Ngày 6/1, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc chi nhánh BOT 319 Sông Phan thuộc Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận và các sở ngành địa phương, đề nghị xin giảm giá vé qua trạm thu giá cho các chủ phương tiện xung quanh trạm thu giá Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam).
Trạm thu phí Sông Phan. Ảnh: CTV. |
Theo đó, thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Tổng công ty 319, đã có văn bản gửi Tổng Cục đường bộ Việt Nam, đề nghị giảm giá cho các chủ phương tiện quanh trạm thu giá Sông Phan. Dự kiến Bộ Giao thông Vận tải có quyết định việc giảm giá trong tháng 1/2018.
Trước đó, theo nguồn tin của Zing.vn, một nhóm tài xế đã lên phương án chuẩn bị phản đối việc thu phí tại trạm thu giá Sông Phan. Các tài xế cho biết trạm thu giá này đặt trên quốc lộ 1 là sai vì họ đã trả phí bảo trì đường bộ.
Thời gian gần đây, các tài xế đã dùng nhiều phương án như trả tiền lẻ, đòi thối đúng 100 đồng, không trả phí qua trạm thu giá để phản đối các trạm thu giá đặt trên quốc lộ. Các trạm thu giá liên tục "vỡ trận" do kẹt xe kéo dài. Trước tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo giảm giá nhiều trạm thu phí.
Tài xế phản đối gây kẹt xe tại trạm thu giá BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Ảnh: Minh Anh. |
Trạm thu giá Sông Phan thu phí dịch vụ cho dự án BOT cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn Đồng Nai – Phan Thiết dài 113,7 km (đoạn qua Bình Thuận dài 70 km) với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.
Tháng 6/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện có biển số ở địa phương vì cho rằng người dân chỉ lưu thông qua trạm có vài km cũng phải đóng phí cả tuyến là bất hợp lý.
Vị trí đặt trạm thu phí Sông Phan trên quốc lộ 1. Ảnh: Google Maps. |