Vụ vỡ đập khai thác quặng sắt ở Brazil nhấn chìm cả một ngôi làng. Ảnh: Reuters |
Vụ vỡ đập xảy ra hồi đầu tháng 11/2015 tại làng Bento Rodrigues, bang Minas Gerais. Ước tính hơn 60 triệu m3 bùn đất chứa các chất thải độc hại sau quá trình khai thác quặng sắt đã bị tràn ra ngoài, nhấn chìm cả một ngôi làng khiến 19 người thiệt mạng.
Con sông lớn Doce gần đó cũng bị ô nhiễm trên diện rộng đến hơn 500 km, đe dọa cuộc sống của các loài động, thực vật và ảnh hưởng tới nguồn nước uống của khoảng 250.000 người.
Tập tài liệu của công tố viên đưa ra ngày 4/5 dày 359 trang, với chi phí số tiền đòi bồi thường đối với 2 công ty sở hữu mỏ Samarco, Vale SA và BHP Billiton là 44 tỷ USD.
Con số này được tính toán dựa trên nghiên cứu từ vụ tràn dầu của giàn khoan thuộc BP tại Mỹ hồi năm 2010, theo Reuters.
Sông Doce ở Brazil bị ô nhiễm nghiêm trọng do vụ vỡ đập. Ảnh: Guardian |
Đại diện của Vale và BHP nói họ chưa nhận được thông báo chính thức về vụ kiện này.
Tuy nhiên, BHP phát một thông báo cho biết công ty này "cam kết giúp đỡ tái xây dựng khu vực sinh sống của người dân và khắc phục hậu quả môi trường do vụ vỡ đập gây ra".
BHP cũng đề cập đến một vụ kiện khác mà Samarco, Vale và BHP đã tự dàn xếp riêng với chính phủ Brazil hồi tháng 3. Theo đó, các công ty sẽ thanh toán trước 20 tỷ real (hơn 5,6 tỷ USD) để khắc phục hậu quả.
Vị trí bang Minas Gerais , nơi vụ vỡ đập xảy ra, ở Brazil. Đồ họa: BBC |
"Chúng tôi tin rằng nếu tòa án chấp nhận thỏa thuận này sẽ tạo ra cơ chế bồi thường và khắc phục hậu quả lâu dài, cũng như nền tảng thích hợp để các bên phối hợp với nhau", BHP nói.
Tuy nhiên, cơ quan công tố liên bang chỉ trích rằng thỏa thuận trên là không đầy đủ, cũng như thiếu cơ chế pháp lý để bảo đảm các công ty sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết. Họ cho rằng thỏa thuận chỉ dừng ở mức "tuyên bố ý định".
Theo các nhà bảo vệ môi trường, vụ vỡ đập Samarco là sự cố vỡ đập nghiêm trọng nhất trong thập kỷ qua trên thế giới. Brazil dự kiến phải mất gần một thế kỷ mới khắc phục hoàn toàn các hậu quả môi trường.