồm một người đàn ông 34 tuổi ở bang Amapa và một người phụ nữ 26 tuổi ở bang Para, miền Bắc nước này.
"Biến chủng Deltacron cần được theo dõi", Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết tại cuộc họp báo ngày 15/3. Ông lưu ý các biện pháp phòng dịch bảo vệ cơ thể trước các biến chủng trước, chẳng hạn như tiêm mũi vaccine tăng cường, vẫn có hiệu quả với biến chủng mới này.
Deltacron đã xuất hiện nhiều nơi khác trên thế giới. Tại cuộc họp báo hôm 9/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng lai này đã được ghi nhận ở Pháp, Hà Lan và Đan Mạch. Người nhiễm biến chủng Deltacron ở Mỹ cũng xuất hiện trong bản báo cáo đăng tải trên medRxiv.
Một người phụ nữ ở Sao Paulo, Brazil tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên cho đến nay, số ca mắc biến chủng Deltacron ở những khu vực này vẫn còn khá ít.
Các nhà nghiên cứu ở Cyprus là nhóm phát hiện ra Deltacron hồi tháng một vừa qua. Leondios Kostrikis, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Cyprus, cho biết chủng này có các dấu hiệu di truyền giống Omicron trong bộ gene Delta, Bloomberg đưa tin hôm 8/1.
Ban đầu, một số người nghi ngờ đây là kết quả của lỗi kỹ thuật, nhưng sau đó WHO và nhiều tổ chức khác đã công nhận sự tồn tại của Deltacron.
Thông tin chi tiết về biến chủng này, chẳng hạn mức độ gây bệnh nghiêm trọng sau khi mắc, vẫn chưa được tìm hiểu rõ.